Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Góc nhìn: Nỗi sợ dùng ngân sách xử lý nợ xấu

Những ngày gần đây, xuất phát từ bản dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, vấn đề sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu một lần nữa lại thu hút những quan điểm trái chiều.

Đã 5 năm qua, kể từ khi có đề án xử lý nợ xấu, đề xuất sử dụng một phần ngân sách từng nhiều lần được đặt ra. Tuy nhiên, nó chưa từng được đặt ra một cách xứng đáng.

Ngân sách bị dùng gián tiếp

Điểm lại, đề xuất này mới chỉ ở mức độ mon men hoặc phảng phất trong các báo cáo, hoặc phụ lục của các dự thảo liên quan, như một sự thăm dò. Cho đến nay, với công chúng, chưa từng có một diễn đàn tầm cỡ, trọn vẹn, hay một đề án có cơ sở khoa học đúng tầm được công bố để cùng đánh giá, phân tích cho vấn đề này.

Thăm dò, vì ngay từ khi thai nghén, phảng phất ý tưởng sau đề án xử lý nợ xấu, việc sử dụng ngân sách Nhà nước đã vấp phải phản ứng, có thể nói là dữ dội, từ công chúng, cả bên lề diễn đàn Quốc hội…

Phản ứng đầu tiên vẫn là những phản biện: Sao lại dùng tiền thuế của dân để đi cứu các ngân hàng, các “ông chủ”? Phải có sự trả giá cho những sai lầm, cho những cách làm gây hậu quả là nợ xấu, phải để thị trường đào thải? Ngân sách khó khăn, tiền đâu để xử lý?

Thực ra, xét kỹ thì ngân sách vẫn đang được dùng một cách gián tiếp để xử lý nợ xấu đó thôi.

Nhiều phân tích thời gian qua cùng nhận định: lãi suất cho vay đến nay vẫn khó giảm vì kẹt nợ xấu. Nhìn ngược lại, nếu không nặng nợ xấu, lãi suất cho vay đã tiếp tục giảm được. Theo đó, các doanh nghiệp và người dân vay vốn “còn sống” hiện nay vẫn đang phải cõng một phần chi phí, qua lãi suất cho vay, để “nuôi” nợ xấu.

Nếu bớt được một phần chi phí đó, lãi suất cho vay giảm được, hoạt động sản xuất kinh doanh hẳn đã đóng góp tốt hơn nữa cho ngân sách Nhà nước.

Với các ngân hàng thương mại, nếu không nặng nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận những năm qua và hiện nay đã cao hơn, nộp thuế và đóng góp cho ngân sách tốt hơn.

Một khoản đầu tư sinh lời?

Như trên, đã 5 năm qua, phản ứng từ dư luận vẫn nguyên đó. Nhưng, với lợi ích đại cục, việc sử dụng một phần ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu cần được nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, cân đong được và mất.

Thay vì mon men đưa ra trong một dự thảo hay báo cáo nào đó, các đầu mối chuyên trách hãy xây dựng đề án khoa học, đánh giá xem việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu có phải là một khoản đầu tư sẽ sinh lời hay không; hay vẫn tiếp tục để doanh nghiệp và người dân vay vốn “còn sống” góp tiền qua lãi suất cho vay cao để “nuôi” nợ xấu, để nó tiếp tục níu kéo cả nền kinh tế.

Cách đây hơn một năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng đưa ra tính toán: nếu lãi suất cho vay giảm 1%/năm sẽ có tác động tổng hợp làm GDP năm 2015 tăng thêm khoảng 0,45% và lạm phát giảm khoảng 0,76%.

Lợi ích của giảm lãi suất theo đó rất rõ ràng, có thể tham khảo bằng kết quả lượng hóa trên.

Vậy, với cơ sở khoa học, các đầu mối chuyên trách hoàn toàn có thể lượng hóa được, nếu dùng ngân sách Nhà nước giảm được 1% nợ xấu thì sẽ giảm được bao nhiêu phần trăm lãi suất cho vay, qua đó để tính phần sinh lời đối với GDP.

Tương tự, cũng có thể lượng hóa được kết quả xử lý nợ xấu đó, kéo giảm lãi suất, sẽ giúp giảm được bao nhiêu chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp và người dân đang có tổng dư nợ 5.037.936 tỷ đồng (tính đến tháng 6/2016). Gánh nặng lãi vay được giảm bớt này có thể giúp tăng năng lực cạnh tranh, tăng thu nhập, tăng nộp thuế cho ngân sách thêm như thế nào.

Và cả phía các ngân hàng thương mại nữa, nếu được hỗ trợ xử lý nợ xấu, lợi nhuận sẽ gia tăng và nâng đóng góp cho ngân sách Nhà nước như thế nào…

Tổng thể những tính toán trên có thể được lượng hóa để xem việc sử dụng ngân sách, mức độ sử dụng, có là một khoản đầu tư sinh lời hay không, và đâu là những biến số. Nếu sinh lời lớn, có lợi ích lớn cho cả nền kinh tế, thì tại sao không? Hoặc cái giá phải trả là gì?

Nợ xấu lớn, đeo bám và níu kéo suốt nhiều năm qua, và sẽ tiếp tục nhiều năm tới nếu không có những chuyển biến, đột phá trong xử lý. Để cắt bỏ sự níu kéo này, việc nghiên cứu và đánh giá một cách xứng đáng vấn đề trên, độc lập với quyết định sử dụng ngân sách hay không, cũng là việc nên làm.

Ít nhất, nếu có một đề án đánh giá tổng thể, phân tích chắc chắn về cơ sở khoa học việc sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu, thì sẽ rộng đường dư luận hơn là sự mon men đề xuất và nỗi sợ nào đó đối với áp lực dư luận.

Và nếu nó thực sự là một khoản đầu tư sinh lời, thì có lẽ không hẳn cả thế giới đều quay lưng.

Đọc tiếp »

Dự án Ví Việt của LienVietPostBank nhận tài trợ UNCDF

Ngày 16/9, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Quỹ Đầu tư Phát triển Liên hiệp quốc (UNCDF) ký thỏa thuận tài trợ cho dự án “Ví Việt - Giải pháp thanh toán toàn diện cho Phụ nữ Việt Nam”.

Dự án Ví Việt dành cho phụ nữ do LienVietPostBank xây dựng, được tài trợ trong khuôn khổ Chương trình thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện - Cửa sổ 2 của UNCDF.

Ví Việt (tên gọi tắt của thẻ phi vật lý Ví Việt) được LienVietPostBank nghiên cứu, phát triển và phát hành cho chủ thẻ Ví Việt để giao dịch trên điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính cá nhân, máy tính để bàn có kết nối internet.

Theo đại diện LienVietPostBank, hiện dung lượng thị trường cho sản phẩm như Ví Việt rất lớn. Tại Việt Nam, khoảng 70% dân số chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng. Do đó, việc triển khai trên quy mô lớn sản phẩm Ví Việt sẽ cung cấp giải pháp tài chính vi mô đến người dân trong cả nước từ thành thị đến nông thôn và các vùng sâu, vùng xa.

Để nâng cao hiệu quả trong quá trình triển khai và lan tỏa sức ảnh hưởng tới cộng đồng của Ví Việt, trong gần một năm qua, LienVietPostBank đã phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dự thảo và khởi động dự án Ví Việt dành cho phụ nữ.

Cạnh tranh với 32 hồ sơ của Việt Nam trong tổng số 90 hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện - Cửa sổ 2 từ bốn quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, “Ví Việt dành cho phụ nữ” đã trở thành dự án đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn nhận khoản tài trợ 325.000 USD (khoảng 7,26 tỷ đồng) từ UNCDF, theo hình thức tài trợ bồi hoàn chi phí.

Dự án nhằm cung cấp các dịch vụ thanh toán, sản phẩm ngân hàng thông qua Ví Việt để gia tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng cho phụ nữ Việt Nam, phát triển thêm các điểm ủy thác thanh toán và điểm giao dịch Ví Việt (cửa hàng, siêu thị mini, điểm bán sim - thẻ...) do phụ nữ làm chủ, giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho chủ hộ kinh doanh.

Cũng trong khuôn khổ dự án này, LienVietPostBank sẽ phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng các chương trình giáo dục tài chính nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về việc quản lý tài chính, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn, ven đô thị, đồng thời phát triển thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.

Dự kiến trong vòng hai năm, từ tháng 9/2016 đến hết tháng 8/2018, dự án sẽ được triển khai trên phạm vi 10 tỉnh thành, gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Theo đó, dự kiến sẽ có tối thiểu 500.000 phụ nữ sử dụng Ví Việt cùng 2.500 điểm chấp nhận Ví Việt do người phụ nữ làm chủ sẽ được phát triển mới.

Đọc tiếp »

Tránh vạ thanh khoản, ngân hàng bắt đầu thanh lọc dự án BOT

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 30/6/2016, tính riêng các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng dự án BOT, BT giao thông là 159.204 tỷ đồng; tổng số dư cấp tín dụng là 83.611 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cuối 2015.

Trong khi một vài ngân hàng thương mại bắt đầu thanh lọc bớt dư nợ cho vay vào lĩnh vực này, thì nhiều đơn vị khác tiếp tục lao vào.

Tăng đáng báo động

Đại diện Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 7 đã đưa ra một số số liệu cho thấy không ít lo ngại về thực trạng cấp tín dụng đối với các dự án BOT và BT giao thông, tại một hội thảo mới đây.

Theo đó, đến cuối tháng 3/2016, có tất cả 19 tổ chức tín dụng (số liệu của Ngân hàng Nhà nước ở phần đầu bài viết chỉ đối với các ngân hàng thương mại - PV), phát sinh dư nợ với BOT và BT.

Trong đó, 4 “ông lớn” Nhà nước dẫn đầu và tiếp theo là 11 đơn vị cổ phần, 3 tổ chức tín dụng nước ngoài cùng 1 công ty tài chính. Tổng hạn mức cấp tín dụng tính đến thời điểm trên là 162,7 nghìn tỷ đồng; dự án BOT chiếm 74,6%, BT chiếm 25,4%.

Đáng chú ý, kể từ quý 4/2015 đến quý 1/2016, tín dụng trong lĩnh vực này tăng mạnh và xuất hiện nhiều cái tên mới sau nhóm 4 “ông lớn” Nhà nước cùng một số ít ngân hàng thương mại cổ phần ở thời kỳ trước đó.

Cụ thể: quý 1/2015 tăng 10,1% còn hết quý 1/2016 so với cuối 2015, tăng tới 6,5%, tương ứng tăng thêm 10 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, hai trong bốn đơn vị Nhà nước chi phối vốn tăng mạnh nhất, lần lượt là 6,9 nghìn tỷ đồng và 1,7 nghìn tỷ đồng; 1,03 nghìn tỷ đồng tiếp theo là dư nợ của một ngân hàng cổ phần khác vừa chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực này.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 7, trong tổng dư nợ cấp ra, có tới 95,28% dư nợ nhóm 1, nợ xấu chỉ chiếm 0,1%, tương ứng 88,7 tỷ đồng.

Một điều đáng tiếc, trong số 88,7 tỷ đồng nợ xấu nói trên thì có 83,4 tỷ đồng nằm ở một ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối vốn do vướng phải dự án nâng cấp mở rộng đầu tư quốc lộ 14 đoạn Cây Chanh - cầu 38.

Ngoài ra, thêm một điểm đáng lưu ý với các ngân hàng có dư nợ lớn đối với BOT và BT là cấp tín dụng quá tập trung vào một khách hàng. Chẳng hạn, một ngân hàng cấp cho Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ 5.813 tỷ đồng; Công ty Cổ phần BOT Biên Cương 9.006 tỷ đồng; dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1A là 3.822 tỷ đồng.

Hay như, một “ông lớn” Nhà nước khác cấp cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh 3.323 tỷ đồng; Công ty Cổ phần ĐT Địa ốc Đại Quang Minh 3.890 tỷ đồng; Công ty TNHH BOT và BT quốc lộ 20 2.631 tỷ đồng...

Đây là những trường hợp điển hình “dồn trứng vào một giỏ”, khiến cơ quan kiểm toán lên tiếng khuyến cáo.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua, khi tín dụng BOT có xu hướng bùng nổ, cơ quan này bên cạnh nhắc nhở đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn, nhằm tránh hệ quả tiêu cực phát sinh trong trung hạn.

Người trong cuộc rút dần

“Không phải đợi đến lúc cơ quan quản lý khuyến cáo mà ngay từ khi lựa chọn đầu tư cho vay các dự án BOT, BT giao thông, chúng tôi không tách rời các chuẩn mực, điều kiện của ngân hàng cũng như quy định của luật pháp, kèm theo đó là phải có tài sản bảo đảm đầy đủ”, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) nói.

Theo đó, tính đến tháng 8/2016, dư nợ cho vay nhóm khách hàng BOT,BT giao thông của SHB là 6.852 tỷ đồng, tất cả thuộc nhóm 1, chiếm 4,3% tổng dư nợ BOT toàn ngành ngân hàng. Trong đó, có 3 dự án ngân hàng cho vay đã hoàn thành và có nguồn thu.

“Chúng tôi luôn có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dòng tiền nguồn thu phí giao thông sau khi cấp tín dụng đầu tư BOT. Trên cơ sở đó, xác định kỳ hạn cho vay phù hợp với dòng tiền nguồn thu phí thực tế nhằm đảm bảo rằng: nguồn thu dự án phải thanh toán đầy đủ nợ vay”, theo ông Lê.

Trong khi đó, đại diện một ngân hàng khác cho biết, mặc dù chịu sức ép của chủ đầu tư kéo dài thời gian trả nợ theo vòng đời dự án (thường là 20 năm) nhưng những ngân hàng làm ăn từ đợt đầu (2012 và 2013), đã cho người túc trực cả ngày lẫn đêm hàng tháng trời, đếm từng lượt xe tại khu vực dự án.

Dựa theo số liệu lưu lượng xe qua lại, ngân hàng ước tính doanh thu phí để làm căn cứ đàm phán với chủ đầu tư, phân bổ thời gian thu hồi vốn. “Chủ đầu tư muốn kéo dài thời gian thu hồi vốn theo vòng đời dự án nhưng chúng tôi chỉ chấp nhận 10 năm, kéo dài thêm, rất sợ rủi ro”, ông này nói.

Cũng vì những khắt khe này, không ít chủ đầu tư BOT, BT đã coi đó là rào cản và tìm đến những ngân hàng có khẩu vị rủi ro phù hợp nhưng thực chất là có phần dễ dãi để vay.

Cũng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, dòng vốn ngân hàng đổ vào dự án BOT giao thông đang tăng rất mạnh.

Tính đến cuối tháng 4/2016, Bộ Giao thông Vận tải đang quản lý 80 dự án BOT, BT với tổng mức đầu tư tới 223.670 tỷ đồng và ngoài các “ông lớn” Nhà nước thì các chủ đầu tư đang mở rộng tìm đến các ngân hàng khác trong nhóm cổ phần.

Ngoài ra, tính minh bạch của việc thu phí đang trở thành bức xúc lớn trong xã hội, đặc biệt là lĩnh vực vận tải. Không ai biết doanh thu cụ thể của từng dự án BOT, ngoại trừ chủ đầu tư và ngân hàng.

Để công khai và kiểm soát tốt nguồn thu phi giao thông, một chuyên gia nói: “Cách tốt nhất là mở một tài khoản chuyên biệt tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và tất cả nguồn thu phí giao thông các dự án BOT sẽ chuyển về tài khoản tập trung tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước quản lý thì tất cả sẽ minh bạch. Nhưng như thế thì chủ đầu tư sẽ chẳng còn ăn gì”.

Đọc tiếp »

Có “miễn nhầm” 176 tỷ đồng thuế cho Formosa?

Bộ Tài chính vừa phát đi thông tin về việc miễn trên 176 tỷ đồng thuế nhà thầu cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FMS).

Theo đó, từ đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế có liên quan đến máy móc, thiết bị nhập khẩu để lắp đặt và thi công công trình của Formosa, trong đó có dịch vụ lắp đặt máy móc, thiết bị.

"Cơ quan thuế và hải quan đã thực hiện truy thu bao gồm cả thuế nhà thầu và xử phạt, trong tổng số xử lý bao gồm cả khoản không hoàn thuế giá trị gia tăng là gần 250 tỷ đồng, không chấp nhận việc nâng giá trị công trình 4.000 tỷ đồng", Bộ Tài chính cho biết.

Đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu mà Formosa nhập khẩu theo điều kiện chuyển giao quyền sở hữu tại cửa khẩu chỉ kèm theo nghĩa vụ bảo hành là nghĩa vụ của người bán, không kèm theo bất cứ dịch vụ gì khác ở Việt Nam, nên Bộ Tài chính không thu thuế nhà thầu, tức 176 tỷ đồng.

Trong khi đó, một số phương tiện thông tin cho rằng Bộ Tài chính "miễn nhầm" khoản thuế này.

Bộ Tài chính khẳng định, việc không thu thuế nhà thầu này là đúng quy định theo điều 4, phần Quy định chung, Thông tư 60, có hiệu lực năm 2012 của Bộ Tài chính và hợp với thực tế, do không phát sinh dịch vụ lắp đặt của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, cơ quan này cho biết việc thu thuế hay không truy thu thuế nhà thầu từ Formosa cần phải xem xét đầy đủ về căn cứ pháp lý cũng như căn cứ thực tế.

Các căn cứ này được phân làm hai nhóm.

Thứ nhất, trường hợp hàng hoá là máy móc, thiết bị được cung cấp theo hợp đồng dưới hình thức điểm giao nhận hàng hoá nằm trong lãnh thổ Việt Nam; hoặc việc cung cấp hàng hóa có kèm theo các dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế, các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hoá: căn cứ quy định đối với đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng tại điều 6, Thông tư số 60/2012 phải chịu thuế nhà thầu đối với các dịch vụ lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng…nhà thầu nước ngoài thực hiện ở Việt Nam.

Thứ hai, với trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hoá là máy móc, thiết bị cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không kèm theo các dịch vụ được thực hiện giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam (người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến hàng hoá cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu Việt Nam) thì theo điều 4, Thông tư số 60/2012 của Bộ Tài chính thuộc đối tượng không áp dụng thu thuế nhà thầu.

Kể từ năm 2009 đến nay, Formosa đã được cơ quan thuế Hà Tĩnh hoàn 14.600 tỷ đồng.

Đọc tiếp »

NCB cho vay độc quyền dự án Golden City An Giang

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB) vừa ký hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần Dịch vụ và thương mại Đông Á - chủ đầu tư dự án khu đô thị Golden City An Giang.

Thỏa thuận hợp tác chiến lược này nhằm phát huy lợi thế, khai thác tốt nhất tiềm năng của mỗi bên, đẩy mạnh tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo nội dung hợp tác, NCB sẽ là ngân hàng tài trợ và cho vay độc quyền dự án khu đô thị Golden City An Giang do Công ty Cổ phần Dịch vụ và thương mại Đông Á làm chủ đầu tư.

Là ngân hàng tài trợ dự án, NCB sẽ thực hiện tư vấn và đưa ra các giải pháp tài chính ưu tiên cho công ty này tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách thuận lợi, kịp thời và đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Đồng thời, NCB sẽ thiết kế riêng và đưa vào triển khai chính sách ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân mua sản phẩm của dự án và cam kết mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Cụ thể, khách hàng vay mua nhà của dự án trên sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 8%/năm trong 12 tháng, hạn mức vay tới 80% và thời gian phê duyệt trong 8h làm việc. Ngoài ra, khách hàng còn được tặng thẻ tín dụng NCB Visa hạn mức 50.000.000 đồng, miễn phí phát hành thẻ, phí thường niên trong năm đầu, miễn phí mở tài khoản thanh toán.

Nằm tại trung tâm thành phố Long Xuyên, Golden City An Giang là tổ hợp bao gồm Shophouse - nhà phố thương mại và biệt thự với tổng diện tích 48,92 ha sẽ phát triển trở thành khu đô thị quy mô và hiện đại bậc nhất miền Tây.

Đọc tiếp »

HDBank tăng kết nối hai chiều với đối tác Nhật Bản

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank) vừa công bố kế hoạch hợp tác với Ngân hàng Aichi (Aichi Bank), trong hướng thúc đẩy liên kết khách hàng hai chiều Việt Nam - Nhật Bản.

Theo đó, HDBank sẽ cung cấp thông tin đầu tư, và các dịch vụ tài chính ngân hàng cần thiết cho khách hàng của Aichi Bank (ngân hàng có trụ sở tại thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, Nhật Bản) cần thành lập văn phòng, chi nhánh, công ty liên doanh tại Việt Nam.

Ngược lại, Aichi Bank cũng sẽ cung cấp thông tin đầu tư, các dịch vụ tài chính ngân hàng cần thiết cho khách hàng của HDBank cần thành lập văn phòng, chi nhánh, công ty liên doanh tại Nhật Bản.

Ngoài ra, hai đối tác trên sẽ cùng tổ chức các hội thảo về đầu tư hoặc các sự kiện khác cho khách hàng của đối tác, nỗ lực trao đổi nhân sự, phái cử nhân sự đến làm việc tại trụ sở của đối tác nhằm phát triển kinh doanh của đôi bên.

Trong những năm gần đây, HDBank đặt trọng tâm thúc đẩy và liên kết kinh doanh với các đối tác của Nhật Bản, bằng việc xây dựng các sản phẩm dịch vụ chuyên biệt.

Tháng 9/2014, HDBank cũng đã hợp tác với Ngân hàng Hyakugo (Nhật Bản) đã ra mắt dịch vụ “Bàn Nhật - Japan Desk”. Đây là chương trình hợp tác nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và tư vấn hỗ trợ dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp Nhật Bản đang và sẽ hoạt động tại Việt Nam.

Khu vực tư vấn và giao dịch “Japan Desk” được thiết kế riêng, theo phong cách Nhật, đặt tại Trung tâm Kinh doanh HDBank. Tại đây, khách hàng doanh nghiệp Nhật Bản được ưu tiên phục vụ riêng, đầy đủ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cần thiết cho hoạt động doanh nghiệp như: dịch vụ tài khoản, quản lý thanh khoản, tài trợ vốn kinh doanh, đầu tư dự án, tài trợ xuất nhập khẩu, dịch vụ ngân hàng điện tử, tư vấn tài chính và dự án đầu tư, thuế và các vấn đề về lao động...

Tháng 7/2016, HDBank tiếp tục hợp tác với Ngân hàng Senshu Ikeda, cùng ký bản ghi nhớ về việc cung cấp thông tin đầu tư, các dịch vụ tài chính ngân hàng cần thiết cho khách hàng của ngân hàng Senshu Ikeda có nhu cầu thành lập văn phòng, chi nhánh, công ty liên doanh tại Việt Nam.

Cũng trong tháng 7/2016, HDBank cùng Ngân hàng Hyakugo và Công ty Thương mại Banrai đã đồng tổ chức hội nghị kết nối kinh doanh thực phẩm Việt Nam - Nhật Bản tại Tp.HCM.

Đọc tiếp »

Giá vàng thế giới tăng mạnh sau cuộc họp của FED

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố giữ nguyên lãi suất đồng USD, giá vàng thế giới tăng trên 20 USD/oz. Tuy nhiên, giá vàng miếng trong nước sáng nay (22/9) chỉ tăng chưa đầy 100.000 đồng/lượng.

Lúc gần 10h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,26 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,32 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ giao dịch ngày hôm qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 80.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 70.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,14 triệu đồng/lượng và 36,4 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Giá vàng miếng đang ở mức cao nhất trong gần 2 tuần nhờ được hỗ trợ bởi lực tăng của giá vàng thế giới. Trước đó, trong suốt 1 tuần qua, giá vàng trong nướcđã lình xình quanh ngưỡng 36,2 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới chịu áp lực giảm vì nỗi lo FED có thể tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 20-21/9.

Trong vòng 2 tháng trở lại đây, giá vàng miếng bán ra giữ tương đối ổn định trên ngưỡng 36 triệu đồng/lượng. Giới kinh doanh vàng cho biết thị trường vàng miếng khá trầm lắng, với cung cầu ít biến động, trong khi vàng trang sức bán tốt hơn vì đã vào mùa cưới.

Ngoài ra, các sản phẩm vàng miếng trọng lượng nhỏ, nhẫn tròn trơn của các thương hiệu lâu năm như DOJI, SJC, Bảo Tín Minh Châu… tiêu thụ khá tốt. Đây là những sản phẩm được nhiều người lựa chọn để làm quà biếu, tặng hoặc tích trữ lâu dài.

Nỗi lo FED tăng lãi suất của giới đầu tư vàng quốc tế đã tạm thời được giải tỏa vào đêm qua theo giờ Việt Nam khi FED tuyên bố giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD. Giá vàng đã tăng mạnh sau khi kết quả cuộc họp của FED được công bố.

