Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Góc nhìn: Nỗi sợ dùng ngân sách xử lý nợ xấu

Những ngày gần đây, xuất phát từ bản dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, vấn đề sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu một lần nữa lại thu hút những quan điểm trái chiều.

Đã 5 năm qua, kể từ khi có đề án xử lý nợ xấu, đề xuất sử dụng một phần ngân sách từng nhiều lần được đặt ra. Tuy nhiên, nó chưa từng được đặt ra một cách xứng đáng.

Ngân sách bị dùng gián tiếp

Điểm lại, đề xuất này mới chỉ ở mức độ mon men hoặc phảng phất trong các báo cáo, hoặc phụ lục của các dự thảo liên quan, như một sự thăm dò. Cho đến nay, với công chúng, chưa từng có một diễn đàn tầm cỡ, trọn vẹn, hay một đề án có cơ sở khoa học đúng tầm được công bố để cùng đánh giá, phân tích cho vấn đề này.

Thăm dò, vì ngay từ khi thai nghén, phảng phất ý tưởng sau đề án xử lý nợ xấu, việc sử dụng ngân sách Nhà nước đã vấp phải phản ứng, có thể nói là dữ dội, từ công chúng, cả bên lề diễn đàn Quốc hội…

Phản ứng đầu tiên vẫn là những phản biện: Sao lại dùng tiền thuế của dân để đi cứu các ngân hàng, các “ông chủ”? Phải có sự trả giá cho những sai lầm, cho những cách làm gây hậu quả là nợ xấu, phải để thị trường đào thải? Ngân sách khó khăn, tiền đâu để xử lý?

Thực ra, xét kỹ thì ngân sách vẫn đang được dùng một cách gián tiếp để xử lý nợ xấu đó thôi.

Nhiều phân tích thời gian qua cùng nhận định: lãi suất cho vay đến nay vẫn khó giảm vì kẹt nợ xấu. Nhìn ngược lại, nếu không nặng nợ xấu, lãi suất cho vay đã tiếp tục giảm được. Theo đó, các doanh nghiệp và người dân vay vốn “còn sống” hiện nay vẫn đang phải cõng một phần chi phí, qua lãi suất cho vay, để “nuôi” nợ xấu.

Nếu bớt được một phần chi phí đó, lãi suất cho vay giảm được, hoạt động sản xuất kinh doanh hẳn đã đóng góp tốt hơn nữa cho ngân sách Nhà nước.

Với các ngân hàng thương mại, nếu không nặng nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận những năm qua và hiện nay đã cao hơn, nộp thuế và đóng góp cho ngân sách tốt hơn.

Một khoản đầu tư sinh lời?

Như trên, đã 5 năm qua, phản ứng từ dư luận vẫn nguyên đó. Nhưng, với lợi ích đại cục, việc sử dụng một phần ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu cần được nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, cân đong được và mất.

Thay vì mon men đưa ra trong một dự thảo hay báo cáo nào đó, các đầu mối chuyên trách hãy xây dựng đề án khoa học, đánh giá xem việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu có phải là một khoản đầu tư sẽ sinh lời hay không; hay vẫn tiếp tục để doanh nghiệp và người dân vay vốn “còn sống” góp tiền qua lãi suất cho vay cao để “nuôi” nợ xấu, để nó tiếp tục níu kéo cả nền kinh tế.

Cách đây hơn một năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng đưa ra tính toán: nếu lãi suất cho vay giảm 1%/năm sẽ có tác động tổng hợp làm GDP năm 2015 tăng thêm khoảng 0,45% và lạm phát giảm khoảng 0,76%.

Lợi ích của giảm lãi suất theo đó rất rõ ràng, có thể tham khảo bằng kết quả lượng hóa trên.

Vậy, với cơ sở khoa học, các đầu mối chuyên trách hoàn toàn có thể lượng hóa được, nếu dùng ngân sách Nhà nước giảm được 1% nợ xấu thì sẽ giảm được bao nhiêu phần trăm lãi suất cho vay, qua đó để tính phần sinh lời đối với GDP.

Tương tự, cũng có thể lượng hóa được kết quả xử lý nợ xấu đó, kéo giảm lãi suất, sẽ giúp giảm được bao nhiêu chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp và người dân đang có tổng dư nợ 5.037.936 tỷ đồng (tính đến tháng 6/2016). Gánh nặng lãi vay được giảm bớt này có thể giúp tăng năng lực cạnh tranh, tăng thu nhập, tăng nộp thuế cho ngân sách thêm như thế nào.

Và cả phía các ngân hàng thương mại nữa, nếu được hỗ trợ xử lý nợ xấu, lợi nhuận sẽ gia tăng và nâng đóng góp cho ngân sách Nhà nước như thế nào…

Tổng thể những tính toán trên có thể được lượng hóa để xem việc sử dụng ngân sách, mức độ sử dụng, có là một khoản đầu tư sinh lời hay không, và đâu là những biến số. Nếu sinh lời lớn, có lợi ích lớn cho cả nền kinh tế, thì tại sao không? Hoặc cái giá phải trả là gì?

Nợ xấu lớn, đeo bám và níu kéo suốt nhiều năm qua, và sẽ tiếp tục nhiều năm tới nếu không có những chuyển biến, đột phá trong xử lý. Để cắt bỏ sự níu kéo này, việc nghiên cứu và đánh giá một cách xứng đáng vấn đề trên, độc lập với quyết định sử dụng ngân sách hay không, cũng là việc nên làm.

Ít nhất, nếu có một đề án đánh giá tổng thể, phân tích chắc chắn về cơ sở khoa học việc sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu, thì sẽ rộng đường dư luận hơn là sự mon men đề xuất và nỗi sợ nào đó đối với áp lực dư luận.

Và nếu nó thực sự là một khoản đầu tư sinh lời, thì có lẽ không hẳn cả thế giới đều quay lưng.

Đọc tiếp »

Dự án Ví Việt của LienVietPostBank nhận tài trợ UNCDF

Ngày 16/9, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Quỹ Đầu tư Phát triển Liên hiệp quốc (UNCDF) ký thỏa thuận tài trợ cho dự án “Ví Việt - Giải pháp thanh toán toàn diện cho Phụ nữ Việt Nam”.

Dự án Ví Việt dành cho phụ nữ do LienVietPostBank xây dựng, được tài trợ trong khuôn khổ Chương trình thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện - Cửa sổ 2 của UNCDF.

Ví Việt (tên gọi tắt của thẻ phi vật lý Ví Việt) được LienVietPostBank nghiên cứu, phát triển và phát hành cho chủ thẻ Ví Việt để giao dịch trên điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính cá nhân, máy tính để bàn có kết nối internet.

Theo đại diện LienVietPostBank, hiện dung lượng thị trường cho sản phẩm như Ví Việt rất lớn. Tại Việt Nam, khoảng 70% dân số chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng. Do đó, việc triển khai trên quy mô lớn sản phẩm Ví Việt sẽ cung cấp giải pháp tài chính vi mô đến người dân trong cả nước từ thành thị đến nông thôn và các vùng sâu, vùng xa.

Để nâng cao hiệu quả trong quá trình triển khai và lan tỏa sức ảnh hưởng tới cộng đồng của Ví Việt, trong gần một năm qua, LienVietPostBank đã phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dự thảo và khởi động dự án Ví Việt dành cho phụ nữ.

Cạnh tranh với 32 hồ sơ của Việt Nam trong tổng số 90 hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện - Cửa sổ 2 từ bốn quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, “Ví Việt dành cho phụ nữ” đã trở thành dự án đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn nhận khoản tài trợ 325.000 USD (khoảng 7,26 tỷ đồng) từ UNCDF, theo hình thức tài trợ bồi hoàn chi phí.

Dự án nhằm cung cấp các dịch vụ thanh toán, sản phẩm ngân hàng thông qua Ví Việt để gia tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng cho phụ nữ Việt Nam, phát triển thêm các điểm ủy thác thanh toán và điểm giao dịch Ví Việt (cửa hàng, siêu thị mini, điểm bán sim - thẻ...) do phụ nữ làm chủ, giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho chủ hộ kinh doanh.

Cũng trong khuôn khổ dự án này, LienVietPostBank sẽ phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng các chương trình giáo dục tài chính nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về việc quản lý tài chính, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn, ven đô thị, đồng thời phát triển thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.

Dự kiến trong vòng hai năm, từ tháng 9/2016 đến hết tháng 8/2018, dự án sẽ được triển khai trên phạm vi 10 tỉnh thành, gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Theo đó, dự kiến sẽ có tối thiểu 500.000 phụ nữ sử dụng Ví Việt cùng 2.500 điểm chấp nhận Ví Việt do người phụ nữ làm chủ sẽ được phát triển mới.

Đọc tiếp »

Tránh vạ thanh khoản, ngân hàng bắt đầu thanh lọc dự án BOT

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 30/6/2016, tính riêng các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng dự án BOT, BT giao thông là 159.204 tỷ đồng; tổng số dư cấp tín dụng là 83.611 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cuối 2015.

Trong khi một vài ngân hàng thương mại bắt đầu thanh lọc bớt dư nợ cho vay vào lĩnh vực này, thì nhiều đơn vị khác tiếp tục lao vào.

Tăng đáng báo động

Đại diện Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 7 đã đưa ra một số số liệu cho thấy không ít lo ngại về thực trạng cấp tín dụng đối với các dự án BOT và BT giao thông, tại một hội thảo mới đây.

Theo đó, đến cuối tháng 3/2016, có tất cả 19 tổ chức tín dụng (số liệu của Ngân hàng Nhà nước ở phần đầu bài viết chỉ đối với các ngân hàng thương mại - PV), phát sinh dư nợ với BOT và BT.

Trong đó, 4 “ông lớn” Nhà nước dẫn đầu và tiếp theo là 11 đơn vị cổ phần, 3 tổ chức tín dụng nước ngoài cùng 1 công ty tài chính. Tổng hạn mức cấp tín dụng tính đến thời điểm trên là 162,7 nghìn tỷ đồng; dự án BOT chiếm 74,6%, BT chiếm 25,4%.

Đáng chú ý, kể từ quý 4/2015 đến quý 1/2016, tín dụng trong lĩnh vực này tăng mạnh và xuất hiện nhiều cái tên mới sau nhóm 4 “ông lớn” Nhà nước cùng một số ít ngân hàng thương mại cổ phần ở thời kỳ trước đó.

Cụ thể: quý 1/2015 tăng 10,1% còn hết quý 1/2016 so với cuối 2015, tăng tới 6,5%, tương ứng tăng thêm 10 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, hai trong bốn đơn vị Nhà nước chi phối vốn tăng mạnh nhất, lần lượt là 6,9 nghìn tỷ đồng và 1,7 nghìn tỷ đồng; 1,03 nghìn tỷ đồng tiếp theo là dư nợ của một ngân hàng cổ phần khác vừa chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực này.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 7, trong tổng dư nợ cấp ra, có tới 95,28% dư nợ nhóm 1, nợ xấu chỉ chiếm 0,1%, tương ứng 88,7 tỷ đồng.

Một điều đáng tiếc, trong số 88,7 tỷ đồng nợ xấu nói trên thì có 83,4 tỷ đồng nằm ở một ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối vốn do vướng phải dự án nâng cấp mở rộng đầu tư quốc lộ 14 đoạn Cây Chanh - cầu 38.

Ngoài ra, thêm một điểm đáng lưu ý với các ngân hàng có dư nợ lớn đối với BOT và BT là cấp tín dụng quá tập trung vào một khách hàng. Chẳng hạn, một ngân hàng cấp cho Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ 5.813 tỷ đồng; Công ty Cổ phần BOT Biên Cương 9.006 tỷ đồng; dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1A là 3.822 tỷ đồng.

Hay như, một “ông lớn” Nhà nước khác cấp cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh 3.323 tỷ đồng; Công ty Cổ phần ĐT Địa ốc Đại Quang Minh 3.890 tỷ đồng; Công ty TNHH BOT và BT quốc lộ 20 2.631 tỷ đồng...

Đây là những trường hợp điển hình “dồn trứng vào một giỏ”, khiến cơ quan kiểm toán lên tiếng khuyến cáo.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua, khi tín dụng BOT có xu hướng bùng nổ, cơ quan này bên cạnh nhắc nhở đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn, nhằm tránh hệ quả tiêu cực phát sinh trong trung hạn.

Người trong cuộc rút dần

“Không phải đợi đến lúc cơ quan quản lý khuyến cáo mà ngay từ khi lựa chọn đầu tư cho vay các dự án BOT, BT giao thông, chúng tôi không tách rời các chuẩn mực, điều kiện của ngân hàng cũng như quy định của luật pháp, kèm theo đó là phải có tài sản bảo đảm đầy đủ”, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) nói.

Theo đó, tính đến tháng 8/2016, dư nợ cho vay nhóm khách hàng BOT,BT giao thông của SHB là 6.852 tỷ đồng, tất cả thuộc nhóm 1, chiếm 4,3% tổng dư nợ BOT toàn ngành ngân hàng. Trong đó, có 3 dự án ngân hàng cho vay đã hoàn thành và có nguồn thu.

“Chúng tôi luôn có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dòng tiền nguồn thu phí giao thông sau khi cấp tín dụng đầu tư BOT. Trên cơ sở đó, xác định kỳ hạn cho vay phù hợp với dòng tiền nguồn thu phí thực tế nhằm đảm bảo rằng: nguồn thu dự án phải thanh toán đầy đủ nợ vay”, theo ông Lê.

Trong khi đó, đại diện một ngân hàng khác cho biết, mặc dù chịu sức ép của chủ đầu tư kéo dài thời gian trả nợ theo vòng đời dự án (thường là 20 năm) nhưng những ngân hàng làm ăn từ đợt đầu (2012 và 2013), đã cho người túc trực cả ngày lẫn đêm hàng tháng trời, đếm từng lượt xe tại khu vực dự án.

Dựa theo số liệu lưu lượng xe qua lại, ngân hàng ước tính doanh thu phí để làm căn cứ đàm phán với chủ đầu tư, phân bổ thời gian thu hồi vốn. “Chủ đầu tư muốn kéo dài thời gian thu hồi vốn theo vòng đời dự án nhưng chúng tôi chỉ chấp nhận 10 năm, kéo dài thêm, rất sợ rủi ro”, ông này nói.

Cũng vì những khắt khe này, không ít chủ đầu tư BOT, BT đã coi đó là rào cản và tìm đến những ngân hàng có khẩu vị rủi ro phù hợp nhưng thực chất là có phần dễ dãi để vay.

Cũng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, dòng vốn ngân hàng đổ vào dự án BOT giao thông đang tăng rất mạnh.

Tính đến cuối tháng 4/2016, Bộ Giao thông Vận tải đang quản lý 80 dự án BOT, BT với tổng mức đầu tư tới 223.670 tỷ đồng và ngoài các “ông lớn” Nhà nước thì các chủ đầu tư đang mở rộng tìm đến các ngân hàng khác trong nhóm cổ phần.

Ngoài ra, tính minh bạch của việc thu phí đang trở thành bức xúc lớn trong xã hội, đặc biệt là lĩnh vực vận tải. Không ai biết doanh thu cụ thể của từng dự án BOT, ngoại trừ chủ đầu tư và ngân hàng.

Để công khai và kiểm soát tốt nguồn thu phi giao thông, một chuyên gia nói: “Cách tốt nhất là mở một tài khoản chuyên biệt tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và tất cả nguồn thu phí giao thông các dự án BOT sẽ chuyển về tài khoản tập trung tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước quản lý thì tất cả sẽ minh bạch. Nhưng như thế thì chủ đầu tư sẽ chẳng còn ăn gì”.

Đọc tiếp »

Có “miễn nhầm” 176 tỷ đồng thuế cho Formosa?

Bộ Tài chính vừa phát đi thông tin về việc miễn trên 176 tỷ đồng thuế nhà thầu cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FMS).

Theo đó, từ đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế có liên quan đến máy móc, thiết bị nhập khẩu để lắp đặt và thi công công trình của Formosa, trong đó có dịch vụ lắp đặt máy móc, thiết bị.

"Cơ quan thuế và hải quan đã thực hiện truy thu bao gồm cả thuế nhà thầu và xử phạt, trong tổng số xử lý bao gồm cả khoản không hoàn thuế giá trị gia tăng là gần 250 tỷ đồng, không chấp nhận việc nâng giá trị công trình 4.000 tỷ đồng", Bộ Tài chính cho biết.

Đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu mà Formosa nhập khẩu theo điều kiện chuyển giao quyền sở hữu tại cửa khẩu chỉ kèm theo nghĩa vụ bảo hành là nghĩa vụ của người bán, không kèm theo bất cứ dịch vụ gì khác ở Việt Nam, nên Bộ Tài chính không thu thuế nhà thầu, tức 176 tỷ đồng.

Trong khi đó, một số phương tiện thông tin cho rằng Bộ Tài chính "miễn nhầm" khoản thuế này.

Bộ Tài chính khẳng định, việc không thu thuế nhà thầu này là đúng quy định theo điều 4, phần Quy định chung, Thông tư 60, có hiệu lực năm 2012 của Bộ Tài chính và hợp với thực tế, do không phát sinh dịch vụ lắp đặt của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, cơ quan này cho biết việc thu thuế hay không truy thu thuế nhà thầu từ Formosa cần phải xem xét đầy đủ về căn cứ pháp lý cũng như căn cứ thực tế.

Các căn cứ này được phân làm hai nhóm.

Thứ nhất, trường hợp hàng hoá là máy móc, thiết bị được cung cấp theo hợp đồng dưới hình thức điểm giao nhận hàng hoá nằm trong lãnh thổ Việt Nam; hoặc việc cung cấp hàng hóa có kèm theo các dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế, các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hoá: căn cứ quy định đối với đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng tại điều 6, Thông tư số 60/2012 phải chịu thuế nhà thầu đối với các dịch vụ lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng…nhà thầu nước ngoài thực hiện ở Việt Nam.

Thứ hai, với trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hoá là máy móc, thiết bị cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không kèm theo các dịch vụ được thực hiện giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam (người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến hàng hoá cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu Việt Nam) thì theo điều 4, Thông tư số 60/2012 của Bộ Tài chính thuộc đối tượng không áp dụng thu thuế nhà thầu.

Kể từ năm 2009 đến nay, Formosa đã được cơ quan thuế Hà Tĩnh hoàn 14.600 tỷ đồng.

Đọc tiếp »

NCB cho vay độc quyền dự án Golden City An Giang

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB) vừa ký hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần Dịch vụ và thương mại Đông Á - chủ đầu tư dự án khu đô thị Golden City An Giang.

Thỏa thuận hợp tác chiến lược này nhằm phát huy lợi thế, khai thác tốt nhất tiềm năng của mỗi bên, đẩy mạnh tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo nội dung hợp tác, NCB sẽ là ngân hàng tài trợ và cho vay độc quyền dự án khu đô thị Golden City An Giang do Công ty Cổ phần Dịch vụ và thương mại Đông Á làm chủ đầu tư.

Là ngân hàng tài trợ dự án, NCB sẽ thực hiện tư vấn và đưa ra các giải pháp tài chính ưu tiên cho công ty này tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách thuận lợi, kịp thời và đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Đồng thời, NCB sẽ thiết kế riêng và đưa vào triển khai chính sách ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân mua sản phẩm của dự án và cam kết mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Cụ thể, khách hàng vay mua nhà của dự án trên sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 8%/năm trong 12 tháng, hạn mức vay tới 80% và thời gian phê duyệt trong 8h làm việc. Ngoài ra, khách hàng còn được tặng thẻ tín dụng NCB Visa hạn mức 50.000.000 đồng, miễn phí phát hành thẻ, phí thường niên trong năm đầu, miễn phí mở tài khoản thanh toán.

Nằm tại trung tâm thành phố Long Xuyên, Golden City An Giang là tổ hợp bao gồm Shophouse - nhà phố thương mại và biệt thự với tổng diện tích 48,92 ha sẽ phát triển trở thành khu đô thị quy mô và hiện đại bậc nhất miền Tây.

Đọc tiếp »

HDBank tăng kết nối hai chiều với đối tác Nhật Bản

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank) vừa công bố kế hoạch hợp tác với Ngân hàng Aichi (Aichi Bank), trong hướng thúc đẩy liên kết khách hàng hai chiều Việt Nam - Nhật Bản.

Theo đó, HDBank sẽ cung cấp thông tin đầu tư, và các dịch vụ tài chính ngân hàng cần thiết cho khách hàng của Aichi Bank (ngân hàng có trụ sở tại thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, Nhật Bản) cần thành lập văn phòng, chi nhánh, công ty liên doanh tại Việt Nam.

Ngược lại, Aichi Bank cũng sẽ cung cấp thông tin đầu tư, các dịch vụ tài chính ngân hàng cần thiết cho khách hàng của HDBank cần thành lập văn phòng, chi nhánh, công ty liên doanh tại Nhật Bản.

Ngoài ra, hai đối tác trên sẽ cùng tổ chức các hội thảo về đầu tư hoặc các sự kiện khác cho khách hàng của đối tác, nỗ lực trao đổi nhân sự, phái cử nhân sự đến làm việc tại trụ sở của đối tác nhằm phát triển kinh doanh của đôi bên.

Trong những năm gần đây, HDBank đặt trọng tâm thúc đẩy và liên kết kinh doanh với các đối tác của Nhật Bản, bằng việc xây dựng các sản phẩm dịch vụ chuyên biệt.

Tháng 9/2014, HDBank cũng đã hợp tác với Ngân hàng Hyakugo (Nhật Bản) đã ra mắt dịch vụ “Bàn Nhật - Japan Desk”. Đây là chương trình hợp tác nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và tư vấn hỗ trợ dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp Nhật Bản đang và sẽ hoạt động tại Việt Nam.

Khu vực tư vấn và giao dịch “Japan Desk” được thiết kế riêng, theo phong cách Nhật, đặt tại Trung tâm Kinh doanh HDBank. Tại đây, khách hàng doanh nghiệp Nhật Bản được ưu tiên phục vụ riêng, đầy đủ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cần thiết cho hoạt động doanh nghiệp như: dịch vụ tài khoản, quản lý thanh khoản, tài trợ vốn kinh doanh, đầu tư dự án, tài trợ xuất nhập khẩu, dịch vụ ngân hàng điện tử, tư vấn tài chính và dự án đầu tư, thuế và các vấn đề về lao động...

Tháng 7/2016, HDBank tiếp tục hợp tác với Ngân hàng Senshu Ikeda, cùng ký bản ghi nhớ về việc cung cấp thông tin đầu tư, các dịch vụ tài chính ngân hàng cần thiết cho khách hàng của ngân hàng Senshu Ikeda có nhu cầu thành lập văn phòng, chi nhánh, công ty liên doanh tại Việt Nam.

Cũng trong tháng 7/2016, HDBank cùng Ngân hàng Hyakugo và Công ty Thương mại Banrai đã đồng tổ chức hội nghị kết nối kinh doanh thực phẩm Việt Nam - Nhật Bản tại Tp.HCM.

Đọc tiếp »

Giá vàng thế giới tăng mạnh sau cuộc họp của FED

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố giữ nguyên lãi suất đồng USD, giá vàng thế giới tăng trên 20 USD/oz. Tuy nhiên, giá vàng miếng trong nước sáng nay (22/9) chỉ tăng chưa đầy 100.000 đồng/lượng.

Lúc gần 10h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,26 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,32 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ giao dịch ngày hôm qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 80.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 70.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,14 triệu đồng/lượng và 36,4 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Giá vàng miếng đang ở mức cao nhất trong gần 2 tuần nhờ được hỗ trợ bởi lực tăng của giá vàng thế giới. Trước đó, trong suốt 1 tuần qua, giá vàng trong nướcđã lình xình quanh ngưỡng 36,2 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới chịu áp lực giảm vì nỗi lo FED có thể tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 20-21/9.

Trong vòng 2 tháng trở lại đây, giá vàng miếng bán ra giữ tương đối ổn định trên ngưỡng 36 triệu đồng/lượng. Giới kinh doanh vàng cho biết thị trường vàng miếng khá trầm lắng, với cung cầu ít biến động, trong khi vàng trang sức bán tốt hơn vì đã vào mùa cưới.

Ngoài ra, các sản phẩm vàng miếng trọng lượng nhỏ, nhẫn tròn trơn của các thương hiệu lâu năm như DOJI, SJC, Bảo Tín Minh Châu… tiêu thụ khá tốt. Đây là những sản phẩm được nhiều người lựa chọn để làm quà biếu, tặng hoặc tích trữ lâu dài.

Nỗi lo FED tăng lãi suất của giới đầu tư vàng quốc tế đã tạm thời được giải tỏa vào đêm qua theo giờ Việt Nam khi FED tuyên bố giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD. Giá vàng đã tăng mạnh sau khi kết quả cuộc họp của FED được công bố.

Tuy nhiên, giá vàng đã quay đầu giảm nhẹ trong phiên sáng nay tại châu Á, một phần do giới đầu tư tìm đến những tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu. Ngoài ra, đà tăng của giá vàng cũng bị hạn chế khi FED phát tín hiệu mạnh mẽ rằng có thể tăng lãi suất vào cuối năm nay nếu thị trường việc làm tiếp tục khởi sắc.

Lúc gần 10h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 1,8 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, còn 1.334,1 USD/oz.

Phiên đêm qua, giá vàng tăng 20,3 USD/oz, tương đương tăng hơn 1,5 %, chốt ở 1.335,9 USD/oz.

Mức giá hiện tại của vàng thế giới quy đổi tương đương khoảng 35,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ khoảng 500.000 đồng/lượng.

Phiên đêm qua, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tăng khối lượng nắm giữ thêm 0,4%, lên mức hơn 944 tấn. Trước cuộc họp của FED, quỹ này liên tục bán ròng vàng.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 22.305 đồng (mua vào) và 22.325 đồng (bán ra). Ngân hàng Vietcombank niêm yết giá ngoại tệ này ở các mức tương ứng lần lượt là 22.275 đồng và 22.345 đồng.

Đọc tiếp »