Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh đến tính cấp bách phải dập được “đám cháy nợ xấu”, bằng định hướng đưa ra nghị quyết trên và có hiệu lực ngay từ 1/7/2017 chứ không chờ độ trễ thời gian áp dụng như các nghị quyết thông thường.
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, tuần qua, nội dung dự thảo được mổ xẻ với nhiều ý kiến đóng góp. Trước thềm nghị sự ở diễn đàn này, Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức hội thảo mở rộng, với những ý kiến trái chiều.
Đến thời điểm này, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đã nhiều lần được Chính phủ, Quốc hội xác nhận ở mức 10,08%. Mức độ này cho thấy điểm nghẽn lớn đối với nền kinh tế còn rất lớn, không như mức độ dễ chịu chỉ quanh 2,5% mà các tổ chức tín dụng báo cáo.
Sau năm 2012 quyết liệt đặt ra, một lần nữa yêu cầu xử lý nợ xấu trở thành điểm nóng. Và đến thời điểm này vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về các tháo gỡ pháp lý, hỗ trợ chính sách và xác định đối tượng hỗ trợ.
Cụ thể, về dự thảo nghị quyết trên, còn có ý kiến về hỗ trợ xử lý toàn bộ nợ xấu hoặc tách phần từ 2016 trở về trước, về thời hạn hiệu lực của nghị quyết chỉ khoảng 5 năm hoặc đến khi có khuôn khổ pháp lý thay thế, về đối tượng được áp dụng, về cơ chế thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo…
Với những ý kiến còn khác nhau, tại thời điểm này chưa rõ dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ được chốt lại như thế nào và có được thông qua hay không.
Trong khi đó, với 10,08% nói trên, tổng lượng tài sản không sinh lời trong nền kinh tế vào khoảng hơn 550.000 tỷ đồng (tính theo tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống) vẫn nằm đó.
Và sau 6 năm đặt ra, tại những diễn đàn trên, việc tranh luận về nguyên nhân gây ra nợ xấu vẫn chưa dừng lại, câu chuyện tìm trách nhiệm hoặc nỗi sợ để lọt trách nhiệm vẫn chưa dừng lại.
Việc tìm nguyên nhân và trách nhiệm gây ra nợ xấu là đương nhiên. Nhưng điều này độc lập với yêu cầu vào cuộc xử lý nhanh, thực chất nợ xấu.
Đám cháy bùng lên đã lâu, nhưng đến nay, sau 6 năm, cơ chế và quan điểm vẫn cứ loay hoay tranh luận lửa từ đâu, ai gây ra, dùng nguồn nước nào để chữa, nên dùng vòi lớn hay xô chậu, nên phân loại chỗ cần dập hay dập cả, nên phân loại tài sản trong ngôi nhà bao nhiêu để xem xét bê ra trước, nếu bê tài sản ra khỏi đám cháy thì có chạy tội cho người gây cháy không và tài sản đó gắn với lợi ích đối tượng nào, khi dập nếu trực tiếp hoặc gián tiếp đụng đến nguồn nước chung thì ai chịu trách nhiệm và có được phép không…
Đó là những phân tích, tranh luận và xem xét cần làm hoặc không bỏ qua. Nhưng nó độc lập với yêu cầu có hành động dập lửa ngay, thực chất và triệt để. Và trong những ý kiến tập trung cho dự thảo vừa qua, điểm lại, có một “bình gas” khá lớn nằm trong đám cháy là vấn đề lãi dự thu của hệ thống lại ít được đề cập đến.
Hơn 550.000 tỷ đồng lượng tài sản có nguy cơ trong đám cháy đó, tưởng như chỉ gắn với người vay, chủ nợ, gắn với trách nhiệm của riêng một bộ phận trong nền kinh tế. Nhưng, hệ lụy của đám cháy cả nền kinh tế đang phải chịu thiệt hại chung.
Nhiều năm qua và cho đến nay, những nhà không bị cháy vẫn phải bỏ chi phí ra để hàng ngày nuôi lượng lớn tài sản không sinh lời đó, qua lãi suất đi vay phải tra.
Một nguồn lực lớn vẫn nằm đó, với nhiều tranh luận về cơ chế, mà chưa có được giải pháp lớn để đẩy nhanh tái tạo, đưa trở lại phục vụ nền kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét