Dự án Ví Việt dành cho phụ nữ do LienVietPostBank xây dựng, được tài trợ trong khuôn khổ Chương trình thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện - Cửa sổ 2 của UNCDF.
Ví Việt (tên gọi tắt của thẻ phi vật lý Ví Việt) được LienVietPostBank nghiên cứu, phát triển và phát hành cho chủ thẻ Ví Việt để giao dịch trên điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính cá nhân, máy tính để bàn có kết nối internet.
Theo đại diện LienVietPostBank, hiện dung lượng thị trường cho sản phẩm như Ví Việt rất lớn. Tại Việt Nam, khoảng 70% dân số chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng. Do đó, việc triển khai trên quy mô lớn sản phẩm Ví Việt sẽ cung cấp giải pháp tài chính vi mô đến người dân trong cả nước từ thành thị đến nông thôn và các vùng sâu, vùng xa.
Để nâng cao hiệu quả trong quá trình triển khai và lan tỏa sức ảnh hưởng tới cộng đồng của Ví Việt, trong gần một năm qua, LienVietPostBank đã phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dự thảo và khởi động dự án Ví Việt dành cho phụ nữ.
Cạnh tranh với 32 hồ sơ của Việt Nam trong tổng số 90 hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện - Cửa sổ 2 từ bốn quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, “Ví Việt dành cho phụ nữ” đã trở thành dự án đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn nhận khoản tài trợ 325.000 USD (khoảng 7,26 tỷ đồng) từ UNCDF, theo hình thức tài trợ bồi hoàn chi phí.
Dự án nhằm cung cấp các dịch vụ thanh toán, sản phẩm ngân hàng thông qua Ví Việt để gia tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng cho phụ nữ Việt Nam, phát triển thêm các điểm ủy thác thanh toán và điểm giao dịch Ví Việt (cửa hàng, siêu thị mini, điểm bán sim - thẻ...) do phụ nữ làm chủ, giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho chủ hộ kinh doanh.
Cũng trong khuôn khổ dự án này, LienVietPostBank sẽ phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng các chương trình giáo dục tài chính nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về việc quản lý tài chính, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn, ven đô thị, đồng thời phát triển thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.
Dự kiến trong vòng hai năm, từ tháng 9/2016 đến hết tháng 8/2018, dự án sẽ được triển khai trên phạm vi 10 tỉnh thành, gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Theo đó, dự kiến sẽ có tối thiểu 500.000 phụ nữ sử dụng Ví Việt cùng 2.500 điểm chấp nhận Ví Việt do người phụ nữ làm chủ sẽ được phát triển mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét