Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Sacombank khát thời gian

Sau khi lùi lịch họp từ 28/4 sang 26/5, đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2015-2016 của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có y lịch hẹn hay không?

Câu hỏi đặt ra vì vẫn không loại trừ khả năng lùi tiếp. Vì hiện tại Sacombank đang khát thời gian, mà van nguồn chưa được mở để nhanh chóng chuẩn bị cho các điều kiện tổ chức đại hội.

Tình thế đặc biệt

Phục vụ đại hội, ngân hàng cần có báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Sacombank vẫn chưa thể hoàn thành cho năm 2015 và 2016. Nguyên do, việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) đã gây trở ngại lớn trong hoàn tất hạng mục này cho đến nay.

Dù vậy, Sacombank vẫn đều đặn cập nhật tình hình tài chính. Đến cuối quý 1/2017, nợ xấu theo cập nhật giảm đáng kể, từ 5,35% cuối 2016 xuống 4,88%. Tuy nhiên, nếu xem xét cả phần nợ xấu đã bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cùng lượng tiềm ẩn trong quy mô lớn của các khoản phải thu và lãi dự thu, tỷ lệ sát thực sẽ ở mức rất cao.

Áp lực đặt ra, nếu thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo đúng hạng mức cho lượng lớn trái phiếu VAMC, thoái lãi dự thu, tới đây Sacombank sẽ gặp khó khăn trong cân đối tài chính.

Sự lưỡng lự trong hoàn tất báo cáo tài chính được kiểm toán một phần gắn với tình thế đặc biệt của ngân hàng này.

Một mặt, như Chủ tịch Sacombank Kiều Hữu Dũng khẳng định gần đây, Sacombank không phải là một ngân hàng yếu kém.

Thực tế, trước khi sáp nhập Southern Bank, đây là một ngân hàng mạnh, hàng đầu trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Các chỉ tiêu tổng tài sản, huy động, cho vay vẫn tăng trưởng suốt gần hai năm sau sáp nhập. Hệ thống thống kê theo “Sacombank lõi” (tách yếu tố Southern Bank) cho thấy kết quả kinh doanh vẫn khá ấn tượng ở nhiều chỉ tiêu.

Kết quả trên rất đáng chú ý, khi mà Sacombank thường xuyên bị thử thách bởi nhiều thông tin bất lợi có trên thị trường, vẫn chống chọi, vượt qua và có các con số tăng trưởng.

Mặt khác, gộp các vấn đề tài chính Southern Bank chuyển giao, tình thế của Sacombank lại trở nên khó khăn, không thể ngay lập tức gánh trọn những gánh nặng chuyển giao lên cùng một bản báo cáo tài chính, mà qua đó phủ nhận hết sức mạnh của “Sacombank lõi”.

Nhìn lại, nếu hai năm trước, nếu không có cuộc sáp nhập vào Sacombank, hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể đã đối diện với một tình huống “ngân hàng 0 đồng”. Nếu Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc thì gánh nặng trực tiếp đối với Nhà nước sẽ cộng thêm cho đến nay, bài toán tái cơ cấu và khôi phục nhóm ngân hàng mua lại bắt buộc này càng thêm nan giải. Nếu không mua lại bắt buộc Southern Bank, rủi ro đối với hệ thống từ Southern Bank liệu có được kiểm soát thay vì dồn hết về Sacombank?

Phạm vi của ảnh hưởng

Nếu Sacombank được định rõ là một ngân hàng yếu kém, hay nói theo thuật ngữ trong văn bản pháp lý là “khó khăn tài chính”, thì tình thế đã khác.

Vì theo lần lượt các văn bản pháp lý ban hành và đã cho phép, ngân hàng yếu kém sẽ được xem xét tăng thời hạn trái phiếu đặc biệt của VAMC lên 10 năm thay vì 5 năm. Tổng nợ xấu Sacombank đã bán cho VAMC đến cuối 2016 khoảng 37.000 tỷ đồng, nếu được ở diện giãn ra 10 năm như vậy, bớt dồn áp lực chi phí trích lập dự phòng, cân đối hoàn tất được báo cáo tài chính các năm 2015 và 2016 sẽ thuận lợi hơn.

