Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Nam A Bank gia tăng nhiều ưu đãi cho khách hàng

Bên cạnh việc cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng, Nam A Bank còn chú trọng gia tăng lợi ích cho khách hàng thông qua những chương trình khuyến mãi và ưu đãi hấp dẫn.

Lợi ích và sự hài lòng của khách hàng luôn là yếu tố được Nam A Bank đặt lên hàng đầu trong mọi hoạt động kinh doanh. Vì vậy, bên cạnh việc cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng, Ngân hàng còn chú trọng gia tăng lợi ích cho khách hàng thông qua những chương trình khuyến mãi và ưu đãi.

Hiện nay, có rất nhiều cách tiết kiệm và đầu tư tài chính hiệu quả, tuy nhiên, hình thức gửi tiền tại ngân hàng vẫn được đa số khách hàng lựa chọn để tích lũy các khoản tiền nhàn rỗi chuẩn bị cho những dự định trong tương lai.

Nắm bắt được nhu cầu đó, Nam A Bank đã và đang thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng gửi tiền. Gần đây nhất là chương trình “25 năm - Đồng hành cùng bạn”, được triển khai đến hết 10/7/2017, dành cho khách hàng cá nhân gửi mới hoặc tái tục tiền gửi tiết kiệm với kỳ hạn từ 1 tháng trở lên bằng VNĐ (không áp dụng cho tiền gửi trực tuyến) hay đăng ký sử dụng và kích hoạt thành công gói sản phẩm dịch vụ bao gồm thẻ ATM, các dịch vụ ngân hàng điện tử, đồng thời gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên trong thời gian diễn ra chương trình, sẽ nhận được 10 thẻ cào may mắn và có cơ hội trúng 64.200 giải thưởng với tổng giá trị lên đến 6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng còn triển khai chương trình khuyến mãi “Năm mới đến, Thanh toán nhanh tay - Đón ngay tài lộc” dành cho khách hàng thanh toán các loại hóa đơn qua Payoo trên eBanking hoặc tại quầy Nam A Bank từ 20/2/2017 đến 20/5/2017.

Chương trình đã đi được nửa chặng đường và tìm được rất nhiều khách hàng trúng thưởng.

Chị Phan Thị Thúy Nga, khách hàng tại Nam A Bank Bình Chánh, may mắn trúng giải nhất trị giá 5.000.000 VNĐ chia sẻ: “Vì tính chất công việc bận rộn, hàng tháng tôi vẫn thường thanh toán các loại hóa đơn qua Internet Banking. Việc này giúp tôi tiết kiệm thời gian cũng như không phải lo lắng bị cắt điện, nước, ADSL… mỗi khi quên đóng tiền”.

Hơn nữa, Nam A Bank đã và đang liên kết với rất nhiều đối tác nhà hàng, resort, spa, cửa hàng mua sắm, rạp chiếu phim... nhằm mang đến những ưu đãi đặc biệt, giúp khách hàng chi tiêu thông minh khi sử dụng thẻ tín dụng Nam A Bank Mastercard.

Bên cạnh đó, với chương trình trả góp lãi suất 0% lên đến 12 tháng tại hệ thống siêu thị điện máy nội thất Chợ Lớn, siêu thị điện máy Phan Khang, hệ thống di động CellphoneS, iCenter..., thẻ tín dụng Nam A Bank Mastercard góp phần giúp khách hàng đạt được mục tiêu tài chính dễ dàng hơn.

Ngoài những chương trình khuyến mãi, Nam A Bank còn miễn 100% các loại phí khi chuyển tiền trong và ngoài hệ thống cũng như khi đăng ký hay giao dịch tất cả các dịch vụ trên eBanking và tại các máy ATM dành cho khách hàng.

Đọc tiếp »

Ông Nguyễn Đức Hưởng lên tiếng trước loạt tin đồn

Hai ngày sau sự kiện đại hội cổ đông bất thường của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) thông qua việc miễn nhiệm ông Nguyễn Đức Hưởng ở vị trí Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị, thị trường có những đồn đoán khác nhau.

Trong thông cáo về sự kiện trên, LienVietPostBank cho biết: “Ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ tập trung các công việc quan trọng của Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam trong thời gian tới với vai trò Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội và theo phân công, biệt phái nhận nhiệm vụ mới của Ngân hàng Nhà nước (nếu có)”.

Trước gợi mở này, thị trường xuất hiện một số bàn luận về khả năng ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); thậm chí còn có đồn đoán có “vấn đề trong mối quan hệ” giữa ông Hưởng với ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank.

Một số thông tin không chính thức lan truyền trên mạng xã hội còn đặt tình huống ông Hưởng sẽ về Sacombank, mà đứng sau là “sự hợp tác” giữa ông Đặng Văn Thành (Chủ tịch Sacombank trước đây) với ông Dương Công Minh để mua lại cổ phần Sacombank mà Ngân hàng Nhà nước đang nhận ủy quyền…

Trao đổi với VnEconomy, ông Hưởng nói:

- Đúng là những tin đồn tréo ngoe! Tin đồn kiểu trên thì “mâu thuẫn”, dưới thì “bắt tay nhau”.

Tôi nghĩ, thứ nhất, không phải tự nhiên sinh ra cặp bài trùng “Minh Him Lam - Hưởng Liên Việt”, đã cùng đi một chặng đường 10 năm, luôn cùng một hướng lớn mà không bao giờ chú ý đến những chuyện lặt vặt.

Tôi luôn coi ông Dương Công Minh là anh ruột. Hai chúng tôi luôn bổ sung thế mạnh, thế yếu của nhau. Tôi học được từ ông Minh rất nhiều điều, nhất là tính quyết liệt, hạn chế tối đa việc nhớ lâu tránh đau đầu; ít hứa, nhưng đã hứa là làm bằng được, và cho đi để chia sẻ là chính.

Trong công việc, chúng tôi luôn thẳng thắn, bổ trợ cho nhau. Tôi có thể phê bình thẳng thắn trước mặt ông Minh ngay trong cuộc họp là chuyện thường tình. Còn những ai nói xấu sau lưng ông Minh mà tôi nghe thấy thì việc đầu tiên tôi làm là khẳng định ngay người đó nói sai sự thật.

Còn những thông tin xoay quanh Sacombank thì sao, thưa ông?

Trước hết, nhà đầu tư nhìn vào Sacombank với một thực tế, nhiều khoản nợ xấu tại đây gắn với các địa chỉ vàng về bất động sản. Đây là giá trị tiềm ẩn rất lớn khi ngân hàng xử lý được vấn đề nợ xấu.

Còn về lời đồn rằng ông Đặng Văn Thành và ông Dương Công Minh đứng phía sau ông Hưởng “bắt tay nhau” để mua 54% cổ phần Sacombank mà Ngân hàng Nhà nước đang nắm ủy quyền (qua VAMC), thì tôi xin nói thật, nếu đúng có chuyện hai đại gia này bắt tay cùng nhau mua và giải phóng cục nợ xấu của Sacombank thì… thật có phước cho sự phát triển của Sacombank.

Nhưng tôi lưu ý, không chỉ hai đại gia trên, mà bất cứ nhà đầu tư nào muốn mua được 54% vốn điều lệ đó thì phải có “tiền liền”, chứ không phải “tiền mặt” theo kiểu giơ mặt ra nợ để vay tiền.

54% cổ phần đó cũng chính là tài sản thế chấp bổ sung của cục nợ xấu, nên không phải đơn thuần cứ bỏ tiền ra mua là được sở hữu và trở thành cổ đông lớn ngay được. Chính vì vậy Ngân hàng Nhà nước mới phải nắm giữ nó, qua việc nhận ủy quyền.

Theo tôi thấy thì chính Ngân hàng Nhà nước cũng đang mong muốn có nhà đầu tư tầm cỡ để giải phóng nhanh nợ xấu, nhưng ở Việt Nam chắc chắn thời điểm này không có bất cứ đại gia nào có sẵn cỡ 50.000 tỷ đồng tiền liền để đầu tư, giải chấp 54% cổ phần Sacombank khi cục nợ xấu chưa được hóa giải.

Kể cả có thêm hai ông Đặng Văn Thành và hai ông Dương Công Minh nữa để có đủ 50.000 tỷ tiền liền đi nữa, thì còn phải lọt qua được các tiêu chí khắt khe, chuyên nghiệp của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật. Đó là một vấn đề gai góc nữa.

Tôi nói đến đây các bạn sẽ tự nhận ra nguyên nhân trước đây đã có các đại gia đăng ký nộp từ 10.000 - 20.000 tỷ rồi mà vẫn chưa vào Sacombank được.

Như vậy thì ông Đặng Văn Thành và ông Dương Công Minh có dám đứng sau lưng ông Hưởng không? Chắc chắn không, kể cả có nhân bản thành bốn ông đại gia tầm cỡ đi nữa.

Vậy ông có thể cho biết nhận định cá nhân của ông về triển vọng tái cơ cấu Sacombank sắp tới, cũng như tin đồn ông về tham gia vào quá trình tái cơ cấu này?

Những người làm ngân hàng, cũng như thị trường nói chung, hẳn đều thấy rõ Sacombank là một ngân hàng thương mại lớn, một thương hiệu mạnh, có những giá trị nền tảng rất tốt. Đây cũng là những giá trị mà nhiều nhà đầu tư dòm ngó và khao khát, chứ không hẳn chỉ ở những địa chỉ vàng bất động sản nằm trong nợ xấu.

Cá nhân tôi thấy, nếu có các cơ chế chính sách hỗ trợ, sự bám sát quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, với những thế mạnh trên của Sacombank, quá trình tái cơ cấu có thể đẩy nhanh để ngân hàng này sớm quay trở lại quỹ đạo an toàn hiệu quả, trở lại vị thế hàng đầu đáng có.

Chúng ta phải chờ đợi các phương án, quyết định của cơ quan chức năng, từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Chúng ta kỳ vọng về phương án và những giải pháp tốt nhất.

Tôi cũng thấy rằng, tính tự chủ, tự lực của Sacombank ở đây cần phải được tôn trọng. Tiềm lực của họ sẽ là sức mạnh thực sự nếu có các cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy hợp lý, chứ không hẳn là cứ nhất nhất chờ đợi ngoại lực nào đó. Thêm nữa, khi Ngân hàng Nhà nước đang là đầu mối nắm tỷ lệ chi phối lớn qua nhận ủy quyền nói trên, tôi tin tưởng cơ quan này sẽ có những giải pháp, quyết định hợp lý và đương nhiên là tốt cho Sacombank.

Cá nhân tôi sau khi rời LienVietPostBank, như thời gian qua, trước mắt tôi vẫn bám sát và đẩy mạnh việc đầu tư và triển khai dự án phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước biệt phái, giao nhiệm vụ nào thì tôi sẽ quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ đó.

Đọc tiếp »

Giá vàng sụt mạnh, USD ngân hàng lên gần 22.800 đồng

Giá vàng thế giới giảm khá mạnh, kéo giá vàng miếng trong nước sáng nay (26/4) có nơi xuống dưới ngưỡng 36,7 triệu đồng/lượng. Giá USD tự do và ngân hàng đồng loạt tăng, trong đó giá USD tại một số ngân hàng đã lên gần 22.800 đồng.

Lúc hơn 10h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 36,59 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,67 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ giao dịch hôm qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 10.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 90.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Vàng nhẫn tròn trơn một số loại như Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu hay nhẫn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá dao động từ 34,65-34,76 triệu đồng/lượng (mua vào) và 35-35,21 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,53 triệu đồng/lượng và 36,73 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Chịu sức ép giảm từ thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước từ đầu tuần tới nay đã mất 200.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, so với giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước đang giảm chậm hơn, khiến khoảng cách giữa giá vàng trong nước-thế giới bị kéo giãn.

Cụ thể, sáng nay, giá vàng SJC bán lẻ cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 2 triệu đồng/lượng. Tuần trước, khoảng cách này có lúc giảm còn 1,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới giảm liên tiếp trong phiên đêm qua và sáng nay, do lực mua các tài sản an toàn giảm xuống.

Kết quả vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào cuối tuần vừa rồi, với tỷ lệ phiếu cao nhất thuộc về ứng cử viên theo đường lối trung dung Emmanuel Macron đã giúp giới đầu tư yên tâm. Ông Macron được dự báo sẽ giành chiến thắng trước ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen - người tuyên bố rút Pháp khỏi Liên minh châu Âu (EU) và khối đồng tiền chung châu Âu Eurozone nếu đắc cử - trong vòng quyết định diễn ra vào ngày 9/5.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 12 USD/oz, tương đương giảm hơn 0,9%, chốt ở 1.265 USD/oz. Lúc hơn 10h trưa nay trong phiên châu Á, giá vàng giảm 0,2 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, còn 1.264,8 USD/oz.

Trái với sự giảm giá của vàng, tỷ giá USD/VND tăng hai ngày trở lại đây.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 22.740 đồng (mua vào) và 22.760 đồng (bán ra), tăng 40 đồng so với cách đây 2 ngày.

Ngân hàng Vietcombank lúc hơn 10h niêm yết giá USD ở mức 22.720 đồng (mua vào) và 22.790 đồng (bán ra), tăng 40 đồng so với sáng thứ Hai. Eximbank báo giá ngoại tệ này ở các mức tương ứng lần lượt là 22.680 đồng và 2.2780 đồng.

Đọc tiếp »

Khách mất tiền, Sacombank phản ứng nhanh

Sáng 26/4, trả lời VnEconomy, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết sẽ hoàn tiền ngay cho khách hàng bị kẻ gian đánh cắp tiền trong tài khoản.

Trước đó, tối 24/4, chủ thẻ Hoàng Minh Tâm (tại Hà Nội) đang sử dụng thẻ ghi nợ của Sacombank bị kẻ gian lần lượt rút hơn 94 triệu đồng số dư trong tài khoản.

Loạt giao dịch trên thực hiện lúc đêm khuya, đến đầu giờ sáng 25/4 chủ thẻ mới phát hiện sự việc, qua tin nhắn báo về điện thoại, trong khi chủ thẻ khẳng định thẻ vẫn trong ví, không thực hiện những giao dịch đó cũng như không tiết lộ các thông tin bảo mật thẻ cho bất cứ ai.

Chủ thẻ Hoàng Minh Tâm đã đến chi nhánh Sacombank tại Hà Nội để phản ánh sự việc và yêu cầu tra soát những giao dịch trên.

Phía Sacombank cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin của khách hàng, ngân hàng đã nhanh chóng rà soát và xác định được nguyên nhân khách hàng bị mất tiền là do đã bị kẻ gian đánh cắp thông tin để làm thẻ giả rút tiền.

“Sacombank sẽ hoàn tiền cho khách hàng trong ngày hôm nay (26/4), đồng thời đang phối hợp với cơ quan công an công nghệ cao (C50) để điều tra”, thông tin từ Sacombank gửi đến VnEconomy sáng nay cho biết.

Cùng đó, ngân hàng này tiếp tục đưa ra những khuyến cáo đối với các chủ thẻ về bảo mật thông tin, các biện pháp an toàn trong sử dụng thẻ để cùng phòng ngừa tội phạm.

Thời gian qua, đặc biệt trong năm 2016, nhiều vụ việc mất tiền trong tài khoản xẩy ra tại Việt Nam, mà phần lớn các ngân hàng và khách hàng liên quan phải mất nhiều thời gian khiếu nại, tra soát và xử lý.

Đọc tiếp »

Sắp trình danh sách ứng viên nhân sự cao cấp Sacombank

Hôm nay (26/4), Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có phiên họp thống nhất danh sách ứng viên Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021.

Đây là bước quan trọng để chuẩn bị cho việc tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới.

Theo đó, Hội đồng Quản trị Sacombank đã thống nhất danh sách 6 ứng viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ trên, bao gồm: ông Nguyễn Đức Hưởng, ông Kiều Hữu Dũng, ông Nguyễn Miên Tuấn, ông Nguyễn Xuân Vũ, ông Nguyễn Văn Cựu, ông Phạm Văn Phong và ứng viên thành viên Hội đồng Quản trị độc lập là bà Nguyễn Thị Bích Hồng.

Bốn ứng viên Ban kiểm soát gồm bà Nguyễn Thị Thanh Mai, ông Lê Văn Tòng, ông Hà Tôn Trung Hạnh và ông Trần Minh Triết.

Trong các ứng viên Hội đồng Quản trị, ông Nguyễn Đức Hưởng là người vừa từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vào ngày 24/4 vừa qua.

Theo kế hoạch dự kiến, ngày 26/5 tới Sacombank sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên. Mốc thời gian này bị lùi sau khi trù tính tổ chức vào ngày 28/4 để chuẩn bị thêm về công tác chuẩn bị nhân sự.

Qua cuộc họp và danh sách các ứng viên được thống nhất nói trên, sau khi trình Ngân hàng Nhà nước, có thể Sacombank sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông sớm hơn để ổn định cơ cấu mới, tập trung vào hoạt động kinh doanh và triển khai đề án tái cơ cấu.

Đọc tiếp »

Nam A Bank triển khai giao dịch thẻ trực tuyến 3D Secure

Nam A Bank vừa triển khai tiện ích xác thực giao dịch thẻ trực tuyến (3D Secure) miễn phí dành cho chủ thẻ Nam A Bank Mastercard nhằm nâng cao tính năng bảo mật thẻ, giúp khách hàng yên tâm khi giao dịch.

Ngày nay, việc thanh toán trực tuyến bằng thẻ ngân hàng ngày càng phổ biến và phát triển mạnh tại Việt Nam. Với ưu điểm thanh toán dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện và mang lại hiệu quả kinh tế, thanh toán trực tuyến qua thẻ đã trở thành công cụ tiện ích không thể thiếu của người tiêu dùng thông minh trong cuộc sống hiện đại.

Song song với những ưu điểm đó, vẫn luôn tồn tại những nguy cơ tiềm ẩn như việc đánh cắp thông tin, giả mạo thẻ khi giao dịch trực tuyến. Đây cũng là mối lo chung của chủ thẻ và các ngân hàng trên thế giới.

Với phương châm “Ngân hàng đẹp - Dịch vụ tốt”, Nam A Bank không chỉ chú trọng gia tăng tiện ích dành cho chủ thẻ mà còn không ngừng nâng cao tính năng bảo mật thẻ, giúp khách hàng hoàn toàn yên tâm khi giao dịch.

Theo đó, từ 24/04/2017, Nam A Bank triển khai tiện ích xác thực giao dịch thẻ trực tuyến (3D Secure) miễn phí dành cho chủ thẻ Nam A Bank Mastercard.

Chia sẻ về tiện ích này, ông Nguyễn Bình Phương - Phó tổng giám đốc Nam A Bank - cho biết: “Ngân hàng đang rất chú trọng trong việc nâng cao hệ thống bảo mật, đảm bảo an toàn cho các giao dịch và thông tin khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ tại Nam A Bank”

3D Secure (MasterSecure Code: MSC) là tiện ích xác thực giao dịch thẻ trực tuyến do Nam A Bank hợp tác triển khai cùng Tổ chức thẻ quốc tế Mastercard, cung cấp giải pháp bảo mật cho chủ thẻ quốc tế Nam A Bank khi giao dịch tại các website có tham gia dịch vụ “Mastercard SecureCode”.

Trong quá trình giao dịch, chủ thẻ được yêu cầu nhập Mật khẩu OTP (One Time Password) do Nam A Bank cung cấp qua SMS/ Email đăng ký của khách hàng để hoàn tất bước thanh toán sau khi nhập các thông tin thẻ cơ bản. Nếu nhập không chính xác, giao dịch thanh toán sẽ mặc nhiên không thành công.

Bên cạnh tiện ích 3D Secure, Nam A Bank còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi như trả góp lãi suất 0% lên đến 12 tháng tại các hệ thống Siêu thị điện máy nội thất Chợ Lớn, siêu thị điện máy Phan Khang, hệ thống di động CellphoneS, iCenter..., ưu đãi giảm giá đặc biệt tại các nhà hàng, resort, spa, cửa hàng mua sắm, rạp chiếu phim... giúp khách hàng chi tiêu thông minh khi sử dụng thẻ Nam A Bank Mastercard.

* Thông tin chi tiết:

Hotline Trung tâm Dịch vụ Khách hàng: 1900 6679
Website: www.namabank.com.vn

Đọc tiếp »

Cướp ngân hàng ở Trà Vinh: Vietcombank đã mua bảo hiểm

Sáng nay (27/4), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có thông tin sơ bộ về vụ cướp tại một phòng giao dịch ở Trà Vinh.

Cụ thể, vào khoảng 16h25 ngày 26/4/2017, tại phòng giao dịch Duyên Hải thuộc chi nhánh Vietcombank Trà Vinh (khóm 1, phường 1, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đã xảy ra một vụ cướp ngân hàng.

Một đối tượng bịt mặt đã bất ngờ xuất hiện tại phòng giao dịch trên, sử dụng vũ khí (nghi là súng) đe dọa, uy hiếp các nhân viên tại phòng giao dịch và cướp đi một khoản tiền mặt gồm tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ (khoảng 2 tỷ đồng).

Vietcombank cho biết, vụ việc trên không xảy ra tổn thất về người. Đối với tài sản, Vietcombank đã mua bảo hiểm đầy đủ theo quy định nội bộ của ngân hàng nên vụ việc này ngân hàng không bị tổn thất về tài chính.

Hiện tại, Vietcombank chi nhánh Trà Vinh đang phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương để cung cấp thông tin, phục vụ công tác điều tra, truy bắt.

Đọc tiếp »

Tái cơ cấu Sacombank và hai điểm gây chú ý

Ngày 26/4, Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) công bố thông tin về danh sách ứng viên Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021.

Những cái tên mới xuất hiện, trong đó thu hút sự chú ý thị trường là ông Nguyễn Đức Hưởng, người vừa từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Từ LienVietPostBank, một số thông tin bàn luận trên thị trường kết nối đến cái tên công ty Him Lam - một cổ đông lớn của ngân hàng này.

Từ những cái tên trên, có giả thiết đặt ra: liệu có tình huống LienVietPostBank cử người sang để chuẩn bị kế hoạch “thâu tóm” Sacombank hay không, công ty Him Lam - một đại gia bất động sản - cùng tham gia kế hoạch này vì tại Sacombank có nhiều địa chỉ vàng về bất động sản?

Tuy nhiên, đó lại là hai mạch giả thiết song song, tách bạch.

54% và người của Ngân hàng Nhà nước

Trước hết, ngay chữ “nhiệm kỳ” là điểm xuất phát đầu tiên. Sacombank phải tổ chức đại hội đồng cổ đông để bầu ra Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát mới cho nhiệm kỳ mới 2017-2021. Có cơ cấu nhân sự của nhiệm kỳ mới để triển khai các kế hoạch hoạt động, trong đó trọng điểm là đề án tái cơ cấu.

Đây cũng là cơ hội và thời điểm để Ngân hàng Nhà nước cử người vào, từ mà gần đây được dùng đến là “biệt phái”. Cơ quan này có quyền từ việc đại diện gần 54% vốn cổ phần Sacombank, qua đầu mối trực thuộc là Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhận ủy quyền từ nhóm cổ đông lớn khác.

Theo quy định, các nhóm cổ đông hoặc tổ chức được ủy quyền nắm tỷ lệ từ 10% cổ phần đều được quyền đề cử nhân sự để bầu vào hai cơ cấu trên. Việc nắm tới 54% là cũng là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng kiện toàn bộ máy Sacombank, sớm ổn định để đi vào xử lý những việc lớn khi thời gian không chờ đợi. Việc còn lại là chọn người mà thôi.

Ngoài ông Hưởng, trong danh sách đề cử còn có tên của hai người đến từ Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), dù hiện nay Vietcombank không hề sở hữu cổ phần Sacombank, mà được hiểu là do Ngân hàng Nhà nước tăng cường nhân lực.

Nhưng, như trên, có hai cái tên liên quan được chú ý hơn cả chứ không phải Vietcombank, là LienVietPostBank và công ty Him Lam. Tuy nhiên, người đề cử liên quan lại không đến từ cơ cấu sở hữu cổ phần của hai tổ chức đó, mà cũng do Ngân hàng Nhà nước biệt phái. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn là tổ chức có vai trò chính, với những đại diện chính trong đề cử cơ cấu nhân sự.

Thời gian qua đã có những tổ chức, nhóm nhà đầu tư đặt vấn đề mua cổ phần Sacombank, muốn có đủ tỷ lệ sở hữu quy định để đề cử người vào Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một thay đổi nào mới về tỷ lệ nắm giữ nói trên của Ngân hàng Nhà nước, cũng như không có chuyển nhượng nào sang công ty Him Lam hay LienVietPostBank.

Để thâu tóm một ngân hàng, trước hết phải nắm đủ tỷ lệ sở hữu chi phối. Muốn nắm được tỷ lệ đó thì phải mua. Ở đây, chưa ai mua và ai bán để dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu của cố đông lớn và mới.

54% cổ phần nói trên hiện là tài sản thế chấp vay vốn tại Sacombank. Như quan điểm Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh thời gian qua và áp cho hiện nay, để mua thì nhà đầu tư phải có tiền thật, tiền tươi, xác minh rõ nguồn gốc là không vay mượn. Tất cả các cá nhân, tổ chức đều có quyền vào đàm phán để mua, theo quy định của pháp luật.

Giả sử, đàm phán thành công, mua bán thành công, tiền bán cổ phần được trả nợ cho Sacombank, giải chấp số cổ phần tương ứng. Theo giả thiết đó, tỷ lệ nắm giữ của Ngân hàng Nhà nước giảm xuống, ứng với tỷ lệ sẽ rút bớt người đề cử bầu vào hai cơ cấu trên. Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ lệ 54% đó vẫn nguyên mà chưa có thay đổi để nói đến một sự thâu tóm.

Giả sử nữa, có kế hoạch thâu tóm nào đó, bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng đều được phép mua và sở hữu cổ phần Sacombank theo giới hạn pháp luật quy định. Hai cái tên LienVietPostBank và công ty Him Lam đều bình đẳng với tất cả các nhà đầu tư, miễn sao đảm bảo yêu cầu về giới hạn sở hữu, về nguồn tiền minh bạch và thật, đảm bảo giới hạn chống sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng luật đã quy định.

Trong trường hợp nhà đầu tư bất kỳ và bình đẳng như nhau có đủ tỷ lệ sở hữu quy định để đề cử nhân sự vào Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát, bước tiếp theo là Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát các tiêu chuẩn về chuyên môn, lý lịch… để xét duyệt hay không.

Nếu bước qua được tất cả các quy định trên, bán được cổ phần lấy tiền trả nợ cho Sacombank, Ngân hàng Nhà nước sẽ từng bước giảm tỷ lệ nắm giữ, tiến tới rút hẳn, trả Sacombank lại cho thị trường và các cổ đông (bao gồm các cổ đông mới vào thay thế) tự quyết định theo khung khổ pháp lý quy định mà không can thiệp vào nữa.

Nhưng diễn biến đó đến nay chưa có bất kỳ một sự dịch chuyển tỷ lệ sở hữu hay giao dịch mua bán cổ phần liên quan nào, để định hình đến một khả năng thâu tóm.

“Đất vàng” tại Sacombank hay của Sacombank?

Trả lời VnEconomy mới đây, ông Nguyễn Đức Hưởng nói rằng: nếu đúng hai đại gia Đặng Văn Thành và Dương Công Minh cùng hợp tác xử lý nợ xấu thì “thật có phước cho Sacombank”.

Sau thông tin trên, ông Hưởng bình luận thêm: “Tôi nghĩ ông Dương Công Minh cũng không có ý định khai thác bất động sản ở Sacombank vì các dự án Him Lam hiện có làm cả đời không hết. Vậy nên nếu ai đó làm Chủ tịch Sacombank mời được ông Đặng Văn Thành, ông Dương Công Minh và các đại gia bất động sản khác ở Sài Gòn cùng tham gia khai thác bất động sản để xử lý nợ xấu, thu hồi vốn là điều may mắn cho Sacombank”.

Theo ý trên, thâu tóm ngân hàng và thâu tóm bất động sản là khác nhau, hai mạch song song. Việc mua hoặc thâu tóm bất động sản tại Sacombank là bình thường, độc lập và không liên quan đến thâu tóm ngân hàng ở phương diện là chủ sở hữu lượng lớn cổ phần ngân hàng đó.

Nói đúng hơn, đất vàng ở đây là tại Sacombank chứ không phải của Sacombank. Chúng là của các khách vay vốn thế chấp, các khoản vay đã thành nợ xấu và cần xử lý. Khách vay - chủ sở hữu bất động sản - phối hợp với ngân hàng bán chúng đi, lấy tiền để trả nợ cho Sacombank.

Yêu cầu đang đặt ra cấp bách tại Sacombank là nhanh chóng xử lý nợ xấu. Có nhà đầu tư, hay bất cứ cá nhân nào chứ không riêng hai đại gia trên, đều có thể nhảy vào “thâu tóm” đất vàng đó, miễn là giao dịch đúng pháp luật, đạt được giá cả thỏa thuận với chủ đất, để chủ đất có tiền trả nợ Sacombank. Giao dịch nếu có thành công ở đây thì cũng dứt gọn, Sacombank đạt được mục đích tối ưu là thu hồi được nợ chứ không bị “thâu tóm” bất cứ điều gì.

Vậy nên, càng có nhiều cá nhân, tổ chức “nhảy vào thâu tóm” bất động sản tại Sacombank, ngân hàng này càng có triển vọng xử lý nhanh tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, để đẩy nhanh xử lý nợ xấu và tái cơ cấu. Đó là lợi ích cho Sacombank.

Vấn đề là giả thiết “thâu tóm” thường đi cùng với quan ngại về giá cả, thất thoát tài sản. Nhưng, những giao dịch này phải tuân thủ các quy định pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật, thuận mua vừa bán và quyền lợi những ông chủ đất còn đứng ở đó. Chủ bất động sản bán được giá tốt thì càng có điều kiện trả nợ cho Sacombank, nếu bán thấp hơn thì phải bù thêm vào cho đủ trả khoản nợ.

Thế nên, trong quá trình tái cơ cấu tới đây, những địa chỉ vàng bất động sản đang thế chấp tại Sacombank càng bị “thâu tóm” nhanh, càng giải phóng nhanh được lượng tài sản thế chấp đó, càng có lợi cho ngân hàng trong xử lý nợ xấu và thu hồi nợ. Vì mục đích cuối cùng, ngân hàng thu lại được vốn vay, giảm được nợ xấu để nhẹ bước, thực hiện xong quyền lợi của mình mà có lẽ không cần quan tâm đất vàng đó thuộc về ai.

Đọc tiếp »

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Eximbank tạm rút kế hoạch thoái vốn tại Sacombank

Hôm nay (21/4), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức đại hội đồng cổ đông, sau những lần trì hoãn và tổ chức không thành công trong năm 2016.

Một nội dung được chú ý tại đại hội này là Eximbank bất ngờ rút dự thảo tờ trình công bố vừa qua, về kế hoạch thoái vốn tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Theo đó, kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Eximbank tại Sacombank (tương ứng tỷ lệ 8,76%) không trình tại đại hội đồng cổ đông lần này, và hiện chưa rõ lộ trình dự kiến tiếp theo của kế hoạch vì đây là một phần thực hiện yêu cầu có từ trong năm 2016 của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước.

Trước thềm đại hội trên, Eximbank đã công bố dự thảo tờ trình về việc thoái vốn nói trên, nhằm đảm bảo yêu cầu trong Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, về giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, với quy định: “Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó”.

Ngày 17/2/2017, Hội đồng Quản trị Eximbank cũng đã có nghị quyết về việc thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại Sacombank.

Về việc rút lại tờ trình thoái vốn tại Sacombank, trả lời cổ đông, đại diện Eximbank cho biết kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cũng như đã tiếp xúc với một số nhà đầu tư, tuy nhiên việc thực hiện còn tùy thuộc vào diễn biến của thị trường. Mặt khác, đây là lượng cổ phần lớn nên không dễ để vừa đảm bảo bán được nhanh vừa được giá tốt.

Kế hoạch chuyển nhượng cổ phần Sacombank là một trong bốn nội dung Eximbank rút khỏi nội dung trình đại hội đồng cổ đông sáng nay, cùng với việc rút tờ trình về việc xử lý thù lao của hội đồng quản trị và ban kiểm soát các năm 2013, 2014 và 2015; rút tờ trình xin chủ trương chuyển địa điểm trụ sở chính; miễn nhiệm chức danh thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Cao Xuân Ninh.

Đọc tiếp »

Đại hội cổ đông Sacombank bị hoãn đến cuối tháng 5

Chiều 21/4, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có thông báo về nghị quyết của Hội đồng Quản trị, tạm hoãn tổ chức đại hội đồng cổ đông như lịch dự kiến vừa qua.

Cụ thể, ngày 13/3/2017, Sacombank đã có thông báo về thời gian dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2015 và 2016 vào ngày 28/4/2017.

Tuy nhiên, với lý do công tác chuẩn bị về nhân sự Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2010 và một số nội dung tài liệu phục vụ đại hội chưa hoàn tất, nên tại phiên họp ngày 20/4 vừa qua, Hội đồng Quản trị Sacombank đã thống nhất tạm hoãn thời gian đại hội.

Sacombank cho biết sẽ tích cực hoàn thành các công việc liên quan để tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông nói trên, dự kiến diễn ra vào ngày 26/5/2017.

Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 21/4, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức đại hội đồng cổ đông, sau những lần trì hoãn và tổ chức không thành công trong năm 2016.

Một nội dung được chú ý tại đại hội này là Eximbank bất ngờ rút dự thảo tờ trình công bố vừa qua, về kế hoạch thoái vốn tại Sacombank.

Theo đó, kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Eximbank tại Sacombank (tương ứng tỷ lệ 8,76%) không trình tại đại hội đồng cổ đông lần này, và hiện chưa rõ lộ trình dự kiến tiếp theo của kế hoạch vì đây là một phần thực hiện yêu cầu có từ trong năm 2016 của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước.

Đọc tiếp »

Góc nhìn: “Lần đầu tiên” của Eximbank sau hai năm xáo trộn

Đến khoảng 14h30 chiều 21/4, phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) kết thúc. Sau hai năm, đích đến đầu tiên đã có.

Đó có phải là phiên đại hội thành công hay không?

Với những ai chờ đợi một sự chộn rộn, hay lộn xộn như lần tổ chức không thành năm ngoái thì hẳn đã hụt hẫng. Đại hội diễn ra trong trật tự, không khí có phần chùng xuống.

Với một số cổ đông và nhà đầu tư, trên cơ sở lợi ích và yêu cầu của riêng họ, có thể chưa hài lòng và thỏa mãn về giải đáp một số điểm thắc mắc về tài chính, các dự án hay kế hoạch lớn, cũng như thất vọng với trước mắt tiếp tục không có cổ tức.

Nhưng, xét về lợi ích chung của ngân hàng và rộng hơn là cả hệ thống ngân hàng, đây là một đại hội thành công. Bởi lẽ, sau hai năm, Eximbank đã đạt đích đến đầu tiên của dự án “Eximbank Mới”: đó là sự đồng thuận.

Sau hai năm thất bại trong việc tổ chức đại hội đồng cổ đông, tất cả các cổ đông, các nhóm cổ đông Eximbank lần đầu tiên đã tìm được tiếng nói chung để cùng ngồi với nhau để nhìn về một hướng là thông qua kế hoạch, định hướng kinh doanh, dù quan điểm giữa các nhóm cổ đông có thể khác nhau.

Những năm gần đây, Eximbank có nhiều xáo trộn về cơ cấu thượng tầng, xuất phát từ đan xen giữa các nhóm cổ đông lớn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến ngân hàng khó ổn định để củng cố hoạt động kinh doanh, khó khăn càng thêm khó khăn.

Nay, như trên, tất cả đã tìm được tiếng nói chung để đồng thuận, thông qua kế hoạch, định hướng kinh doanh, tức là cùng vì lợi ích chung của ngân hàng. Và cập nhật tại đại hội, lượng tiền gửi vào Eximbank trong quý 1/2017 tăng rất mạnh đang là chỗ dựa cho sự đồng thuận đó.

Đặt ngược lại, nếu các nhóm cổ đông lớn tiếp tục không dung hòa được tiếng nói, tiếp tục có xáo trộn và đại hội tiếp tục bất thành, Eximbank sẽ càng mất uy tín với cổ đông và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh trên thị trường. Khó khăn càng thêm khó, và một thành viên có quy mô tổng tài sản khoảng 130.000 tỷ nếu càng lung lay sẽ càng ảnh hưởng đến hệ thống các ngân hàng nói chung.

Cùng với sự đồng thuận trên, điểm chốt lại qua đại hội là cơ cấu Hội đồng Quản trị tiếp tục giữ ổn định mà không có xáo trộn lớn, ngoài thay đổi người từ đối tác chiến lược nước ngoài. Ổn định này cần thiết cho một Eximbank đang tìm hướng trở lại, nhưng không có nghĩa loại trừ quyền lợi của những nhóm cổ đông nào đó, vì theo quy định và điều lệ họ hoàn toàn có thể đề xuất và ứng cử, qua đại hội bất thường, miễn là đảm bảo theo yêu cầu xét duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng có thể có cổ đông hụt hẫng và chưa hài lòng, vì các kế hoạch lớn bất ngờ bị rút tại đại hội. Eximbank rút tờ trình kế hoạch thoái vốn tại Sacombank, rút tờ trình xin chủ trương chuyển địa điểm trụ sở chính…

Đó là những kế hoạch lớn, nhưng lại linh hoạt được trong quy trình.

Kế hoạch thoái vốn tại Sacombank nằm trong sự chủ động của Eximbank, hoàn toàn có thể thông qua tại đại hội bất thường hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản… Và việc rút tờ trình này cũng không quá quan trọng, do kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, nhưng lại tùy thuộc vào yếu tố thị trường, tình hình hoạt động và giá cổ phiếu Sacombank, và đây là giao dịch lô lớn, nên thời điểm và quyết định càng phải cân nhắc.

Tương tự, dự án trụ sở chính có quy mô tổng đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng, càng cần được đánh giá, chuẩn bị và tính toán kỹ lưỡng hơn, cũng như có thể nhanh chóng xin ý kiến cổ đông khi đã sẵn sàng.

Như trên, qua đại hội này, đích đến lớn nhất là các nhóm cổ đông đã ngồi lại với nhau, cùng đồng thuận và thông qua kế hoạch, định hướng hoạt động của ngân hàng. Cơ cấu nhân sự trước mắt có sự ổn định thay vì tiếp tục những xáo trộn như những năm qua.

Con thuyền Eximbank theo đó bớt lộn xộn tay chèo, có đồng thuận như trên để bớt chòng chành, mà đây là lợi ích chung của ngân hàng - điều đã bị tổn thương rõ những năm gần đây.

Đọc tiếp »

HDBank tăng trưởng vượt bậc sau 5 năm

Ngày 21/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank) tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 - năm cuối của nhiệm kỳ vừa qua.

2016 cũng là năm lợi nhuận HDBank bứt phá mạnh nhất từ trước tới nay: lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.148 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2015, trong đó HDBank riêng lẻ đạt 830 tỷ đồng.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm ngoái, HDBank gây chú ý khi là một trong số ít ngân hàng thương mại trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Năm nay, trước kế hoạch tăng vốn điều lệ để mở rộng hoạt động kinh doanh, HDBank thống nhất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7%, chia cổ phiếu thưởng 2% nâng tổng số cổ phiếu phát hành cho cổ đông là 9%.

“Tại đại hội, cổ đông của HDBank vui vẻ, phấn khởi, đồng thuận với phương án chia cổ tức của ngân hàng”, thông cáo về kết quả đại hội trên cho biết.

Bên cạnh lợi nhuận tăng trưởng mạnh, các chỉ tiêu chính khác của HDBank năm 2016 cũng đạt kết quả ấn tượng: tổng tài sản đạt 150.294 tỷ đồng; tổng vốn huy động 134.189 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2015; tổng dư nợ tín dụng hợp nhất 90.121 tỷ đồng, tăng 34%, trong đó HDBank riêng lẻ đạt 82.104 tỷ đồng tăng 30% so với năm 2015, HDSAISON đạt 8.055 tỷ đồng, tăng 72% so với 2015.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của HDBank đến cuối 2016 ở mức 1,6%, trong đó HDBank riêng lẻ kiểm soát ở 1,26%; tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất 12,53%; ROA 0,71%; ROE 9,24 %. Mạng lưới đã có 221 điểm giao dịch, 7.500 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.

2016 cũng là năm kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của Hội đồng Quản trị gắn với những bước tiến vượt bậc của HDBank. Cụ thể, so với năm 2011, tổng tài sản của ngân hàng đã tăng hơn 3 lần; vốn chủ sở hữu tăng gần 3 lần; tổng huy động tăng hơn 4 lần; tổng cho vay tăng 5 lần; lợi nhuận trước thuế tăng hơn 2 lần; mạng lưới hoạt động tăng thêm hơn 100 chi nhánh và 7.500 điểm giao dịch, số lượng nhân sự tăng thêm gần 9.000 cán bộ nhân viên.

Tại đại hội trên, HDBank đã bầu Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2017 - 2022, gồm 9 thành viên: bà Lê Thị Băng Tâm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Lưu Đức Khánh, ông Lim Peng Khoon, ông Chu Việt Cường, ông Nguyễn Hữu Đặng, ông Nguyễn Thành Đô, bà Nguyễn Thị Tâm và ông Lý Vinh Quang.

Năm 2017, HDBank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 178.800, tăng 19% so với năm 2016; huy động thị trường 1 đạt 124.000 đồng, tăng 20%; tổng dư nợ tín dụng 107.760 tỷ đồng, tăng 20%; nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 3%; lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng; ROA 0,6% và ROE: 9,3%.

Đọc tiếp »

Ngân hàng và những đồng vốn đột ngột “chết”

Cuối tuần rồi, phóng viên VnEconomy có cuộc trao đổi với lãnh đạo một ngân hàng thương mại đang tái cơ cấu. Câu chuyện xoay quanh kết quả kinh doanh quý 1/2017.

“Mọi cái dường như ổn định, nhưng hãy nhìn lại quý vừa qua, hệ thống ngân hàng đón nhận rất nhiều thông tin bất lợi và nhạy cảm. Chúng ta cứ nói nhạy cảm chung chung rồi gật đầu. Còn với ngân hàng thì tái cả mặt, vì nhạy cảm đo được bằng tiền”, vị lãnh đạo trên nhìn lại.

Đó là nhiều vụ án chưa khép, nối tiếp thông tin mở ra những vụ án mới trong hệ thống ngân hàng; nợ xấu, tái cơ cấu, “ngân hàng 0 đồng”, phá sản ngân hàng là những chủ đề nóng; loạt đại dự án hàng chục nghìn tỷ đồng gắn với các tập đoàn, tổng công ty, rồi liên quan đến một số ngân hàng thương mại…

Tâm lý người gửi tiền đón nhận những thông tin đó.

Đại diện một nhà đầu tư lớn nói với VnEconomy rằng, họ đang tìm hiểu hoạt động một ngân hàng thương mại để xem xét xin tham gia tái cơ cấu. Đến một số chi nhánh trọng điểm, cán bộ ở đây cho biết: hễ có thông tin xấu xuất hiện trên thị trường, nhiều khách đến rút tiền ngay, nhưng có thông tin tích cực thì tiền gửi lại trở lại.

“Đồng tiền liền khúc ruột. Tâm lý người gửi tiền rất nhạy cảm và dễ bị tác động”, đại diện nhà đầu tư trên nhận xét.

Trở lại câu chuyện với vị lãnh đạo ngân hàng đang tái cơ cấu nói trên, sự nhạy cảm được đo đếm bằng tiền, mà ông gọi là “những đồng tiền chết”.

“Là nguyên tắc, mỗi khi xuất hiện thông tin xấu, hoặc có những mũi nhọn thông tin nào đó hướng về ngân hàng, chúng tôi buộc phải dồn ngay vốn phòng thủ để đảm bảo tối đa cho thanh khoản, đáp ứng nhu cầu rút tiền bất chợt. Bởi vì một khi không chuẩn bị, không đáp ứng được nhu cầu rút tiền trước hạn, tâm lý người gửi tiền càng loang rộng, rồi nếu vỡ thanh khoản thì không thể tự cứu nổi”, lãnh đạo ngân hàng trên cho biết.

Quý 1/2017, ngân hàng trên có lãi suất khá ổn định, tín dụng vẫn tăng đều, nhưng lợi nhuận bị ảnh hưởng rõ vì chi phí đội lên. Trong kỳ, trước những thông tin nhạy cảm xuất hiện, họ đã phải phanh các dòng vốn, dồn về che đỡ thanh khoản. Đó là “những đồng vốn chết”.

Hoạt động ngân hàng, dòng vốn luôn luân chuyển, vận động để tìm cách sinh lời. Khi bị dồn cục để phòng ngừa như trên, nhiệm vụ sinh lời của chúng bị cắt bỏ, phập phồng nằm im trước khả năng người gửi tiền có phản ứng tiêu cực.

Vốn nằm im, chi phí tăng lên, chưa nói có thể còn phải nâng lãi suất huy động để thuyết phục người gửi; tác động của tin xấu càng dài, chi phí càng lớn. Nói ngân hàng tái mặt trước những thông tin nhạy cảm là vậy.

Trong dự thảo đề án luật tái cơ cấu và xử lý nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai, đảm bảo tối đa an toàn tiền gửi, lợi ích của người gửi tiền là thông điệp được nhấn mạnh. Trong đó, yêu cầu đảm bảo đặt cả tình huống vay tiền để trả người gửi nếu cho phá sản ngân hàng…

Trong các sự cố tiêu cực hoặc thông tin nhạy cảm tại một ngân hàng thương mại nào đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thường nhanh chóng có thông điệp bảo đảm tiền gửi người dân.

Chung quy, những dẫn giải trên đều với thực tế tại Việt Nam: sức mạnh của tiền gửi và tâm lý người gửi tiền có ảnh hưởng quá lớn.

Trước hết, Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế nặng nợ. Lượng vốn tín dụng suốt những năm qua luôn duy trì ở mức cao, tới 110-120% GDP. Nâng đỡ cho đòn bẩy vốn nay chủ yếu là nguồn lực tiền gửi.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối 2016, tổng dư nợ cho nền kinh tế đã lên tới quy mô 5,5 triệu tỷ đồng, trong khi đó tổng nguồn vốn tự có của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ có 639.661 tỷ đồng. Theo đó, phần lớn còn lại chủ yếu dựa vào nguồn lực tiền gửi.

Như trên, trước các thông tin nhạy cảm, nguồn lực tiền gửi bị tác động. Trong tình huống có tác động mạnh, mất thanh khoản, hệ lụy đối với nền kinh tế nhanh chóng lan sang tín dụng, lãi suất, chi phí của nền kinh tế và xáo trộn xã hội…

Hay như ở ví dụ ngân hàng tái cơ cấu nói trên, chỉ riêng phản ứng phòng thủ thanh khoản trước những thông tin nhạy cảm xuất hiện, “những đồng vốn chết” đột ngột dồn lại phòng thủ cho thanh khoản cũng đã khiến chi phí đội lên, hiệu quả kinh doanh sụt xuống và vốn cho vay ra tắc nghẽn. Nếu phản ứng này mở rộng, không chỉ hệ thống ngân hàng, mà hệ quả sau đó thì cả nền kinh tế chịu.