Tuy nhiên, giá vàng đã quay đầu giảm nhẹ trong phiên sáng nay tại châu Á, một phần do giới đầu tư tìm đến những tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu. Ngoài ra, đà tăng của giá vàng cũng bị hạn chế khi FED phát tín hiệu mạnh mẽ rằng có thể tăng lãi suất vào cuối năm nay nếu thị trường việc làm tiếp tục khởi sắc.

Lúc gần 10h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 1,8 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, còn 1.334,1 USD/oz.

Phiên đêm qua, giá vàng tăng 20,3 USD/oz, tương đương tăng hơn 1,5 %, chốt ở 1.335,9 USD/oz.

Mức giá hiện tại của vàng thế giới quy đổi tương đương khoảng 35,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ khoảng 500.000 đồng/lượng.

Phiên đêm qua, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tăng khối lượng nắm giữ thêm 0,4%, lên mức hơn 944 tấn. Trước cuộc họp của FED, quỹ này liên tục bán ròng vàng.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 22.305 đồng (mua vào) và 22.325 đồng (bán ra). Ngân hàng Vietcombank niêm yết giá ngoại tệ này ở các mức tương ứng lần lượt là 22.275 đồng và 22.345 đồng.

Đọc tiếp »

Chính phủ vay xong, lãi suất tín phiếu xuống kỷ lục

Ngày 21/9, Kho bạc Nhà nước đã huy động được toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm, Lãi suất trúng thầu ở mức 6,5%/năm, giảm 44 điểm so với phiên phát hành thành công trước đó trong tháng 6.

Theo cập nhật của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank, qua phiên 21/9, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành kế hoạch phát hành cả năm 2016 với khối lượng huy động từ đầu năm đến 21/9 đạt 250.320 tỷ đồng.

Như VnEconomy đề cập gần đây, vẫn còn 17.000 tỷ đồng trái phiếu ngoại tệ quy đổi mà Chính phủ dự kiến phát hành, như với kết quả trên, cơ bản kế hoạch huy động vốn qua trái phiếu Chính phủ cả năm đến nay đã sớm hoàn thành.

Theo đó, trước mắt, nhu cầu vay vốn của Chính phủ bằng trái phiếu như trên tạm thời bớt chia sẻ nguồn vốn trên thị trường, cung vốn của các ngân hàng thương mại có thể tiếp tục dư thừa rõ hơn.

Trước thực tế trên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phát hành tín phiếu ngắn hạn để hút bớt tiền về. Những phiên khối lượng lớn, từ 12.000 - 15.000 tỷ đồng đã xuất hiện dày hơn, và tất cả đều được các ngân hàng thương mại mua hết; lãi suất tín phiếu cũng liên tục xuống thấp kỷ lục, số dư tín phiếu lưu hành tiếp tục tăng lên.

Như trong ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 12.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày. Toàn bộ lượng tín phiếu tiếp tục được hấp thụ hết. Tổng lượng tín phiếu đang lưu hành, theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank, đã lên tới 78.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, sau khi cầu vốn từ trái phiếu Chính phủ giảm bớt do cơ bản xong kế hoạch huy động, trạng thái dư thừa vốn trong hệ thống ngân hàng tiếp tục thể hiện, và lãi suất tín phiếu tiếp tục giảm sâu.

Từ 1,5%/năm kỳ hạn 14 ngày vào giữa năm nay, lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm mạnh xuống dưới 1%/năm, dưới 0,5%/năm và đến đầu tuần này lần lượt trượt sâu xuống chỉ còn 0,38%/năm và đến 21/9 còn 0,35%/năm.

Cùng diễn biến trên, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng cũng duy trì ở mức rất thấp trong nhiều năm qua.

Cụ thể, đến ngày 21/9, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn xoay quanh 0,48%/năm, 1 tuần quanh 0,52%/năm, 2 tuần 0,74%/năm…

Như vậy, với diễn biến của năm 2016, ngày 21/9 sẽ là mốc đáng nhớ: đánh dấu nhu cầu vốn của trái phiếu Chính phủ cơ bản đã được xử lý xong, điều chờ đợi còn lại là khi nào khoảng cách lớn giữa lãi suất tín phiếu và lãi suất liên ngân hàng được rút ngắn có lợi cho lãi suất cho vay của dân cư và doanh nghiệp.

Đọc tiếp »

Thêm khách hàng tố mất 32 tỷ tại ngân hàng

Ngày 23/9, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có thông cáo báo chí về khiếu nại của khách hàng, với khoản tiền tiết kiệm bị tố mất lên tới 32 tỷ đồng.

Thông cáo của BIDV cho biết, ngày 9/9/2016, khách hàng Ngô Phương Anh đã trực tiếp đến Phòng giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh Tây Hồ của BIDV đề nghị tất toán sổ tiết kiệm.

“Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận đề nghị, đối soát với hồ sơ khách hàng hiện có, BIDV Tây Hồ nhận thấy một số dấu hiệu không khớp đúng trong các chứng từ giao dịch và lưu giữ giữa ngân hàng và khách hàng”, thông cáo cho biết.

Và xét thấy sự việc cần được xác minh để đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho khách hàng, BIDV đã thu thập thông tin, hồ sơ có liên quan đến vụ việc, báo cáo cơ quan Công an đề nghị làm rõ theo qui định của pháp luật.

Đến ngày 12/9/2016, đại diện cơ quan công an đã có cuộc họp với BIDV chi nhánh Tây Hồ.

Thông cáo cho hay, BIDV chi nhánh Tây Hồ đã nỗ lực, tích cực phối hợp với cơ quan Công an để làm rõ, nhanh chóng xác minh bản chất sự việc và giải quyết khiếu nại của bà Ngô Phương Anh.

Sau khi có kết luận chính xác bản chất sự việc từ cơ quan chức năng, BIDV sẽ thông báo chính thức công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng.

Thông cáo của BIDV chỉ nêu vắn tắt trường hợp khiếu nại nói trên.

Còn theo đơn tố cáo và phản ánh của khách hàng trên báo Tuổi trẻ sáng nay (23/9), bà Ngô Phương Anh (tại Đà Lạt) làm đơn tố cáo ông Phạm Thế Long, Giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ, cùng một số nhân viên ngân hàng BIDV chiếm đoạt 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm do bà đứng tên.

Cụ thể, bà Phương Anh cho biết, ngày 20/4 bà Bùi Thị Anh Thư (35 tuổi, thường trú tại đường Đào Duy Từ, Đà Lạt) đề nghị bà đi cùng tới BIDV chi nhánh Tây Hồ để hoàn tất thủ tục sang tên sổ tiết kiệm 30 tỷ đồng. Việc sang tên do bà Thư mua miếng đất trị giá 36 tỉ đồng của gia đình bà Anh tại Đà Lạt cách đó ít tháng.

Trước đó, để trả số tiền mua nhà đất 36 tỷ đồng, bà Anh Thư đã làm hợp đồng ủy quyền cho bà Phương Anh sở hữu một sổ tiết kiệm có kỳ hạn 30 tỷ đồng mang tên Bùi Thị Anh Thư, do phòng giao dịch D2 Giảng Võ BIDV chi nhánh Tây Hồ phát hành vào ngày 21/1 và ngày hết hạn là 21/4/2016.

Tại ngân hàng, bà Anh Thư và bà Phương Anh gặp ông Phạm Thế Long, ông Chung. Theo bà Phương Anh, đây là hai người của ngân hàng đứng ra xử lý các thủ tục. Ông Long nói bà Anh và bà Thư đưa chứng minh nhân dân để photo và đưa một tờ giấy trắng không có nội dung yêu cầu bà ký phía dưới.

Điểm đáng chú ý theo bà Phương Anh tố cáo là ký vào tờ giấy trắng đó là do ông Long yêu cầu để ngân hàng xác nhận xem có giống với mẫu chữ ký của bà từng đăng ký tại ngân hàng hay không.

Sau đó, ông Long cho biết thủ tục đã hoàn tất và hẹn bà Phương Anh ngày 22/4 quay lại nhận sổ.

Phản ánh trên báo Tuổi trẻ, bà Phương Anh kể: “Sáng 22/4, tôi trở lại phòng giao dịch D2 Giảng Võ làm thủ tục nhận sổ tiết kiệm. Ông Long đưa hơn 10 tờ giấy có tiêu đề “giấy nộp tiền” nhưng không có nội dung, yêu cầu tôi ký phía dưới.

Do chủ quan, tôi chỉ nghĩ phát hành sổ tiết kiệm mới nên ký để nộp vào thẻ mới nên đồng ý. Ngoài ra, còn có hai tờ giấy màu hồng cam kết không rút tiền trước thời hạn. Sau đó ông Long và ông Chung đưa sổ tiết kiệm mới kèm theo 5 bản sao y do ông Long ký và đóng dấu.

Nhận sổ tiết kiệm mới mang tên Ngô Phương Anh có kỳ hạn là 3 tháng, trị giá 32 tỷ đồng, tôi và chồng tin tưởng gửi trả lại sổ tiết kiệm mang tên Bùi Thị Anh Thư cho ông Chung cầm”.

Với thông tin phản ánh trên, bà Phương Anh cho rằng đã ký vào hơn 10 tờ giấy có tiêu đề “giấy nộp tiền”. Đây là chi tiết thứ hai đáng chú ý, sau khi bà Phương Anh đã ký vào tờ giấy trắng khi làm thủ tục ngày 21/1.

Đến ngày 21/6, ông Chung nhắn tin vào điện thoại di động của bà Phương Anh: “Sổ ở BIDV tới thời hạn phải trả, cháu cho chị Thư mượn tiền để làm sổ cho cô, bây giờ đã đến hạn tất toán. Cô ra Hà Nội giúp cháu, nếu không tên cô sẽ bị treo trên toàn hệ thống ngân hàng, sau này không ai giao dịch với cô đâu”.

Nhận được nhiều tin nhắn từ ông Chung, ngày 1/7 bà Phương Anh đã nhờ người quen làm tại BIDV ở TP.HCM kiểm tra thì phát hiện 32 tỉ đồng đã bị rút sạch vào trưa 22/4.

“Ngày 9/9, gia đình tôi thuê luật sư tới phòng giao dịch D2 Giảng Võ yêu cầu lãnh đạo chi nhánh giải thích sự việc. Phòng giao dịch cho chúng tôi xem toàn bộ chứng từ giao dịch tôi nộp tiền cho hơn 10 người mà tôi không hề quen biết với số tiền là 32 tỷ đồng mà tôi đã ký chuyển và nộp tiền vào ngày 22/4. Riêng tờ giấy trắng tôi ký lại được trưng ra là giấy báo mất sổ tiết kiệm”, bà Phương Anh phản ánh trên bảo Tuổi trẻ.

Từ đó đến nay, bà Phương Anh gửi đơn tố cáo và tường trình vụ việc tới Công an Hà Nội. Như trên, cơ quan công an cũng đã làm việc cụ thể với BIDV.

Tuy nhiên, ngoài khẳng định “mọi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của khách hàng nói chung và của bà Ngô Phương Anh nói riêng luôn được đảm bảo”, BIDV hiện cũng chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Trước vụ việc tại BIDV, trường hợp khách hàng tố bị mất 26 tỷ trong tài khoản tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đây cũng đang trong quá trình chờ cơ quan điều tra xác minh và kết luận.

Đọc tiếp »

Techcombank chính thức có tân Tổng giám đốc

Ngày 23/9, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã bổ nhiệm ông Nguyễn Lê Quốc Anh vào chức vụ Tổng giám đốc của ngân hàng.

Phát biểu trong ngày đầu giữ vị trí Tổng giám đốc Techcombank, ông Nguyễn Lê Quốc Anh chia sẻ: “Tôi luôn mong muốn được mang những kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn tích lũy được ở các tổ chức và tập đoàn hàng đầu thế giới về xây dựng doanh nghiệp Việt lớn mạnh.

Ước mơ này đã được hiện thực hóa khi tôi làm việc và cống hiến cho Techcombank - một ngân hàng Việt Nam lớn mạnh, với nhiều tiềm năng phát triển. Tôi cùng Ban điều hành ngân hàng luôn kiên định sẽ nỗ lực tối đa đưa Techcombank ngày càng phát triển, và hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng tầm cỡ khu vực”.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh gia nhập Techcombank từ tháng 5/2015 với vị trí Giám đốc Khối chiến lược và phát triển. Đầu năm 2016, ông được bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành ngân hàng trước khi chính thức nhận chức Tổng giám đốc Techcombank ngày 23/9.

Techcombank cho biết, trong thời gian này, ông Nguyễn Lê Quốc Anh đã góp phần tạo nên nhiều thành công về kinh doanh, phát triển nhân lực và nâng tầm thương hiệu của Ngân hàng.

Tính đến hết 31/8/2016, Techcombank đã đạt lợi nhuận trước thuế ở mức 2.836 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch lợi nhuận năm 2016. Đồng thời, ngân hàng đã kiểm soát chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động với tỷ trọng chi phí trên thu nhập ở mức 32,34% cho 8 tháng đầu năm 2016.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank cho biết: “Sau 6 tháng đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành, ông Nguyễn Lê Quốc Anh đã chứng tỏ được năng lực và khả năng tiên phong, dẫn dắt ngân hàng triển khai nhiều sáng kiến đổi mới, tạo đà bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tôi tin tưởng rằng, với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và quản trị ngân hàng quốc tế, đặc biệt với đam mê cống hiến để phát triển thành công một doanh nghiệp Việt vươn tầm quốc tế, ông Nguyễn Lê Quốc Anh sẽ dẫn dắt Techcombank hoàn thành xuất sắc mục tiêu chiến lược của ngân hàng, từ đó, mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng và cổ đông"

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh là chuyên gia trong các lĩnh vực: Thiết lập tư duy chiến lược, quản lý dự án, phân tích kinh doanh và xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả, chiến lược kinh doanh và marketing, xây dựng kiến trúc hệ thống công nghệ.

Trước khi đến với Techcombank, ông từng giữ các vị trí cao cấp tại các tổ chức lớn tại Mỹ như T-Mobile US, Wells Fargo Bank, Nissan USA, Fortress Investment Group, McKinsey & Co, Viện Nghiên cứu Quốc gia Argonne, Pacific Gas & Electric Co và nhiều tổ chức quốc tế khác.

Đọc tiếp »

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

“Ngân hàng Việt nhanh chóng bắt đà tăng trưởng của thị trường”

© Bản quyền thuộc về VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam

Giấy phép Báo điện tử số 123/GP-BTTTT, cấp ngày 7/4/2014

Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.

Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.

Tổng biên tập: Giáo sư Đào Nguyên Cát

Trụ sở Tòa soạn: 96 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (84-4) 3755 2060 - 3755 2059 / Fax: (84-4) 3755 2046

Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

C50: Hệ thống thanh toán ngân hàng Việt vẫn an toàn

Hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ của các ngân hàng Việt Nam vẫn đảm bảo an toàn. Đối với những vụ việc hy hữu xảy ra, các đối tượng chủ yếu lợi dụng sơ hở phía người sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Đây là đánh giá từ đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, tại hội nghị trực tuyến chuyên đề “Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ” tại 64 điểm cầu trực tuyến trên cả nước, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/9.

Ngoài đại diện C50, hội nghị có sự tham dự của các vụ, cục chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.

Hội nghị này nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ tại Việt Nam và trên thế giới thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo an toàn an ninh.

Trước thềm hội nghị, tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại liên tục ghi nhận loạt sự việc rủi ro, gian lận trong thanh toán điện tử và tài khoản ATM gây quan ngại trong dư luận.

Thực trạng trên được nêu tại hội nghị rằng, trong bối cảnh hiện nay, tấn công mạng đã trở thành vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu và là mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới. Hệ thống tài chính, ngân hàng, trong đó xương sống là hệ thống thanh toán, đã và đang là đích ngắm hàng đầu của các đối tượng phạm tội công nghệ cao trên toàn thế giới, trong đó có cả ở Việt Nam.

Tổng kết hàng năm của các tổ chức thẻ quốc tế đều cho thấy, tình hình gian lận thẻ vẫn là vấn đề nổi cộm với xu hướng phạm tội tiếp tục phát sinh, bất chấp việc áp dụng các giải pháp công nghệ bảo mật mới nhất.

Qua theo dõi, giám sát hoạt động thanh toán điện tử và thanh toán thẻ trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã nhận thấy các sự cố rủi ro và gian lận với phương thức và thủ đoạn mới xuất hiện tại Việt Nam.

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, các vụ việc gian lận phát sinh chủ yếu đối với thẻ quốc tế và đối tượng tội phạm người nước ngoài, thì hiện nay các vụ việc gian lận đã chuyển hướng sang cả đối với thẻ nội địa và hệ thống ATM/POS.

“Tuy nhiên, qua thống kê, đánh giá và so sánh với các nước trên thế giới, có thể thấy rằng hệ thống thanh toán của Việt Nam hiện nay vẫn được đảm bảo an toàn, với số lượng, tỷ lệ sự cố và vụ việc gian lận xảy ra ít, chỉ là hy hữu”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.

Cục C50 cũng khẳng định sẽ thường xuyên phối hợp với các ngân hàng trong việc trao đổi thông tin, phòng, chống tội phạm trong hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán điện tử và thông báo các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên thế giới và tại Việt Nam.

Đọc tiếp »

Công an nhận diện các dạng tội phạm gian lận thanh toán

Nhiều hình thức gian lận, nhiều đối tượng tội phạm từ nước ngoài đã vào Việt Nam để tấn công vào hệ thống thanh toán, tài khoản ATM, giao dịch thẻ của các ngân hàng.

Thông tin này được đại tá Trần Văn Doanh, Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đưa ra chi tiết tại hội nghị trực tuyến chuyên đề “Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ” ngày 8/9.

Can thiệp trực tiếp ATM

Đầu năm 2016, trung tâm tội phạm mạng của tổ chức cảnh sát hình sự Châu Âu (Europol) có thông báo gửi Bộ Công an, báo cáo về một số loại mã độc ATM nổi lên trong thời gian vừa qua, trong đó thông báo những phương thức, cách thức tấn công ATM, các loại malware đã sử dụng và chiến lược của Europol đối phó với các mã độc này

Phương thức hoạt động của loại tội phạm này là tạo lây nhiễm malware vào các máy ATM bằng cách can thiệp vật lý trực tiếp vào máy ATM (từ đĩa CD, cổng USB) hoặc thông qua mạng nội bộ của ngân hàng.

Sau khi được cài đặt, malware làm thay đổi một số tập tin hệ thống của hệ điều hành, hoạt động ẩn dưới nền hệ điều hành hoặc khởi động lại hệ thống để chạy theo chương trình mới. Khi hacker nhập các mã riêng được thiết lập trong chương trình hoặc sử dụng nhận dạng QR code, máy ATM sẽ thực hiện lệnh nhả toàn bộ số tiền trong máy ATM mà không cần sử dụng tài khoản thẻ.

Đại tá Doanh cho biết, tại Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào xảy ra, nhưng loại tội phạm trên đã tấn cộng tại một số nước Đông Âu, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan...

Vụ việc gần đây nhất xảy ra tại ngân hàng First Bank Đài Loan ngày 10/7/2016. Các đối tượng đã sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để kích hoạt hệ thống chiếm đoạt khoảng 70 triệu Đài tệ (2,2 triệu USD). Cảnh sát Đài Loan đã bắt giữ 3 trong 16 đối tượng, đang tiếp tục truy tìm các đối tượng khác.

Tại Thái Lan cũng xảy ra vụ 21 cây ATM bị rút hơn 34.000 USD mà thủ phạm nghi vấn cũng có nguồn gốc Đông Âu.

Làm giả thẻ, rút tiền

Một hình thức mà đại diện Bộ Công an nêu tại hội nghị trực tuyến trên là tội phạm sử dụng thiết bị gắn vào các máy ATM để trộm cắp dữ liệu, làm giả thẻ từ, rút tiền.

Cụ thể, tội phạm sử dụng một bảng nhựa trong đó chứa thiết bị lấy cắp thông tin thẻ (thiết bị skimming) ốp phía ngoài khe quẹt thẻ. Khi chủ thẻ đưa thẻ vào khe cắm thẻ, đầu tiên thẻ sẽ đi qua thiết bị skimming trước rồi mới vào khe cắm thẻ. Bằng hình thức này, tội phạm sẽ lấy được toàn bộ thông tin lưu trữ trên dải từ của thẻ.

Một cách khác là lắp đặt một camera nhỏ, thường được ngụy trang trong một thanh nhựa hoặc bảng quảng cáo ốp ngay phía trên bàn phím của máy ATM để ghi lại toàn bộ hoạt động nhập mã PIN của khách hàng khi rút tiền.

Sau khi lấy được thông tin thẻ ngân hàng và mã PIN, các đối tượng sẽ sử dụng thiết bị làm giả thẻ ngân hàng thông qua phần mềm chuyên dụng và thiết bị đọc và in dữ liệu thẻ từ bán trên mạng internet và rút tiền tại các máy ATM.

Năm 2014 và 2015, Cục C50 của Bộ Công an đã phát hiện, thông báo và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm tra, lắp đặt phần mềm và thiết bị chống skimming tại cây ATM, tuy nhiên loại tội phạm này vẫn tiếp tục hoạt động với những thủ đoạn tinh vi hơn.

Cụ thể, hoạt động của các nhóm đối tượng người nước ngoài chuyên nghiệp hơn, chia thành nhiều nhóm nhỏ, phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng: trong đó có nhóm gắn thiết bị, nhóm lấy thiết bị, thu thập thông tin thẻ sau đó gửi cho nhóm IT để làm thẻ giả, nhóm đi rút tiền.

Tội phạm skimming thường tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Huế, Hội An Quảng Nam, Nha Trang Khánh Hòa, Mũi Né, Phan Thiết Bình Thuận, Ninh Thuận, Vũng Tàu, Tp.HCM…

Cũng theo thông tin từ đại ta Doanh, đối tượng phạm tội chủ yếu là người nước ngoài. Khu vực phía Bắc chủ yếu là đối tượng người Trung Quốc, Indonesia, Malaysia; phía Nam và miền Trung là đối tượng từ các nước Đông Âu như Bungari, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Anh…

“Cục C50 đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai lắp thiết bị và phần mềm chống skimming cho các máy ATM, nhưng vẫn còn nhiều ATM chưa được cài đặt thiết bị chống skimming, hoặc đã lắp thiết bị chống skimming nhưng lại để ở chế độ không chống được việc trộm cắp thông tin thẻ”, đại tá Trần Văn Doanh cho biết.

Thanh toán “khống” qua POS

Một hình thức khác được đại diện Bộ Công an lưu ý là làm giả thẻ ngân hàng, thực hiện thanh toán “khống” hàng hóa dịch vụ qua POS để chiếm đoạt, mà các đối tượng chủ yếu là người Trung Quốc.

“Thời gian gần đây, để đối phó việc điều tra, phát hiện xử lý của lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, móc nối với các đơn vị chấp nhận thẻ làm giả thẻ, thanh toán “khống” qua POS để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của ngân hàng và chủ thẻ”, báo cáo từ Bộ Công an cho biết.

Đó là một nhóm người Trung Quốc có nhiệm vụ chuyên móc nối với người Việt đã học tập, công tác, làm ăn biết tiếng Trung Quốc để thỏa thuận về việc thanh toán “khống” hàng hóa, dịch vụ qua máy POS, hoặc tìm các đối tượng người Việt Nam có quan hệ quen biết từ trước dưới danh nghĩa đầu tư làm ăn tại Việt Nam để yêu cầu thành lập công ty, ký hợp đồng làm đơn vị chấp nhận thẻ với các ngân hàng Việt Nam.

Thông tin thẻ thường là thẻ tín dụng được phát hành bởi các ngân hàng ở Mỹ và Châu Âu được một nhóm hacker ở Trung Quốc lấy cắp từ cơ sở dữ liệu của các trang web bán hàng trực tuyến, các website của trung tâm thương mại lớn ở nước ngoài chuyển qua các mạng xã hội như chat QQ, wechat đến nhóm kỹ thuật ở Việt Nam.

Các đối tượng thường yêu cầu đăng ký sử dụng máy POS không dây để trên xe ôtô hoặc đưa cho đối tượng người Trung Quốc mang sang khu vực chồng lấn sóng viễn thông ở biên giới Việt Nam - Trung Quốc để thực hiện giao dịch bằng thẻ giả.

Có vụ án đối tượng người Trung Quốc yêu cầu đơn vị chấp nhận thẻ chuẩn bị trước tiền mặt và nhận ngay tiền sau khi giao dịch thành công, không chờ báo “có” hoặc rút tiền từ ngân hàng.

Những đối tượng này chuẩn bị sẵn tài khoản để chuyển tiền hoặc chuyển tiền vào các tài khoản của đối tượng đổi tiền tại các “chợ đổi tiền” ở khu vực biên giới để chuyển sang Trung Quốc.

Một số đơn vị chấp nhận thẻ cấu kết với các đối tượng người Trung Quốc soạn sẵn hợp đồng kinh doanh buôn bán một số mặt hàng: đồ mỹ nghệ, trầm hương... sau đó xuất hóa đơn giá trị gia tăng như buôn bán bình thường.