Tương tự, trong tổng hơn 40.000 tỷ đồng các khoản phải thu, nếu được giãn thoái lãi dự thu theo lộ trình, Sacombank sẽ có thêm điều kiện để chủ động tốt hơn về nguồn lực tài chính hiện tại.

Trong hai giả thiết trên, có nguồn nước thời gian pha loãng áp lực, năng lực của “Sacombank lõi” với sức mạnh như đề cập ở trên, cùng cơ cấu quản trị điều hành được củng cố và ổn định, sẽ có điều kiện để từng bước hóa giải những khó khăn.

Tuy nhiên, hiện Sacombank chưa có được hai cơ chế trên để mở nguồn thời gian pha loãng mặn đắng của nợ xấu và lãi dự thu - chủ yếu từ nhận sáp nhập Southern Bank. Nói Sacombank khát thời gian là vậy.

Nếu không mở nguồn cơ chế thời gian, áp lực hạch toán nợ xấu, thoái lãi dự thu và trích lập dự phòng dồn lại sẽ hút cạn năng lực tài chính Sacombank hiện có. Khi đó, những tác động của khó khăn có thể vượt cả phạm vi của một ngân hàng nếu thị trường chứng khoán và hoạt động gửi tiền có phản ứng bất lợi. Bởi vì, nếu năng lực tài chính bị hút cạn như vậy, việc hoàn thành báo cáo tài chính và tổ chức họp đại hội đồng cổ đông sẽ càng khó đúng lịch hẹn 26/5 tới, các tiêu chuẩn an toàn hoạt động sẽ ở mức báo động.

Thậm chí, cho cuối tuần qua, ông Nguyễn Đức Hưởng, người có tên trong danh sách ứng cử Hội đồng Quản trị Sacombank dự kiến tại đại hội tới, cho biết cá nhân ông vẫn chưa chính thức quyết định tham gia vào quá trình tài cơ cấu tại đây. Vì theo ông Hưởng giải thích, nếu không có cơ chế hỗ trợ như trên trong điều kiện không có nguồn lực mới cá nhân ông cũng không tin vào kết quả tái cơ cấu sẽ thành công.

Nguồn lực mới, sau nhiều đồn đoán, đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện ở Sacombank. Và nếu có tình huống bỏ cuộc về lịch trình tổ chức đại hội, cũng như việc ứng viên mới để ngỏ quyết định tham gia tái cơ cấu như trên, Sacombank sẽ tiếp tục khó khăn. Khi càng khó khăn hơn, chất lượng hàng hóa sẽ giảm sút, tình huống mặc cả càng bất lợi; và khi đó, nguồn lực mới vào cuộc thâu tóm hoặc đầu tư sẽ nắm lợi thế hơn, chi phí bỏ ra có thể sẽ rẻ hơn.

Trước nút thắt cơ chế hỗ trợ đó, tại Nghị quyết số 36 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2017, Chính phủ đã có định hướng tháo gỡ chung cho cơ chế hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. Tại kỳ họp tới, dự kiến Quốc hội cũng sẽ có nghị quyết với các giải pháp cụ thể hỗ trợ xử lý khó khăn chung cho hệ thống, trong đó có thể có những điểm Sacombank đang khát.

Tuy nhiên, từ định hướng tới thực tế có độ trễ thời gian, trong khi lịch hẹn đại hội đồng cổ đông Sacombank đã gần kề. Nếu thêm một lần đại hội trì hoãn, niềm tin trên thị trường là có hạn.

Đọc tiếp »

Hai sự thật trong “thực tế trớ trêu” của Vietcombank

Ngay sau phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), một số nhà đầu tư tỏ ra lo lắng về kế hoạch bán vốn và giá cổ phiếu thời gian tới.

Tại đại hội ngày 28/4 vừa qua, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank đưa ra hai ý mà giới đầu tư chú ý: thứ nhất, giá cổ phiếu của Vietcombank (mã VCB) vẫn cao dù sau pha loãng; thứ hai, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài có những điều kiện mới.

Ngay sau đại hội, trên một số diễn đàn đầu tư chứng khoán, đã xuất hiện lo ngại giá cổ phiếu VCB tới đây có thể bị “đè nén” cùng tình huống nhà đầu tư nước ngoài “đè giá” để mua được giá tốt khi Vietcombank chào bán riêng lẻ.

Trước hết, quan ngại trên xuất phát từ “thực tế trớ trêu” đã thể hiện rõ trong 2016: với kết quả kinh doanh tốt, tình hình tài chính và đặc biệt kết quả xử lý nợ xấu được đánh giá sạch nhất hệ thống, giá cổ phiếu VCB liên tục tăng cao, nhưng càng tăng cao càng khiến kế hoạch bán vốn cho GIC (quỹ đầu tư Singapore) khó thành, do đối tác trả giá thấp hơn giá trên sàn.

Thứ nữa, kế hoạch phát hành tiếp tục chuyển tiếp sang 2017. Cụ thể, năm nay Vietcombank dự định tăng vốn điều lệ thêm 3.598 tỷ đồng bằng phương thức phát hành cổ phần ra công chúng và chào bán riêng lẻ cho tối đa 10 nhà đầu tư có năng lực tài chính; số lượng cổ phần chào bán tối đa là 359,8 triệu cổ phiếu (tương đương 10% số cổ phần hiện tại). Điểm chú ý là cơ chế chào bán sẽ thay đổi.

Tại đại hội trên, Chủ tịch Vietcombank gợi mở: “Theo định hướng của Chính phủ, việc giảm vốn, thoái vốn của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải đảm bảo giá chào bán dự kiến không thấp hơn giá định giá của tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp và giá đóng cửa của phiên giao dịch trên HOSE ngày liên hệ trước ngày phát hành”.

Ngay sau đó, trên diễn đàn đầu tư chứng khoán, một số nhà đầu tư đã bàn luận ngay về hướng: để đảm bảo định hướng giá trên, việc bán cho GIC sẽ theo điều kiện giá bán không thấp hơn giá của tổ chức định giá đưa ra và không thấp hơn giá giao dịch trên sàn; cùng đó, thời hạn thực hiện bán cho GIC có hiệu lực trong vòng một năm, để có điều kiện lựa chọn thời điểm theo diễn biến của thị trường. Trong cái khó ló cài khôn, cả hai hướng này gộp lại cùng tạo khả năng phát hành thành công cao hơn phương án năm ngoái.

Hiện chưa có thông tin chấp thuận cơ chế bán nói trên từ phía cơ quan quản lý, hay chưa thể xác định cụ thể nếu thực hiện thì giao dịch bán cho GIC trong khoảng thời gian nào… Nhưng quan ngại giá cổ phiếu VCB bị nhà đầu tư “đè” để mua được giá tốt trong kế hoạch phát hành trên là đã hiện hữu trong tranh luận của nhà đầu tư.

Quan ngại đó không phải ngẫu nhiên, mà đã phảng phất trong chuỗi giao dịch cổ phiếu VCB trên sàn thời gian gần đây.

Dữ liệu thống kê cho thấy, từ ngày 14/4/2017 đến cuối tuần qua, khối đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng cổ phiếu VCB. Đỉnh điểm trong tuần qua, khối này đã bán ròng tới 104,3 tỷ đồng giá trị cổ phiếu VCB, trong khi mua ròng 279,1 tỷ đồng trên toàn thị trường; tuần liền trước họ mới chỉ bán ròng cổ phiếu này 18,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong các phiên giao dịch ngày 27 và 28/4, hoạt động bán ra liên tục, mạnh và dứt khoát cổ phiếu VCB, chiếm áp đảo gần như lượng bán ra trong phiên, đến từ khối đầu tư nước ngoài.

Hoạt động bán ròng và đặc biệt dồn dập những phiên gần đây của nhà đầu tư nước ngoài được xem là một tác nhân chính khiến giá cổ phiếu VCB xuyên thủng mốc 35.000 đồng.

Trên diễn đàn, có nhà đầu tư tính toán, với quy mô giao dịch ở mức phổ biến dưới 1 triệu đơn vị/phiên, nhà đầu tư nước ngoài có khả năng dồn bán ra “đè giá” để tìm cơ hội mua giá tốt trong lượng 359,8 triệu cổ phiếu mà Vietcombank dự kiến chào bán nói trên.

Tuy nhiên, quan ngại và dò đoán có lẽ chỉ khiến cổ phiếu VCB thêm phần được chú ý và kế hoạch bán vốn cho GIC hoặc riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài khác… thêm phần kịch tính. Vì tham số quan trọng ở đây là cơ chế bán, thời điểm bán cụ thể thế nào, khi nào vẫn chưa được xác định.

Ngược lại, có hai sự thật trong diễn biến giá cổ phiếu VCB và “thực tế trớ trêu” tại Vietcombank.

Thứ nhất, nếu đúng như quan ngại trên mà một số nhà đầu tư đặt ra, cũng như giao dịch khác thường của khối đầu tư nước ngoài gần đây, nếu muốn “đè giá” cổ phiếu VCB, đương nhiên phải có sẵn lượng cổ phiếu lớn trong tay. Sự thật là nếu có mục đích “đè giá”, khối đầu tư nước ngoài có “đạn” để bắn mãi vậy không?

Thứ hai, giá cổ phiếu VCB còn phụ thuộc và gắn nhất định vào chất lượng và tình hình hoạt động của Vietcombank. Ở đây, sự thật lại khác: ngân hàng này đang hướng tới một năm hiệu quả nhất trong lịch sử.

Sau khi đã mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC về, đã trích lập dự phòng tới 121% số dư nợ xấu, lợi nhuận năm nay của Vietcombank là khó kìm. 2017 ngân hàng này đặt kế hoạch 9.200 tỷ đồng lợi nhuận, song lãnh đạo cao cấp Vietcombank từng chia sẻ mới đây kết quả cuối cùng có thể tới 9.500 tỷ đồng, thậm chí mức 10.000 tỷ đồng cũng không quá xa tầm với.

Dĩ nhiên, đó là những con số mục tiêu trong điều kiện khách quan thị trường không có biến động, xáo trộn quá bất lợi hoặc bất thường, hoặc không có những biến cố lớn và bất lợi từ thế giới…

Còn nội tại Vietcombank, duy nhất đến thời điểm này, rủi ro lớn nhất chỉ là một sự cố pháp lý tại một chi nhánh ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, sự cố này xẩy ra trước đây, đã được khắc phục về mặt cơ cấu nhân sự và chủ động trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ từ sớm.

Đọc tiếp »

Giá vàng giảm, giá USD tăng sau kỳ nghỉ

Giá vàng thế giới đi xuống, khiến giá vàng miếng trong nước sáng nay (3/4) giảm hơn 100.000 đồng/lượng so với trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày. Giá USD tự do và ngân hàng cùng tăng nhẹ.

Lúc gần 10h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,66 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,74 triệu đồng/lượng (bán ra). So với trước kỳ nghỉ 30/4-1/5, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 140.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty PNJ báo giá vàng miếng SJC ở mức 36,6 triệu đồng/lượng và 36,79 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Trong thời gian nghỉ lễ vừa qua, giá vàng thế giới biến động chậm và thiên về giảm do thiếu lực hỗ trợ và không có yếu tố tác động rõ rệt. So với trước nghỉ lễ, giá vàng thế giới hiện giảm khoảng 8 USD/oz.

Chốt phiên ngày 2/5 tại New York, giá vàng giao ngay tăng 0,8 USD/oz, lên 1.257,9 USD/oz. Lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại châu Á giảm 0,8 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, còn 1.257,1 USD/oz.

So với giá vàng SJC bán lẻ, giá vàng thế giới quy đổi khoảng 2,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới hiện đang ở vùng thấp nhất trong 5 tuần. Một số dữ liệu khả quan về kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây, trong đó có số liệu về ngành sản xuất, khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất.

Ngày 2/5, FED đã bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, nhưng khả năng FED tăng lãi suất trong cuộc họp lần này gần như bằng 0. Thay vào đó, giới đầu tư chờ đợi tuyên bố sau cuộc họp của FED để xác định đường đi của lãi suất cơ bản đồng USD trong những tháng sắp tới.

Ngoài ra, trên phương diện kỹ thuật, giá vàng đã để mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.258,62 USD/oz nên đối mặt nguy cơ giảm sâu hơn. Tháng trước, giá vàng có lúc gần chinh phục được mốc 1.300 USD/oz, cao nhất trong 5 tháng, nhưng bất thành.

Tỷ giá đồng USD trên thị trường quốc tế sáng nay đi xuống. Chỉ số Dollar Index giảm còn 98,909 điểm, từ mức trên 99 điểm vào đêm qua trong phiên Mỹ.

Trong nước, giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 22.740 đồng (mua vào) và 22.760 đồng (bán ra), tăng 10 đồng so với trước nghỉ lễ.

Giá USD niêm yết sáng nay tại ngân hàng Vietcombank là 22.710 đồng và 22.780 đồng, tương ứng giá mua và giá bán, tăng 20 đồng so với trước kỳ nghỉ. Eximbank báo giá ngoại tệ này ở mức 22.680 đồng và 22.780 đồng, cũng tăng 20 đồng.

Đọc tiếp »

Chính phủ sẽ vay 342 nghìn tỷ, trả nợ 260 nghìn tỷ trong năm 2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2017.

Cụ thể, theo nguồn tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt kế hoạch vay của Chính phủ năm 2017 là 342.060 tỷ đồng, gồm: vay trong nước 243.300 tỷ đồng và vay ODA, ưu đãi nước ngoài 98.760 tỷ đồng, trong đó vay cho cân đối ngân sách Nhà nước 316.300 tỷ đồng (vay để bù đắp bội chi là 172.300 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc 144.000 tỷ đồng); vay về cho vay lại 25.760 tỷ đồng.

Thủ tướng cũng phê duyệt kế hoạch trả nợ của Chính phủ năm 2017 là 260.150 tỷ đồng, trong đó: trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2017 là 242.900 tỷ đồng; trả nợ của các dự án cho vay lại 17.250 tỷ đồng.

Phê duyệt hạn mức được Chính phủ bảo lãnh và vay thương mại trung dài hạn nước ngoài của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả năm 2017, bao gồm: hạn mức phát hành trái phiếu trong nước được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tối đa 9.250 tỷ đồng; hạn mức bảo lãnh vay trong nước (rút vốn ròng) được Chính phủ bảo lãnh của các dự án trọng điểm quốc gia tối đa là 8.000 tỷ đồng; hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh tối đa là 700 triệu USD; hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả tối đa là 5.500 triệu USD; hạn mức vay của chính quyền địa phương tối đa là 23.857 tỷ đồng.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát lại sự cần thiết và hạn mức Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 25.145 tỷ đồng, phù hợp định hướng tái cơ cấu VDB Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ thời gian tới.