Đọc tiếp »

Ông Nguyễn Đức Hưởng rời vị trí Phó chủ tịch LienVietPostBank

Chiều 24/4, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường để thay đổi nhân sự cao cấp và lên kế hoạch tăng vốn.

Tại đại hội này, LienVietPostBank đã thông qua việc miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị và ông Phạm Hải Âu, Trưởng ban Kiểm soát.

“Tuy nhiên, việc thay đổi nhân sự này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của LienVietPostBank. Dù không giữ cương vị Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị, ông Nguyễn Đức Hưởng vẫn tham gia hoạt động của LienVietPostBank với vai trò cố vấn cao cấp. Ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ tập trung các công việc quan trọng của Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam trong thời gian tới với vai trò Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội và theo phân công, biệt phái nhận nhiệm vụ mới của Ngân hàng Nhà nước (nếu có)”, thông cáo của LienVietPostBank cho biết.

Bên lề đại hội, ông Hưởng cho biết, sau khi rời LienVietPostBank, ông sẽ tiếp tục tập trung và bám sát đề án phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam, đề án mà LienVietPostBank và công ty Him Lam triển khai từ hai năm qua.

Ông Hưởng cũng cho biết đang lên kế hoạch đầu tư tại khu vực Tây Bắc để xây dựng mô hình trồng mắc-ca mẫu của riêng mình. Ngoài ra, tại Tây Nguyên, ông cũng đã có vườn giống mắc-ca được xây dựng với mục đích từ thiện, cung cấp cây giống miễn phí cho các hộ dân tham gia dự án.

Tại đại hội trên, LienVietPostBank đã thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi của LienVietPostBank năm 2017 và phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành trái phiếu chuyển đổi.

LienVietPostBank được thành lập vào năm 2008. Ông Nguyễn Đức Hưởng là một trong những lãnh đạo cao cấp tham gia sáng lập và điều hành ngân hàng này suốt từ những ngày đầu.

Là một trong những ngân hàng trẻ nhất Việt Nam, nhưng đến nay LienVietPostBank đã trở thành ngân hàng thương mại cổ phần (không có tỷ lệ sở hữu chi phối của Nhà nước) có mạng lưới mạnh nhất hệ thống, với chi nhánh được thiết lập tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước, có hơn 1.000 phòng giao dịch bưu điện và quyền khai thác hơn 10.000 điểm giao dịch trên mạng lưới bưu điện đến tận cấp huyện, xã.

Tính đến 31/3/2017, tổng tài sản của LienVietPostBank đã đạt trên 138.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn trên 127.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 93.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt gần 470 tỷ đồng.

Đọc tiếp »

Khẩu vị rủi ro Vietcombank đang thay đổi

Cuối tuần này Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên. Trước thềm đại hội, Vietcombank đã họp bàn tất cả các khu vực kinh doanh trên cả nước.

Tổng kết, các khu vực tính toán, năm nay triển vọng sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận.

Khi đã nhẹ bước

Năm 2017, Vietcombank đặt chỉ tiêu đạt 9.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đó là chỉ tiêu an toàn. Trong phương án tốt hơn, con số có thể lên tới 9.500 tỷ và 10.000 tỷ đồng cũng nằm trong tầm với, với điều kiện không có những biến động bất lợi lớn từ nền kinh tế hoặc từ thị trường quốc tế.

Nếu đạt 10.000 tỷ, lần đầu tiên một ngân hàng thương mại Việt Nam lập được kỷ lục lợi nhuận cao như vậy.

Song, trao đổi với VnEconomy trước thềm đại hội, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank từ chối nói về lợi nhuận. Có lẽ đây là điểm “khó nói”, vì triển vọng lợi nhuận cao đó đặt trong bối cảnh kinh tế chung còn khó khăn, doanh nghiệp vẫn còn vay với lãi suất chưa thực sự dễ chịu…

Tuy nhiên, hai năm qua Vietcombank luôn áp lãi suất huy động thấp nhất thị trường, đi đầu trong các đợt giảm lãi suất cho vay; tỷ lệ sử dụng vốn ở mức khá thấp cũng như tỷ trọng thu lãi từ tín dụng đã giảm bớt mà thay bằng tăng thu phi tín dụng và đầu tư.

Mặt khác, sau khi đã trích lập hết dự phòng rủi ro, mua lại hết nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) năm 2016, từ 2017 ngân hàng này thực sự nhẹ bước để có lợi nhuận khả quan hơn; thậm chí, càng tăng thu hồi và xử lý nợ xấu thì càng hoàn nhập dự phòng vào lợi nhuận.

Dù “khó nói”, nhưng dự kiến tại đại hội tới Vietcombank vẫn phải báo cáo cụ thể với cổ đông. Và theo chia sẻ của ông Nghiêm Xuân Thành, trong lợi nhuận năm nay, một phần phản ánh khẩu vị rủi ro của Vietcombank đang thay đổi.

Cơ cấu lại nguồn thu

Vẫn như thể hiện những năm gần đây, sau khi tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, Vietcombank càng có điều kiện để giám sát chất lượng nợ. Theo đó, nếu có khoản nợ nào đó có biểu hiện “nhấp nháy”, Vietcombank sẽ xem xét trích lập luôn. Đây cũng tiếp tục phản ánh khẩu vị rủi ro cao hơn.

Thứ nữa, cơ cấu cho vay dự kiến cũng sẽ có điều chỉnh, bởi phải đi cùng với dung lượng của các điều kiện.

Một mặt, Vietcombank muốn đẩy mạnh tín dụng và nguồn thu ở đây về số lượng cũng không được như mong muốn chủ quan. Ngân hàng Nhà nước có cơ chế chặt chẽ trong giao chỉ tiêu tăng trưởng, năm nay bước đầu họ chỉ được 16%.

Mặt khác, như thể hiện ở các ngân hàng thương mại có tỷ lệ sở hữu nhà nước chi phối, những điều kiện chưa thuận lợi trong tăng vốn dẫn đến hệ số an toàn vốn (CAR) chưa cải thiện rõ. CAR có hạn chế thì khó mở rộng tín dụng.

Ứng xử với điều kiện trên, ngân hàng có thể dịch chuyển cho vay theo hướng giảm bớt tỷ trọng các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao (tham số tính CAR), tập trung hơn ở các lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp hơn. Theo đó, khẩu vị rủi ro cũng thay đổi, cơ cấu cho vay thay đổi.

Cũng liên quan đến CAR, ngân hàng cũng sẽ đẩy vốn vào lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp hoặc không bị nhiều ảnh hưởng như ở hoạt động đầu tư vào giấy tờ có giá, trái phiếu Chính phủ, đầu tư ra nước ngoài, kinh doanh ngoại tệ…

Lượng bị hạn chế thì chất lượng tín dụng cần tăng cường để bù đắp. Ngân hàng có thể hướng đến nhóm khách hàng có tỷ lệ lãi biên cao hơn. Điều này thể hiện rõ ở Vietcombank khi tín dụng bán lẻ bắt đầu tăng trưởng mạnh và có đóng góp lớn dần trong cơ cấu từ năm 2016. Cùng đó, tỷ trọng thu từ phi tín dụng cũng có xu hướng tăng lên, ở nhóm có tỷ trọng hàng đầu trong hệ thống.

Và như ông Nghiêm Xuân Thành nêu quan điểm từ trong năm 2016, Vietcombank sẽ nói không với hoạt động doanh nghiệp đi kinh doanh tài chính, vay tay trái gửi tay phải, mà ở đây cũng liên quan đến hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng.

Đó là những trường hợp doanh nghiệp lớn, có hạng mức tín nhiệm cao có hiện tượng đi vay lãi suất chỉ từ 3-4%/năm, rồi gửi ở ngân hàng khác 5-6%/năm để nắm chênh lệch. Cho vay loại này, ngân hàng vừa cạnh tranh quá mức, không hiệu quả trực tiếp trong sử dụng vốn, vừa mất đi tỷ trọng tăng trưởng tín dụng được giao - đang phải đong đếm từng ngày.

Thực tế tại Vietcombank, quý 1 vừa qua tăng trưởng tín dụng đã đạt rất cao, ước tính tới 8%, nên việc chọn lọc và đong đếm trên sẽ càng chặt chẽ hơn các quý tới.

Đọc tiếp »

Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ đã “sáng” hơn

Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc của khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn giữ được ở mức 2 con số trong năm 2016, dù cạnh tranh gay gắt. Các doanh nghiệp bảo hiểm thay vì chạy theo doanh thu bằng mọi giá như trước đây đã thay đổi chiến lược, tập trung vào hiệu quả kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp.

Trong tổng doanh thu phí bảo hiểm của cả năm 2016 ước đạt 86.049 tỷ đồng, phi nhân thọ đóng góp 36.996 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43%. So với tốc độ tăng trưởng của cả thị trường (tăng 22,64%) và của nhân thọ (31,8%) thì mức tăng 15,10% của phi nhân thọ vẫn còn thấp.

Trong khi đó, cùng với áp lực mở cửa thị trường với sự tham gia của ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp ngoại và sự mở rộng của các doanh nghiệp nội, cuộc cạnh tranh để giữ thị phần của những người cũ và xác định vị thế của những người mới, vì thế chưa bao giờ nguội.

Thị phần năm 2016 có sự dịch chuyển nhẹ

Tại Hội nghị thường niên ngành bảo hiểm năm 2017 diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, lãnh đạo Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính đánh giá cao những nỗ lực của khối bảo hiểm phi nhân thọ trong điều kiện kinh doanh hiện nay.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã chú trọng đến việc phát triển mạng lưới hoạt động và đa dạng hoá sản phẩm bảo hiểm. Số lượng chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập mới trong năm tăng cao, hơn 50 chi nhánh.

Nỗ lực này đã phần nào giúp cho doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường tăng lên, tỷ lệ bồi thường giảm xuống.

Đặc biệt, số lỗ về hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm, đi kèm với đó là số doanh nghiệp bảo hiểm có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng so với năm 2015, góp phần nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cơ cấu trong doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2016 vẫn không có nhiều thay đổi. Phần lớn thị phần vẫn nằm trong tay top đầu: Bảo hiểm PVI, Bảo Việt, Bảo Minh, PTI và PJICO.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, dẫn đầu thị trường là Bảo hiểm PVI với doanh thu bảo hiểm gốc đạt 6.658 tỷ đồng, chiếm 18% thị phần, tiếp đến là Bảo Việt đạt 6.622 tỷ đồng, chiếm 17,90% thị phần, Bảo Minh đứng thứ ba với 3.102 tỷ đồng, chiếm 8,38% thị phần, PTI đứng thứ tư với 3.096 tỷ đồng, chiếm 8,37% thị phần, PJICO đứng thứ năm đạt 2.494 tỷ đồng, chiếm 6,74% thị phần.

Ngoài các doanh nghiệp bảo hiểm nêu trên, một số doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trên 50% so với cùng kỳ năm 2015 như UIC (673 tỷ đồng, tăng 95,96%), Phú Hưng (98,15 tỷ đồng, tăng 88,25%), VNI (462 tỷ đồng, tăng 50%), BHV (217 tỷ đồng, tăng 67,55%), VBI (707 tỷ đồng, tăng 40,61%), Cathay (177 tỷ đồng, tăng 57,41%).

Một số doanh nghiệp bảo hiểm khác có doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm so với cùng kỳ năm 2015 là Samsung Vina (1.039 tỷ đồng, giảm 17,54%) và Chubb (152 tỷ đồng, giảm 12%).

Tổng số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 13.137 tỷ đồng (chưa tính dự phòng bồi thường), chiếm tỷ lệ 36%, thấp hơn tỷ lệ bồi thường năm 2015 (44%). Có 19/30 doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường.

Chú trọng vào hiệu quả kinh doanh bền vững

Cùng với tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2016 dường như đã cải thiện hơn khi số lượng doanh nghiệp có lãi nhiều thêm.

Theo số liệu công bố từ cơ quan quản lý, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2016 đã tăng lên 17/30 thay vì chỉ 13/30 như kết quả của năm 2015. 13 công ty còn lại trong tình trạng lỗ kinh doanh bảo hiểm cho thấy thách thức cạnh tranh trên thị trường này vẫn chưa hạ nhiệt.

Trong khi hoạt động kinh doanh lõi được cải thiện thì hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ không được may mắn.

Lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục sụt giảm do tình hình đầu tư không có nhiều tích cực, đạt 1.353 tỷ đồng, giảm 8,8% so với năm 2015.

Lợi nhuận kế toán trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2016 ghi nhận ở mức 1.405 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2015.

Tỷ suất lợi nhuận kế toán trước thuế trên vốn chủ sở hữu của thị trường phi nhân thọ cũng giảm nhẹ, đạt 6%, thay vì mức 6,5% của năm 2015. Tổng hợp lại có 25/30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và chi nhánh nước ngoài có lãi trước thuế, trong khi con số này ở 2015 là 24/30 doanh nghiệp bảo hiểm.

Trước kết quả của năm 2016 và những diễn biến khó đoán định của năm 2017, doanh nghiệp khối phi nhân thọ khá thận trọng trong định hướng kinh doanh. Lựa chọn của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong thời gian tới đây là tập trung tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, dịch vụ khách hàng và quản lý điều hành, chú trọng vào hiệu quả kinh doanh.

Chỉ một số doanh nghiệp lớn, có thế mạnh mới đủ dũng cảm và bản lĩnh để tiếp tục tăng cường mở thêm chi nhánh vì đây không phải là một bài toán dễ giải. Việc tập trung vào công tác quản lý khai thác, giám định bồi thường nhằm kiểm soát chặt chẽ và giảm tỷ lệ bồi thường cũng sẽ được các doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh.

Tăng cường công tác quản lý, giám sát

Năm 2017, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đặt mục tiêu tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm là 73.507 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2016. Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc dự kiến là 40.087 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2016.

Theo đó, để hoàn thành mục tiêu đề ra, cơ quan quản lý bảo hiểm cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển một số sản phẩm bảo hiểm mới, tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng kết hợp giữa giám sát từ xa và tăng cường trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ổn định.

Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan quản lý cũng yêu cầu doanh nghiệp sớm nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới mang tính đột phá, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của khách hàng, các sản phẩm bảo hiểm mang tính an sinh, xã hội cao, có phạm vi và tác động lớn tới đời sống kinh tế - xã hội, nghiên cứu phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các kênh phân phối.

Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần nâng cao hiệu quả công tác quản trị tài chính, quản trị kinh doanh, tăng cường kỷ luật và hiệu quả quản lý tài sản, quản lý chi tiêu tài chính, rà soát các danh mục đầu tư, đảm bảo hoạt động đầu tư an toàn, hiệu quả... nhằm sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đọc tiếp »

Bắt thêm 4 bị can trong vụ DongA Bank

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an vừa khởi tố bị can đối với các đối tượng trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank).

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho biết đang thụ lý điều tra vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại DongA Bank.

Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được, ngày 21/4/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét, đối với:

- Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, nguyên Phó tổng giám đốc DongA Bank, về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 140 và 165 Bộ luật Hình sự.

- Ông Nguyễn Đức Tài, nguyên Giám đốc Sở Giao dịch DongA Bank, về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật Hình sự.

- Ông Nguyễn Văn Thuận, nguyên Phó giám đốc Sở Giao dịch DongA Bank, về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật Hình sự.

- Ông Trần Thế Hùng, nguyên Thủ quỹ Sở Giao dịch DongA Bank, về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật Hình sự.

Cũng trong ngày 21/4/2017, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thực hiện việc tống đạt các quyết định và thi hành lệnh bắt, khám xét theo quy định.

Trước đó, vào tháng 12/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với một số cán bộ nguyên là lãnh đạo của DongA Bank do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có ông Trần Phương Bình - nguyên Tổng giám đốc, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - nguyên Phó tổng giám đốc, và 3 nhân viên có liên quan.

Đọc tiếp »