Một số doanh nghiệp kinh doanh khung cửa sắt, cửa kính nhưng vẫn ký hợp đồng đơn vị chấp nhận thẻ của các ngân hàng thương mại, yêu cầu cung cấp POS không dây sau đó chuyển cho nhóm đối tượng người Trung Quốc sử dụng.

Một số đơn vị chấp nhận thẻ tại Hà Nội sau khi ký hợp đồng lắp POS không dây nhưng sau đó đưa cho người quen mượn để thanh toán. Khi có yêu cầu tra soát hoặc khiếu nại không thể xác định được vị trí của POS, sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ gì, đặc biệt có đơn vị chấp nhận thẻ cho người quen trên mạng mượn để thanh toán, sau đó nhận hoa hồng do sử dụng POS hàng trăm triệu đồng.

Tội phạm công nghệ cao

Loại tội phạm sử dụng công nghệ cao trong hoạt động thanh toán trực tuyến được Bộ Công an đặc biệt lưu ý, khi những rủi ro đã xuất hiện tại Việt Nam trong thông tin phản ánh gần đây.

Đó là hình thức lập website, gửi đường link Phishing, giả danh ngân hàng chiếm đoạt tài khoản Internet Banking và chuyển tiền.

Đại tá Doanh nhận định, trong thời gian gần đây hình thức tội phạm này diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng sơ hở của người dùng để chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng.

Các thủ đoạn được nhận diện là tội phạm lập các website trúng thưởng gửi tin nhắn qua facebook, Zalo, Viber... thông báo cho chủ tài khoản đã trúng thưởng tài sản, hiện vật có giá trị lớn, đề nghị truy cập vào các website để đăng ký nhận giải; hoặc lập các website giả mạo website của ngân hàng, gửi đường dẫn thông báo tài khoản của khách hàng có tiền chuyển vào nhưng bị lỗi cần phải cung cấp thông tin để kiểm tra.

Các đối tượng sử dụng các thông tin người bị hại đã cung cấp để thực hiện thanh toán mua mã thẻ điện thoại, thẻ game trên các website bán trực tuyến hoặc chuyển tiền sang các tài khoản trung gian để rút tiền hoặc thuê người rút tiền trong và ngoài nước.

Khi mã xác thực OTP gửi về điện thoại, đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng thông báo đã gửi mã trúng thưởng để xác thực, đề nghị người bị hại cung cấp để hoàn tất thủ tục.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao sử dụng thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài để mua hàng hóa chủ yếu là các thiết bị điện tử đắt tiền như điện thoại di dộng iPhone, Vertu, máy tính bảng... tại các trang web mua bán trực tuyến ở nước ngoài vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hưởng lợi bất chính.

Tội phạm sử dụng thông tin thẻ tín dụng ăn cắp mua vé máy bay trực tuyến trên website của các hãng hàng không như Vietnam Airlines hoặc Jetstar.

Ngoài ra, một dạng gian lận khác nữa là thanh toán Offline. Cơ quan điều tra đã ghi nhận một số đối tượng phát hành thẻ tín dụng tại ngân hàng Việt Nam sau đó báo hủy thẻ. Khi đi máy bay của các hãng hàng không nước ngoài đã dùng thẻ tín dụng trên để thanh toán offline mua mỹ phẩm, rượu trị giá hàng trăm triệu đồng.

Mở tài khoản để bán, cho thuê

Báo cáo từ đầu mối chuyên trách của Bộ Công an cũng lưu ý đến một thực trạng có tại Việt Nam, đối tượng tội phạm mua, thuê người mở tài khoản để nhận, chuyển tiền lừa đảo, cá độ trực tuyến, rửa tiền.

Do hiện nay không qui định một người được mở bao nhiêu tài khoản tại một ngân hàng, nên tình trạng thuê, mua lại các tài khoản ngân hàng để sử dụng vào các mục đích chuyển, nhận tiền do các hành vi lừa đảo, phạm tội mà có ngày càng diễn biến phức tạp.

Cụ thể, các tài khoản này đều được các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan móc nối với các đối tượng trong nước thuê người mở tài khoản với giá từ 1-2 triệu/tài khoản. Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản đưa thẻ ngân hàng, thông tin đăng nhập internetbanking cho các đối tượng Trung Quốc sử dụng để chuyển, nhận tiền.

“Hiện chưa có chế tài xử lý đối với những người mở tài khoản để bán, cho thuê tài khoản để nhận tiền lừa đảo”, đại tá Doanh cho biết.

Nhiều vụ việc các tài khoản được thuê mở, sau đó sử dụng vào việc chuyển, nhận tiền từ việc mua, bán tiền điện tử như Bitcoin, Onecoin, WMZ, hoặc chuyển, nhận tiền cá độ bóng đá, đánh bạc trên mạng. Số tiền này sau khi chuyển vào tài khoản sẽ được rút hết ngay hoặc chuyển tiếp tới nhiều các tài khoản.

Cũng theo thông tin từ đại tá Doanh, một số đối tượng người gốc Phi làm quen với phụ nữ người Việt Nam qua mạng xã hội, đặt vấn đề yêu đương lâu dài sau đó thông báo có gửi quà tặng, hiện vật có giá từ nước ngoài về Việt Nam, yêu cầu khi nhận phải ứng trước một khoản tiền chuyển vào tài khoản có trước để chiếm đoạt.

Một số đối tượng người gốc Phi tấn công dò mật khẩu e-mail phòng kinh doanh của các công ty có mối quan hệ làm ăn với nước ngoài để lấy các thông tin về hợp đồng điện tử, thay đổi tên miền giao dịch hoặc tạo các lý do để thay đổi tài khoản thụ hưởng bằng tài khoản khác đã được mở tại ngân hàng Việt Nam ngay sau đó rút hết tiền tại quầy giao dịch hoặc rút tiền ở nước ngoài.

Đọc tiếp »

Cần cả “núi tiền” để ngăn gian lận thẻ, thanh toán trực tuyến

Bài toán chi phí không được đặt ra cụ thể tại hội nghị trực tuyến chuyên đề “Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ” ngày 8/9. Nhưng để đáp ứng các yêu cầu đặt ra, chắc chắn các ngân hàng sẽ phải dùng nguồn tiền đầu tư lớn.

Tại hội nghị trên, các đầu mối chức năng đều khẳng định hệ thống thanh toán và giao dịch thẻ của ngân hàng Việt Nam đảm bảo an toàn, những sự việc nổi lên vừa qua chỉ là hạn hữu.

Trên bản đồ rủi ro thế giới ở lĩnh vực này, Việt Nam cũng đứng ở vị trí khá tốt. Báo cáo của Cục Công nghệ tin học ngân hàng cho hay, tỷ lệ rủi ro qua thẻ thanh toán tại Việt Nam khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với số trung bình trên toàn thế giới.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương (VietinBank) cũng đánh giá: với số lượng giao dịch khổng lồ hiện nay, thì tỷ lệ các giao dịch bị gian lận gây thất thoát chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Nhưng, trước loạt sự việc rủi ro xảy ra gần đây, cùng các hình thức gian lận ngày càng tinh vi hơn, các ngân hàng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đầu tư hơn nữa cho các biện pháp phòng vệ.

Cần cả “núi tiền”

Tại hội nghị trên, đại diện Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai lắp đặt thiết bị và phần mềm, phòng chống tội phạm đánh cắp thông tin khách hàng và tấn công máy ATM, vì hiện nay còn nhiều máy chưa có.

Thứ nữa là khuyến nghị các ngân hàng thương mại trang bị POS không dây có tính năng định vị qua GPS và phối hợp với các công ty viễn thông để xác định vị trí khi thực hiện các giao dịch qua POS không dây.

Với trên 17.330 ATM và hơn 240.660 POS được lắp đặt, việc đảm bảo 100% hai yêu cầu trên chắc chắn sẽ đòi hỏi nguồn tiền đầu tư lớn.

Chưa hết, một yêu cầu đã và đang được đặt ra, thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, tất cả thẻ từ hiện nay bắt buộc phải chuyển sang thẻ chip để đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn quốc tế.

Số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, tính đến tháng 7/2016, Việt Nam đã có trên 107 triệu thẻ các loại được phát hành. Nguồn tiền để chuyển đổi lượng thẻ từ chiếm chủ yếu trong đó rất lớn, và càng lớn hơn nữa khi cũng phải đầu tư cho hệ thống ATM đọc được thẻ chip.

Và theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, hiện đã xuất hiện một số công nghệ tiên tiến như xác thực sinh trắc học qua vân tay, qua ánh mắt, qua giọng nói… Các ngân hàng Việt Nam cần tiếp cận tìm hiểu những công nghệ mới này để tăng cường an toàn bảo mật thêm cho khách hàng.

Nếu ứng dụng những công nghệ mới trên, hệ thống càng đòi hỏi nguồn tiền lớn hơn nữa cho đầu tư phần cứng, phần mềm…

Không có con số cụ thể để đo “núi tiền” cần cho yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn trong giao dịch thẻ, thanh toán trực tuyến, nhưng với loạt yêu cầu cơ bản như trên, chắc chắn sẽ rất lớn.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam có đáp ứng, đầu tư được không?

Cách thứ nhất là giãn ra. Các ngân hàng cần có lộ trình để từng bước triển khai, tránh dồn yêu cầu đầu tư cùng lúc dẫn tới chi phí gia tăng, mà cuối cùng rồi cũng đẩy sang phía khách hàng (qua phí dịch vụ). Như với việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, lộ trình được giãn ra trong 5 năm (đến 2020).

Cách thứ hai, như trên, nguồn thu từ khách hàng, qua phí sử dụng. Tuy nhiên, nguồn này trải ra trong quá trình sử dụng dịch vụ, chứ không dồn được ngay cho yêu cầu đầu tư. Mặt khác, điểm nhạy cảm trong dư luận những năm qua là chính sách phí dịch vụ liên quan này.

Phó tổng giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân cũng cho rằng, đầu tư cho bảo mật đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí, giảm lợi nhuận. Do đó, để bảo đảm về lợi nhuận, các ngân hàng đang buộc phải thu phí khách hàng cho các tính năng tăng cường bảo mật, trong khi bản thân khách hàng lại không hiểu rõ về giá trị của các tính năng này.

Tránh thiệt hại niềm tin

Dù áp lực chi phí lớn như trên, nhưng nhìn ở chiều ngược lại, việc đầu tư tăng cường bảo đảm an toàn dịch vụ của các ngân hàng cũng “đáng đồng tiền bát gạo”.

Số liệu từ Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hệ thống ngân hàng đang đón nhận sự bùng nổ của nhu cầu sử dụng các dịch vụ liên quan. Đơn cử như, 6 tháng đầu năm 2016, số lượng giao dịch qua internet đạt tới gần 58 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, số lượng giao dịch qua điện thoại di động đạt trên 43 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 123 nghìn tỷ đồng…

Lượng khách hàng và tiềm năng sử dụng dịch vụ cũng liên tục gia tăng. Tính đến cuối tháng 7/2016, toàn hệ thống đã có trên 65 triệu tài khoản cá nhân (so với mức 16,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2010). Hiện không có con số cống bố cụ thể, nhưng chắc chắn lượng tiền gửi thanh toán, là nguồn vốn quan trọng để khai thác, của 65 triệu tài khoản đó cũng rất lớn.

Trong mối quan hệ đầu tư và khai thác này, dĩ nhiên có đi có lại. Nếu dịch vụ đảm bảo an toàn, tiện ích, và ngân hàng minh bạch, giải thích hợp lý những yêu cầu đầu tư nói trên, hẳn họ sẽ tìm được sự đồng thuận dễ chịu hơn từ chính sách phí với khách hàng.

Và lớn hơn nữa, như ông Lân đặt ra trong tham luận tại hội nghị, giá trị lớn nhất ở đây là niềm tin đối với hệ thống.

Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng: “Với những sự việc vừa qua, ngân hàng hoàn toàn bù đắp được giá trị tài sản thiệt hại và các chi phí. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần thấy bề ngầm của tảng băng, đó là các thiệt hại không thể đo lường được về lòng tin của khách hàng về kênh thanh toán online”.

Vị lãnh đạo ngân hàng này nhìn nhận, các sự kiện gần đây tạo ra một làn sóng hoài nghi về sự an toàn của hệ thống ngân hàng và khách hàng e sợ hơn khi thực hiện thanh toán trực tuyến.

“Thất thoát về tiền bạc thì không hề lớn, tuy nhiên thất thoát về niềm tin là vô cùng lớn. Do vậy, toàn hệ thống ngân hàng cần có những hành động thiết thực để củng cố lại niềm tin của khách hàng”, ông Lân nói.

Dĩ nhiên, trong những yêu cầu này, bên cạnh việc đáp ứng của các ngân hàng thương mại, còn cần sự hợp tác cùng bảo vệ, tự bảo vệ của mỗi khách hàng. Vì, theo đánh giá tại hội nghị trên, nhiều trường hợp rủi ro xẩy ra có phần do khách hàng để lộ thông tin, hoặc chưa cẩn trọng trong giao dịch.

Đọc tiếp »

Thêm ngân hàng 100% vốn của Việt Nam lập ở nước ngoài

Ngày 9/9, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) khai trương ngân hàng con 100% vốn tại Campuchia, sau 4 năm hiện diện ở cấp độ chi nhánh.

Đây là Ngân hàng TNHH Một thành viên Sài Gòn - Hà Nội Campuchia (SHB Campuchia), đánh dấu bước mở rộng mới của SHB trong khu vực Đông Dương.

Bốn năm trước, SHB tiếp cận thị trường Campuchia ở cấp độ chi nhánh, với mức vốn đầu tư ban đầu 37 triệu USD.

Đến cuối năm 2015, hoạt động của chi nhánh SHB Campuchia đã ổn định, bền vững với những bước tăng trưởng khá nhanh: tổng tài sản đã đạt gần 240 triệu USD, tăng gấp 6,5 lần so với khi mới thành lập; huy động vốn đạt gần 21 triệu USD; dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 205 triệu USD.

Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động, chi nhánh SHB Campuchia luôn kiểm soát nợ xấu ở mức rất thấp, hiện chỉ ở mức khoảng 0,05%. Lợi nhuận cũng bước đầu đạt kết quả khả quan với trên 2 triệu USD. Mạng lưới hoạt động đã phát triển với 1 chi nhánh cấp 1 và 3 chi nhánh cấp 2.

Mới đây, SHB Campuchia được Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG và Ngân hàng Quốc gia Campuchia bình chọn là “Ngân hàng nước ngoài tiêu biểu Campuchia 2016” và “Ngân hàng SME tiêu biểu Campuchia 2016”.

Những kết quả và nền tảng trên là điều kiện cần thiết để SHB nâng cấp chi nhánh tại thị trường này thành ngân hàng con 100% vốn trực thuộc, với vị thế mới khi được hoạt động và cạnh tranh một cách đầy đủ hơn.

Ngân hàng con này có vốn điều lệ 50 triệu USD, dự kiến sẽ tiếp tục nâng quy mô vốn lên 70 triệu USD đến năm 2018 và mở rộng mạng lưới tại các tỉnh, thành phố của Campuchia.

Đây là ngân hàng con 100% vốn thứ hai của SHB tại thị trường Đông Dương sau Ngân hàng SHB Lào khai trương hồi đầu năm nay.

Cùng với SHB, hoạt động mở rộng kinh doanh ra nước ngoài qua thiết lập ngân hàng con 100% vốn trực thuộc đã có sự tham gia của một số ngân hàng khác như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín và Ngân hàng Quân đội, với hai thị trường chính là Lào và Campuchia.

Đọc tiếp »

Thủ tướng yêu cầu quy định rõ phương án đền bù rủi ro tài khoản

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 7469/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán.

Văn bản trên cho biết, trong thời gian qua, có xảy ra một vài sự cố rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán, với tài khoản của khách hàng tại các ngân hàng.

Để hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng và ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trước ngày 15/10/2016 ban hành quy định mới và cụ thể hơn.

Trong những quy định đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán cần ghi rõ trong các hợp đồng cung ứng dịch vụ nội dung cụ thể về trách nhiệm trong việc tiếp nhận thông tin từ khách hàng, thời gian xử lý, phương án đền bù đối với các trường hợp phát sinh rủi ro, sự cố trong hoạt động thanh toán.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra đảm bảo việc chấp hành các qui định của pháp luật về hoạt động thanh toán.

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước có biện pháp khuyến khích, yêu cầu các ngân hàng đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn, an ninh các dịch vụ thanh toán; tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn cụ thể cho người dân về cách sử dụng các dịch vụ thanh toán an toàn, hạn chế rủi ro và phòng tránh tội phạm.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đấu tranh, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán ảnh hưởng đến an toàn, an ninh của hệ thống thanh toán quốc gia và uy tín của hệ thống ngân hàng.

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

7 ngân hàng Việt Nam được Moody’s xét nâng tín nhiệm

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service ngày 5/9 tuyên bố xem xét nâng hạng tín nhiệm dài hạn cho 7 ngân hàng thương mại Việt Nam.

Các ngân hàng nói trên bao gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABB), Ngân hàng Thương mại Á châu (ACB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Ngoài ra, Moody’s cũng xem xét nâng hạng đánh giá tín nhiệm cơ sở (BCA) và đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (CRA) đối với 7 ngân hàng này và hai ngân hàng khác là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Moody’s cho biết động thái này phản ánh kỳ vọng rằng môi trường kinh tế và kinh doanh của các ngân hàng được cải thiện ở Việt Nam sẽ dẫn đến sự cải thiện hồ sơ tín dụng, chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của các ngân hàng, đồng thời đóng góp cho sự ổn định tương đối về nguồn vốn và thanh khoản của các ngân hàng.

Tuyên bố của Moody’s nói rằng sự cải thiện môi trường kinh tế và kinh doanh của các ngân hàng ở Việt Nam đã được thể hiện trong việc tổ chức đánh giá tín nhiệm nay nâng điểm hồ sơ vĩ mô (Macro Profile) của Việt Nam lên “yếu” từ “yếu-“ trước đó. Hồ sơ vĩ mô là điểm đánh giá những rủi ro liên quan đến môi trường kinh tế và kinh doanh của các ngân hàng.

Tuy vậy, Moody’s cho rằng hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn còn thiếu vốn trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nhanh chóng và một tỷ lệ cao những tài sản có vấn đề không phải lúc nào cũng được thể hiện trên bảng cân đối kế toán. Moody’s dự báo những thách thức này sẽ tiếp tục tồn tại trong trung hạn, bất chấp một số cải thiện.

Tổ chức này dự báo GDP thực tế của Việt Nam sẽ tăng 6% mỗi năm trong 2016 và 2017 với sự hỗ trợ của sự phục hồi nhu cầu trong nước và tăng trưởng mạnh của khu vực xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan là một nhân tố tích cực cho các ngân hàng Việt Nam, bởi điều này hỗ trợ cho thanh khoản và vốn của các ngân hàng, đồng thời cải thiện giá trị cho các tài sản xấu.

Theo Moody’s, sức mạnh thể chế của Việt Nam đã cải thiện 3 năm liên tiếp, thể hiện qua một thời gian kéo dài với mức lạm phát thấp, hiệu quả được nâng cao của Chính phủ, các quy định pháp luật và kiểm soát tham nhũng. Những yếu tố này đều đã được phản ánh trong điểm số tốt hơn mà Ngân hàng Thế giới (WB) dành cho Việt Nam trong Chỉ số Quản trị Toàn cầu (WGI), cũng như những tiến bộ gần đây trong cải cách kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và niềm tin kinh doanh được cải thiện đã đóng góp vào sự tăng trưởng tín dụng nhanh chóng ở Việt Nam, dẫn tới những lo ngại về chất lượng của các khoản tín dụng mới được các ngân hàng cấp - theo Moody’s.

Tổ chức này đánh giá rằng sự tăng trưởng tín dụng nhanh chóng là một yếu tố tiêu cực đối với chất lượng tài sản trong tương lai của các ngân hàng. Theo WB, vốn tín dụng cho khu vực tư nhân của Việt Nam do các ngân hàng trong nước cấp đã tăng lên mức 112% so với GDP trong năm 2015, một mức cao so với một quốc gia đang phát triển, từ mức 100% trong năm 2014.

Moody’s dự kiến sẽ hoàn tất việc rà soát đối với các ngân hàng trên trong vòng 90 ngày.

Đánh giá BCA và đánh giá tín nhiệm dài hạn đối với các ngân hàng gồm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank), và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) không bị ảnh hưởng bởi động thái rà soát lần này của Moody’s.

Đọc tiếp »

Quy định mới về thuế ôtô cũ và vàng trang sức

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 122/2016 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, áp dụng từ 1/9/2016.

Vàng chịu thuế suất 0%

Theo biểu thuế mới, mặt hàng đồ trang sức và các bộ phận rời của đồ trang sức bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.13), đồ kỹ nghệ và các bộ phận rời của đồ kỹ nghệ bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.14) và các sản phẩm khác bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.15) được áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% nếu đáp ứng đủ các điều kiện:

Ngoài hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định chung, phải có phiếu kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng dưới 95% do tổ chức thử nghiệm được cấp phép xác định hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ cấp (xuất trình 1 bản chính để đối chiếu, nộp 1 bản chụp cho cơ quan hải quan).

Trường hợp các mặt hàng là đồ trang sức và các bộ phận rời của đồ trang sức bằng vàng (nhóm hàng 71.13), đồ kỹ nghệ và các bộ phận rời của đồ kỹ nghệ bằng vàng (nhóm hàng 71.14) và các sản phẩm khác bằng vàng (nhóm hàng 71.15) xuất khẩu theo hình thức gia công xuất khẩu hoặc có đủ điều kiện xác định là được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu, xuất khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu thì khi làm thủ tục hải quan thực hiện theo quy định hiện hành, không phải xuất trình Phiếu kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng.

Đối với trường hợp xuất khẩu theo hình thức sản xuất xuất khẩu thì khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp phải xuất trình giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước theo quy định.

Thuế nhập khẩu xe ôtô cũ

Nghị định quy định, xe ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh dưới 1.500 cc thuộc nhóm hàng 87.03 và xe ôtô chở người từ 10 đến 15 chỗ ngồi (kể cả lái xe) thuộc nhóm hàng 87.02 áp dụng mức thuế tuyệt đối.

Xe ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh từ 1.500 cc trở lên thuộc nhóm hàng 87.03 áp dụng mức thuế hỗn hợp.

Sản phẩm hóa dầu áp thuế suất theo lộ trình

Nghị định hướng dẫn, các mặt hàng hóa dầu gồm Benzen thuộc mã hàng 2707.10.00 và mã hàng 2902.20.00; Xylen thuộc mã hàng 2707.30.00, P-xylen thuộc mã hàng 2902.43.00 và Polypropylen thuộc mã hàng 3902.10.30 và mã hàng 3902.10.90 (không bao gồm mặt hàng Polypropylen dạng nguyên sinh thuộc nhóm 98.37) áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo lộ trình.

Cụ thể, từ ngày 1/9/2016 đến ngày 31/12/2016 áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 1%.

Từ ngày 1/1/2017 trở đi, các mặt hàng này áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 3%.

Đọc tiếp »

Việt Nam vay gần 5 tỷ USD của nước ngoài trong 8 tháng

Sáng 6/9, Bộ Tài chính đã phát đi thông cáo về tình hình thu, chi ngân sách và trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2016.

Cụ thể, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước thực hiện trong 8 tháng ước đạt 649,46 nghìn tỷ đồng, bằng 64% dự toán năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó thu nội địa ước đạt 523,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ năm 2015. Thu từ dầu thô đạt 27 nghìn tỷ đồng, giảm 43,2% so cùng kỳ năm 2015.

Riêng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 173 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ thì thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt chỉ còn 96,5 nghìn tỷ đồng.

Về chi ngân sách Nhà nước, trong 8 tháng qua đã chi 770,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, chi đầu tư phát triển là 120,85 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ và viện trợ đạt 104,2 nghìn tỷ đồng, chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính khoảng 540,5 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, bội chi ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm 2016 là 121,27 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 47,7% dự toán năm.

Cũng theo báo cáo, tình hình huy động vốn cho ngân sách nhà nước 8 tháng thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước đạt 239.284,5 tỷ đồng, bằng 95,7% kế hoạch năm.

Còn huy động vốn nước ngoài, tính đến hết tháng 8/2016 Việt Nam đã đàm phán, ký kết 28 Hiệp định vay với tổng trị giá quy đổi khoảng 4.816,03 triệu USD, trong đó chủ yếu vay từ các nhà tài trợ lớn như World Bank, ADB và Nhật Bản và đã giải ngân khoảng 2.244 triệu USD.

Trong báo cáo còn ghi rõ, tính đến 25/8/2016, tổng giá trị chi trả nợ là 162.992 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước là 132.433 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 30.559 tỷ đồng.

Đọc tiếp »

Đã có khác biệt trong xử lý tài khoản “bỗng nhiên” mất tiền

Chiều 6/9, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã nhanh chóng đưa ra hướng xử lý cho một trường hợp tại Tp.HCM, chỉ ít ngày sau khi khách hàng báo mất tiền trong tài khoản.

Sau loạt vụ việc được phản ánh trong tháng 8 vừa qua, đầu tháng 9 này lại xuất hiện các trường hợp báo mất tiền trong tài khoản dù không giao dịch. Và phía ngân hàng đã có hướng xử lý tích cực hơn.

Như trường hợp trên tại Vietcombank, chủ tài khoản có thẻ ghi nợ quốc tế Visa debit, liên kết với tài khoản ATM với số dư hơn 240 triệu đồng. Khách hàng khẳng định vẫn giữ thẻ, không để lộ thông tin cá nhân về tài khoản và mã giao dịch…, không truy cập các trang web giả mạo, nhưng đầu tháng này liên tiếp nhận được tin nhắn báo số dư tài khoản mất hơn 22 triệu đồng.

Sau khi xác minh, Vietcombank đã trực tiếp làm việc với khách hàng, ứng trước khoản tiền bị mất trước khi có kết quả tra soát và xác minh cụ thể.

Sự việc trên được xử lý khá nhanh, về quy trình thủ tục cũng như yêu cầu bảo đảm lợi ích khách hàng. Đã có khác biệt so với nhiều trường hợp xẩy ra trước đây.

Trước Vietcombank, vừa qua tại Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank), sự việc khách hàng báo mất 120 triệu trong tài khoản ATM cũng được xử lý khá nhanh. Sau một tháng tiếp nhận, rà soát và kiểm tra lại các giao dịch, HDBank cam kết hoàn trả toàn bộ số tiền cho khách hàng.

Về hướng xử lý trên, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, nguyên tắc đầu tiên là ngân hàng phải bảo vệ niềm tin và quyền lợi của khách hàng một cách nhanh nhất.

“Họ gửi tiền vào mình, họ tin thì mới gửi, nên phải nhanh chóng xử lý để giữ niềm tin của họ”, ông Trung nói.

Tất nhiên, Phó tổng HDBank cho biết, ngân hàng cần một thời gian nhất định để xác định rủi ro do đâu, từ ngân hàng hay khách hàng. Nếu khách hàng không có lỗi, nguyên tắc là phải bồi hoàn.

Trong trường hợp trên, tại HDBank cũng như ở Vietcombank, việc xử lý đã nhanh hơn nhiều so với quy trình thông thường.

Cụ thể, với trường hợp rủi ro mất tiền trong tài khoản liên quan đến các đầu mối thanh toán ngoài hệ thống, với các tổ chức thẻ quốc tế, đặc biệt là các giao dịch gian lận xẩy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam…, quá trình xử lý thường mất 45-60 ngày để tra soát, truy xuất và đối chứng thông tin, đến kết luận cuối cùng, rồi mới thực hiện bồi hoàn hay không.

Trường hợp chuyển sang cơ quan điều tra, thời gian chờ đợi có thể phải kéo dài hơn nữa.

Tuy nhiên, với nghiệp vụ ngân hàng, nhiều trường hợp sớm được nhận diện lỗi thuộc về khách hàng hay không để xác định hướng xử lý.

Lãnh đạo chuyên trách một ngân hàng thương mại cũng cho biết, trong trường hợp đánh giá sơ bộ cho thấy chủ thẻ không thực hiện giao dịch, rủi ro khách quan và nhận thấy sẽ thu hồi được tiền từ các đơn vị liên quan, ngân hàng sẽ chủ động hơn trong việc bồi hoàn.

“Nhưng đây là việc điều chỉnh chính sách vì lợi ích khách hàng, ngân hàng thực hiện bồi hoàn hoặc ứng trước nhanh chóng. Còn theo quy trình trước đây, việc hoàn trả số tiền bị mất, trong trường hợp khách hàng không có lỗi, phải chờ đến khi có kết luận và xác nhận cuối cùng”, lãnh đạo ngân hàng trên cho biết.

Như vậy, sau loạt sự việc tài khoản “bỗng nhiên” mất tiền xẩy ra gần đây, phía ngân hàng bắt đầu có điều chỉnh chính sách khi xử lý, theo hướng bảo đảm tốt hơn lợi ích và thời gian cho khách hàng.

Còn với trường hợp có dấu hiệu lỗi từ khách hàng, vô tình hoặc cố ý, khách quan hay chủ quan, ngân hàng sẽ phải chờ có kết luận cuối cùng, xác định mức độ cụ thể để xử lý.

Đọc tiếp »

Giá vàng bất ngờ tăng mạnh, USD "nằm im"

Phiên tăng hơn 20 USD/oz vào đêm qua của giá vàng quốc tế kéo giá vàng miếng trong nước sáng nay (7/9) tăng lên mức cao nhất trong nửa tháng. Giá USD tự do và ngân hàng tiếp tục ổn định.

Lúc gần 10h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,47 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,55 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ giao dịch ngày hôm qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 220.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 230.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,36 triệu đồng/lượng và 36,62 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Biểu đồ giá vàng của DOJI cho thấy vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này đang có mức giá đắt nhất kể từ ngày 24/8.

Kể từ kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tới nay, giá vàng tăng khá mạnh, đến nay đã tăng khoảng 400.000 đồng/lượng so với đầu tháng. Sự tăng giá này đảo ngược xu hướng giảm giá nhỏ giọt và liên tục của vàng miếng trong tháng 8.

Giá vàng trong nước đang nhận được lực hỗ trợ của giá vàng quốc tế. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 22,7 USD/oz, tương đương tăng hơn 1,7%, chốt ở mức 1.350,4 USD/oz.

Trong phiên sáng nay tại thị trường châu Á, giá vàng giảm nhẹ. Lúc gần 10h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay hạ 0,7 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, còn 1.349,7 USD/oz.

Theo hãng tin Reuters, những số liệu kinh tế Mỹ mới nhất không khả quan như dự kiến, làm giảm triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9.

Điều này gây sức ép giảm giá cho đồng USD, theo đó làm lợi cho giá vàng - tài sản định giá bằng USD. Ngoài ra, do vàng là một tài sản không sinh lãi, giá vàng cũng được hỗ trợ trong môi trường lãi suất thấp.

Thống kê công bố hôm qua cho thấy hoạt động của khu vực dịch vụ Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 6 năm rưỡi trong tháng 8. Số đơn đặt hàng mới mà khu vực phi sản xuất của Mỹ nhận được trong tháng 8 rớt xuống đáy kể từ tháng 12/2013. Ngoài ra, chỉ số thị trường lao động của FED cũng suy giảm trong tháng 8.

Những số liệu này đã đẩy giá vàng thế giới lên mức cao nhất 2 tuần. Giá vàng quốc tế quy đổi hiện tương đương khoảng 36,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ khoảng 300.000 đồng/lượng. Mấy ngày qua, giá vàng trong nước tăng chậm so với giá vàng thế giới, khiến khoảng cách chênh lệch giá bị rút ngắn.

Sau một thời gian bán ròng, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đang mạnh tay gom vàng trở lại. Trong phiên hôm qua, quỹ này tăng khối lượng nắm giữ thêm hơn 1,5%, lên hơn 952 tấn, từ mức gần 938 tấn hôm thứ Sáu tuần trước.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn đang đặt cược khá cao vào khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 12. Bởi vậy, bất kỳ đợt tăng giá nào của vàng trong thời gian từ nay đến cuối năm cũng có thể bị hạn chế.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 22.290 đồng (mua vào) và 22.305 đồng (bán ra), không thay đổi so với đầu tuần. Ngân hàng Vietcombank giữ nguyên giá USD ở mức 22.260 đồng và 22.330 đồng, tương ứng giá mua và bán.

Đọc tiếp »

Eximbank cho vay cá nhân 4.000 tỷ lãi suất từ 6,5%

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố chương trình cho vay quy mô 4.000 tỷ đồng, dành cho các khách hàng cá nhân vay tiêu dùng - kinh doanh có bảo đảm bằng bất động sản với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm.

Theo đó, khách hàng cá nhân có nguồn thu nhập ổn định, có kế hoạch vay mua bất động sản, xây dựng sửa chữa nhà; vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm là bất động sản; vay bổ sung vốn kinh doanh ngắn hạn, kinh doanh trung dài hạn và vay bổ sung vốn kinh doanh trả góp tại Eximbank sẽ thuộc chương trình ưu đãi trên.

Thời gian và các mức lãi suất ưu đãi được Eximbank công bố ngay từ đầu, để khách hàng chủ động chi phí và lựa chọn.

Cụ thể, mức lãi suất ưu đãi 6,5%/năm được áp dụng trong 3 tháng đầu, hoặc mức 7,5%/năm trong 6 tháng đầu, từ 8,5% - 10%/năm trong 12 tháng. Mức lãi suất sau thời gian ưu đãi được xác định cụ thể trước bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng (lãi cuối kỳ) cộng với 3,5%/năm.

Thời gian theo chương trình trên được áp dụng linh hoạt theo nhu cầu của khách hàng và quy định của Eximbank.

Cùng với chương trình trên, Eximbank cũng dành 2.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân mua xe ôtô với lãi suất chỉ từ 7,5%/ năm, cơ chế tính lãi minh bạch ngay từ đầu giúp khách vay chủ động về chi phí.

Cụ thể, mức lãi suất ưu đãi 7,5%/năm được áp dụng trong 6 tháng; với thời gian ưu đãi 12 tháng thì mức lãi suất có từ 7,9% - 9%/năm. Mức lãi suất sau thời gian ưu đãi được xác định cụ thể trước bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng (lãi cuối kỳ) cộng với 3,5%/năm.

Với gói cho khách hàng cá nhân mua xe ôtô này, thời gian vay theo nhu cầu của khách hàng nhưng tối thiểu phải 12 tháng.

Đọc tiếp »

Nước nổi - thuyền nổi vụ quỹ Singapore mua cổ phần Vietcombank

Cuối cùng, giá bán cổ phần Vietcombank cho nhà đầu tư GIC của Singapore cũng dần hé lộ, sau thỏa thuận ghi nhớ ngày 29/8 vừa qua. Giá cổ phiếu VCB của Vietcombank điều chỉnh khá mạnh gần đây, được cho là một phần phản ứng.

Qua điều chỉnh, ở góc nhìn nào đó, có thể lại thuận lợi cho Chính phủ khi xem xét chấp thuận mức giá bán. Vì nó bớt chênh lệch. Nhưng đây không phải là điểm chính, dù có góc nhìn nhạy cảm khi giá bán cho GIC dự kiến thấp hơn đáng kể so với giá giao dịch trên sàn, liên quan là tài sản Nhà nước.

Sẵn sàng mua bán?

GIC, quỹ đầu tư đang quản lý số tài sản trên 100 tỷ USD, do Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long làm Chủ tịch, từng có kế hoạch đầu tư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam sớm hơn. Họ tìm hiểu một ngân hàng khác, rồi ra đi vì không như mong muốn, chứ Vietcombank không phải là điểm ngắm đầu tiên.

Chỉ là suy đoán, nhưng khi không phải là điểm ngắm đầu tiên, thường thì mức độ sẵn sàng mua sẽ hạn chế hơn. Thực tế, GIC cũng đã rất thận trọng khi tìm hiểu Vietcombank.

Chi tiết bên lề, đến cuối tháng 5/2016, ước tính phía GIC đã gửi tới khoảng 500 câu hỏi/yêu cầu Vietcombank trả lời tất thảy các góc cạnh họ cần biết. Báo cáo và số liệu tài chính là chưa đủ đối với sự thận trọng của nhà đầu tư này. Và đến trước thềm ký thỏa thuận ghi nhớ, lượng câu hỏi/yêu cầu đã lên đến con số khoảng 700, cùng gần 20 phiên làm việc trực tiếp giữa lãnh đạo hai bên.

Như trên, mức độ sẵn sàng mua, quyết mua hay không, sự thận trọng khi xét mua… sẽ thể hiện ở giá. Và ban đầu, có thông tin cho hay, khởi điểm đàm phán dự tính chỉ khoảng 31.000 đồng/cổ phiếu. Khi đó, giá cổ phiếu VCB giao dịch trên sàn quanh 41.000 đồng/cổ phiếu.

Giá đàm phán còn tùy thuộc vào mức độ muốn bán của bên bán, cạnh tranh giữa các nhà đầu tư… Vietcombank dĩ nhiên là muốn bán, vì họ gần như buộc phải hoàn tất kế hoạch tăng vốn trong năm nay để cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), đảm bảo yêu cầu áp dụng Basel 2. Chốt được sớm thì càng có thêm thời gian, nguồn lực để mở mang việc khác. Hồi đầu năm, lãnh đạo ngân hàng này cũng tiết lộ có một số đối tác đã đặt vấn đề đầu tư.