Bên cạnh đó, báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội bổ sung dự toán đối với các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho hỗ trợ ngân sách nhà nước chung, khả năng triển khai và giải ngân nhanh trong năm 2017 trong trường hợp vượt dự toán được duyệt.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ dứt điểm vốn đầu tư xây dựng cơ bản của các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi chưa phân bổ trong mức dự toán 60.000 tỷ đồng được Quốc hội phê duyệt; báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội trong trường hợp giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi thực tế năm 2017 cho xây dựng cơ bản trong cân đối ngân sách Nhà nước vượt quá 60.000 tỷ đồng.

Giao Ngân hàng Nhà nước giám sát việc vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả trong hạn mức được duyệt.

Đọc tiếp »

Vàng giảm giá chóng mặt sau cuộc họp FED

Sau khi quyết định giữ nguyên lãi suất được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố, giá vàng thế giới “bốc hơi” gần 20 USD/oz, kéo giá vàng miếng trong nước sáng nay (4/5) xuống mức thấp nhất trong 1 tháng. Giá USD tự do và ngân hàng cùng giữ ổn định.

Lúc hơn 9h sáng nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,53 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 120.000 đồng mỗi lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn 999,9 các thương hiệu như Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu, nhẫn Phú Quý của Phú Quý… có giá dao động 34,1-34,32 triệu đồng/lượng (mua vào) và 34,7-34,77 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,32 triệu đồng/lượng và 36,55 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Dù chịu áp lực giảm từ giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước đang giảm chậm hơn đáng kể. Điều này khiến chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới bị kéo giãn rộng.

Cụ thể, sáng nay, giá vàng SJC bán lẻ cao hơn giá vàng thế giới quy đổi trên 2,5 triệu đồng/lượng. Hồi giữa tháng 4, khi giá vàng thế giới tăng và giá trong nước tăng chậm hơn, chênh lệch có lúc rút ngắn còn 1,5-1,6 triệu đồng/lượng.

Giới kinh doanh vàng tại Hà Nội cho biết giao dịch vàng miếng những ngày gần đây kém sôi động. Tuy nhiên, việc giá vàng giảm hơn 300.000 đồng/lượng từ đầu tuần đến nay đã khuyến khích một số người đi mua vàng để tích trữ lâu dài.

Biểu đồ giá vàng của DOJI cho thấy giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này đang thấp nhất kể từ đầu tháng 4.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/5, giá vàng giao ngay tại thị trường New York sụt 19,2 USD/oz, tương đương giảm hơn 1,5%, còn 1.238,7 USD/oz.

Trong phiên châu Á sáng nay, giá vàng phục hồi nhẹ. Lúc hơn 9h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại châu Á tăng 2,4 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, đứng ở 1.241,1 USD/oz.

Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, FED giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD ở khoảng 0,5-0,75%. Việc FED không thay đổi lãi suất trong cuộc họp lần này không nằm ngoài dự báo của giới phân tích. Tuy nhiên, trong tuyên bố được đưa ra, FED duy trì quan điểm lạc quan về sức khỏe kinh tế Mỹ và phát tín hiệu có thể tăng lãi suất trong tháng 6.

Theo trang CNBC, giới đầu tư hiện đang đặt cược vào khả năng FED tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 ở mức 75%.

Tín hiệu này của FED gây áp lực giảm giá lên một loạt tài sản, từ hàng hóa cơ bản tới chứng khoán. Trong đó, giá vàng tụt xuống mức thấp nhất trong hơn 1 tháng, còn giá bạc gần chạm đáy của 4 tháng. Vàng là một tài sản không sinh lãi, nên giá vàng thường có xu hướng giảm trong môi trường lãi suất tăng, và ngược lại.

Ngoài ra, do vàng được định giá bằng USD, việc đồng bạc xanh tăng giá sau cuộc họp của FED cũng gây thêm áp lực giảm giá cho kim loại quý này. Phiên ngày 3/5 tại Mỹ, chỉ số Dollar Index tăng 0,3%. Trong phiên châu Á sáng nay, Dollar Index tăng lên gần 99,4 điểm, từ mức khoảng 99 điểm vào sáng qua.