Muốn bán, nhưng không bán bằng mọi giá. Vùng giá được cho là từng dự kiến ban đầu cho đàm phán quanh 31.000 đồng/cổ phiếu về sau đã thay đổi. Mức chốt lại theo một số nguồn tin tiết lộ sau thỏa thuận ghi nhớ ngày 29/8 đã lên khoảng 39.000 đồng (trước khi phát hành cổ phiếu thưởng 35% và trả cổ tức 2015 bằng tiền mặt).

Mức 39.000 đồng này một phần phản ánh kết quả đàm phán thành công của Vietcombank, nhưng một phần có thể cũng phản ánh thêm xu hướng giá cổ phiếu VCB trên thị trường, như nước nổi - thuyền nổi. Cao điểm vừa qua giá VCB lên tới 57.500 đồng/cổ phiếu.

Một thực tế liên quan, khi giá giao dịch trên sàn duy trì ở mức cao, giá phát hành cho GIC quá thấp cũng sẽ khiến thương vụ này khó thành công, hay Chính phủ có thể càng khó duyệt giá bán trong so sánh này. Ở đây là tài sản Nhà nước. Và khi giá nâng lên khoảng 39.000 đồng nói trên, GIC đã thể hiện muốn mua.

Giá hời?

Một lãnh đạo thuộc một trong những đầu mối liên quan đến việc xét duyệt giá bán trong thương vụ này cho rằng, không nên cứng nhắc khi so sánh giá Vietcombank dự kiến bán cho GIC với giá đang giao dịch trên sàn.

“Đây là tài sản Nhà nước, vì Nhà nước đang là cổ đông có tỷ lệ sở hữu rất lớn tại Vietcombank. Nên ở đây việc xác định giá có các quy định, cơ sở cụ thể, kể cả khi xem xét phê duyệt, chứ không phải chỉ nhìn vào và chạy theo giá trên thị trường”, vị lãnh đạo trên nói.

Theo ông, giá cổ phiếu trên sàn luôn biến động và chịu nhiều tác động ngoài giá trị doanh nghiệp. Ví dụ, giá cổ phiếu VCB có thể chỉ 35.000 đồng, nhưng trong thời gian ngắn, thị trường thuận lợi, có sóng, lại lên 50.000 đồng. Hay khi có biến động lớn vĩ mô trong nước hay trên thế giới, thị trường chứng khoán phản ứng mạnh, giá có thể rơi về 30.000 đồng…

“Ở đây có các quy định, phương pháp và cơ sở định giá, chứ không thể bắt nhà đầu tư và Vietcombank chạy theo thị trường như vậy khi so sánh giữa giá bán cho GIC với giá trên sàn”, vị lãnh đạo trên nêu thêm quan điểm.

Cụ thể hơn, phía Credit Suisse - nhà tư vấn cho Vietcombank trong kế hoạch phát hành này - đã có bản phân tích 23 trang, tập trung vào việc định giá cổ phiếu VCB.

Ở bản phân tích này, theo phương pháp định giá giá trị nội tại bằng mô hình chiết khấu cổ tức, giá hợp lý của cổ phiếu Vietcombank được xác định dao động trong khoảng từ 27.000 - 40.000 đồng/cổ phiếu (trước pha loãng 35%). Còn theo phương pháp định giá theo thị giá, có so sánh giá trị sổ sách và chỉ số P/E thì giá chỉ ở khoảng 29-34.000 đồng/cổ phiếu.

Còn trên sàn, như trên, giá giao dịch phụ thuộc nhiều yếu tố ngoài giá trị nội tại của doanh nghiệp, như quan hệ cung cầu, kỳ vọng của thị trường, các tác động khác… Do đó, nó thường dao động khá xa giá trị hợp lý của chính doanh nghiệp niêm yết.

Như với giá đóng cửa ngày 28/8, trước thềm lễ ký thỏa thuận ghi nhớ hai bên, là 55.500 đồng/cổ phiếu, thị giá Vietcombank theo đó cao hơn 3 lần giá trị sổ sách P/B. Trong khi đó, mặt bằng P/B chung của cổ phiếu ngân hàng các nước khu vực, thị trường mới nổi thấp hơn đáng kể: như P/B của ngân hàng Philippines 1,6 lần; Thái Lan 1,47 lần; Pakistan 1,57 lần. P/B của các ngân hàng khác có quy mô tương đương trong nước cũng thấp hơn khá xa: như BIDV chỉ 1,39 lần,Vietinbank chỉ 1,17 lần.

Như vậy, xét theo P/B, mức giá chào mua của GIC (khoảng 2,2 lần) là tương đối cao so với cổ phiếu của các ngân hàng trong khu vực cũng như tại Việt Nam.

Và nếu xét theo những phân tích, đánh giá kỹ thuật nói trên, nếu Vietcombank bán cho GIC mức giá khoảng 39.000 đồng, thì đây là giá hời.

Tuy nhiên, Chính phủ có phê duyệt hay không, nếu phê duyệt thì nhanh hay chậm, sẽ là điểm chờ đợi tiếp theo.

Một mặt, Vietcombank đang cần chốt sớm kế hoạch tăng vốn, với phần giả thiết bán cho GIC như trên sẽ giúp sớm chủ động hoàn tất; năng lực tài chính theo đó, cùng với phương án phát hành cổ phiếu thưởng 35%, được nâng thêm một bước quan trọng để trở thành ngân hàng đầu tiên đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế Basel 2.

Mặt khác, nếu Chính phủ không phê duyệt, hoặc tìm kiếm phương án khác, mong đợi mức giá tốt hơn, kế hoạch của Vietcombank sẽ chậm lại, và khó khăn khi hệ số CAR không đảm bảo yêu cầu sắp tới sẽ níu kéo các hoạt động.

Và nếu tìm kiếm phương án khác, nhiều khả năng khó có tình huống buộc phải trở về phát hành cho cổ đông hiện hữu, trong điều kiện ngân sách Nhà nước đang hạn chế đầu tư ở hoạt động này.

Còn nếu bán cho GIC với giá trên, ngoài đảm bảo các kế hoạch và các lợi ích hợp tác khác, có mức giá hời so với các định giá kỹ thuật, cổ đông Vietcombank mà chủ yếu là Nhà nước còn thu về khoản thặng dư cỡ 6.600 tỷ đồng.

Đọc tiếp »

Tăng trưởng tín dụng giữ nhịp độ ổn định

Ngân hàng Nhà nước vừa có thông cáo về tình hình hoạt động ngân hàng tháng 8/2016.

Theo thông cáo này, tín dụng đã tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, đến ngày 23/8/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 9,09% so với cuối năm 2015.

Còn theo số liệu VnEconomy tìm hiểu cập nhật gần hơn, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 8 đã đạt 9,64% so với cuối 2015. Theo đó, chỉ trong một tuần cuối tháng 8 vừa qua, thay đổi về con số tăng trưởng tín dụng là đáng kể. Đây cũng là diễn biến thường thấy trong thời gian qua.

Đặt trong diễn biến chung từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng diễn ra với nhịp độ khá ổn định; hoạt động tiếp vốn của hệ thống rải khá đều từ đầu năm. Theo đó, 2016 dự kiến sẽ là năm đầu tiên tăng trưởng tín dụng có khác biệt lớn so với nhiều năm trở lại đây, rải đều qua các tháng thay vì tăng trưởng thấp hoặc âm đầu năm rồi dồn mạnh vào cuối năm.

Cũng theo thông cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 8/2016, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ có hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế; tín dụng bất động sản và các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát nhưng không ảnh hưởng đến tín dụng bất động sản vào dự án nhà ở xã hội, dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến tháng 8/2016 ước đạt khoảng 900.000 tỷ đồng, tăng 6,64% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 18% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng ở khoảng 18-20%, có thể linh hoạt điều chỉnh theo yêu cầu thực tế.

Trên cơ sở định hướng đó, Ngân hàng Nhà nước xét và giao chỉ tiêu tăng trưởng cho từng tổ chức tín dụng để thực hiện. Với cơ chế này, những tổ chức tín dụng có nợ xấu cao, có dư nợ tập trung quá nhiều vào các lĩnh vực rủi ro, hoặc gặp khó khăn trong đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động…, có thể sẽ bị giới hạn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.

Đọc tiếp »

Lãi suất cho vay đã tương đối hợp lý?

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thông tin về tình hình hoạt động ngân hàng tháng 8/2016, cùng đánh giá sức ép lên lãi suất cho vay đã giảm.

Báo cáo cho biết, trong 8 tháng đầu năm, mặc dù có áp lực tăng nhưng với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước.

Mặt bằng lãi suất về cơ bản diễn biến ổn định. Từ cuối tháng 4/2016, các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Trong một báo cáo khác, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lãi suất cho vay như trên của Việt Nam “vẫn ở mức tương đối hợp lý so với nhiều nước trong khu vực”. Nhận định này được đặt trong tương quan cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với bên ngoài.

So sánh trên được đưa ra khi thời gian qua nhiều ý kiến cho rằng lãi suất cho vay của Việt Nam quá cao so với các nước trên thế giới, khiến doanh nghiệp thêm bất lợi trong cạnh tranh.

Tuy nhiên, như trên, cùng với nhận định “tương đối hợp lý”, Ngân hàng Nhà nước dẫn chiếu số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) về lãi suất cho vay của một số nước trong khu vực những năm gần đây để so sánh.

Ví dụ như, lãi suất cho vay (lending interest rate) của Myanmar ở mức 13%/năm, Indonesia là 12,7%/năm, Ấn Độ là 10,3%/năm, Thái Lan là 6,6%/năm, Philipines là 5,5%/năm, Singapore là 5,4%/năm; nhiều nước đang phát triển khác tại châu Á và châu Phi có lãi suất cho vay từ 15-17%/năm trong năm 2015…

Dù đã tương đối hợp lý, cùng sức ép lên mặt bằng lãi suất đang thể hiện ở xu hướng lạm phát tăng cao hơn những năm trước, nhưng trong báo cáo công bố hôm qua (7/9), Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Đọc tiếp »

C50: Hệ thống thanh toán ngân hàng Việt vẫn an toàn

Hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ của các ngân hàng Việt Nam vẫn đảm bảo an toàn. Đối với những vụ việc hy hữu xảy ra, các đối tượng chủ yếu lợi dụng sơ hở phía người sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Đây là đánh giá từ đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, tại hội nghị trực tuyến chuyên đề “Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ” tại 64 điểm cầu trực tuyến trên cả nước, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/9.

Ngoài đại diện C50, hội nghị có sự tham dự của các vụ, cục chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.

Hội nghị này nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ tại Việt Nam và trên thế giới thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo an toàn an ninh.

Trước thềm hội nghị, tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại liên tục ghi nhận loạt sự việc rủi ro, gian lận trong thanh toán điện tử và tài khoản ATM gây quan ngại trong dư luận.

Thực trạng trên được nêu tại hội nghị rằng, trong bối cảnh hiện nay, tấn công mạng đã trở thành vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu và là mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới. Hệ thống tài chính, ngân hàng, trong đó xương sống là hệ thống thanh toán, đã và đang là đích ngắm hàng đầu của các đối tượng phạm tội công nghệ cao trên toàn thế giới, trong đó có cả ở Việt Nam.

Tổng kết hàng năm của các tổ chức thẻ quốc tế đều cho thấy, tình hình gian lận thẻ vẫn là vấn đề nổi cộm với xu hướng phạm tội tiếp tục phát sinh, bất chấp việc áp dụng các giải pháp công nghệ bảo mật mới nhất.

Qua theo dõi, giám sát hoạt động thanh toán điện tử và thanh toán thẻ trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã nhận thấy các sự cố rủi ro và gian lận với phương thức và thủ đoạn mới xuất hiện tại Việt Nam.

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, các vụ việc gian lận phát sinh chủ yếu đối với thẻ quốc tế và đối tượng tội phạm người nước ngoài, thì hiện nay các vụ việc gian lận đã chuyển hướng sang cả đối với thẻ nội địa và hệ thống ATM/POS.

“Tuy nhiên, qua thống kê, đánh giá và so sánh với các nước trên thế giới, có thể thấy rằng hệ thống thanh toán của Việt Nam hiện nay vẫn được đảm bảo an toàn, với số lượng, tỷ lệ sự cố và vụ việc gian lận xảy ra ít, chỉ là hy hữu”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.

Cục C50 cũng khẳng định sẽ thường xuyên phối hợp với các ngân hàng trong việc trao đổi thông tin, phòng, chống tội phạm trong hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán điện tử và thông báo các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên thế giới và tại Việt Nam.

Đọc tiếp »