Một số chuyên gia nói rằng giá vàng đang đối mặt sức ép giảm lớn và có khả năng tiếp tục đi xuống, về ngưỡng 1.200 USD/oz.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 22.740 đồng (mua vào) và 22.760 đồng (bán ra), không thay đổi so với hôm qua.

Giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng ổn định và đang cao hơn giá USD tự do khoảng 20-30 đồng ở chiều bán ra.

Vietcombank báo giá USD ở mức 22.710 đồng (mua vào) và 22.780 đồng (bán ra), bằng mức giá hôm qua. Eximbank niêm yết giá ngoại tệ này ở các mức tương ứng lần lượt là 22.690 đồng và 22.790 đồng, cao hơn 10 đồng so với sáng qua.

Đọc tiếp »

Giá vàng tiếp tục giảm, USD tự do tăng nhẹ

Giá vàng thế giới tiếp tục đà trượt dốc của những phiên gần đây, nhưng giá vàng miếng trong nước giảm không đáng kể. Giá USD tự do nhích nhẹ, trong khi giá USD ngân hàng giảm nhẹ.

Lúc gần 10h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,38 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,48 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ giao dịch hôm qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 30.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 10.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,3 triệu đồng/lượng và 36,52 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

So với đà giảm mạnh của giá vàng thế giới những ngày gần đây, giá vàng trong nước đang giảm cầm chừng, khiến chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới bị kéo giãn. Sáng nay, giá vàng SJC bán lẻ chênh cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 2,8 triệu đồng/lượng, từ mức chênh 2,6 triệu đồng/lượng vào sáng qua.

Hồi giữa tháng 4, khoảng cách giữa giá vàng trong nước với thế giới có lúc giảm còn 1,6 triệu đồng/lượng.

Một số nhà kinh doanh vàng lý giải vàng trong nước “giữ giá” so với với thế giới một phần do lực mua tăng lên khi giá vàng giảm. Tuần này, giá vàng miếng SJC đã giảm 400.000 đồng/lượng, khuyến khích một số nhà đầu tư nhỏ lẻ mua vào để nắm giữ lâu dài.

Theo biểu đồ giá vàng của Công ty DOJI, giá vàng miếng SJC đang thấp nhất trong 1 tháng.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 22.745 đồng (mua vào) và 22.765 đồng (bán ra), tăng 5 đồng so với sáng qua.

Ngân hàng Vietcombank hạ giá USD niêm yết 10 đồng so với sáng qua, còn 22.700 đồng (mua vào) và 22.770 đồng (bán ra). Eximbank báo giá ngoại tệ này ở các mức tương ứng lần lượt là 22.670 đồng và 22.770 đồng, giảm 20 đồng so với sáng qua.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên New York ngày thứ Năm ở mức 1.229 USD/oz, giảm 9,7 USD/oz so với đóng cửa phiên trước. Trong phiên châu Á sáng nay, lúc gần 10h theo giờ Việt Nam, giá vàng giảm 0,2 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, còn 1.228,8 USD/oz.

Đây là mức giá thấp nhất trong hơn một tháng qua của vàng thế giới. Trung tuần tháng 4, giá vàng có lúc tiến sát mốc 1.300 USD/oz, cao nhất 5 tháng.

Giá vàng cùng giá nhiều loại hàng hóa cơ bản khác đang đối mặt sức ép giảm mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 3/5 phát tín hiệu có thể tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6. Ngoài ra, giá các mặt hàng như quặng sắt, đồng, dầu thô… còn sụt giảm do nỗi lo dư thừa nguồn cung và triển vọng kém lạc quan của kinh tế toàn cầu.

Giá quặng sắt giao sau tại Trung Quốc sáng 5/5 có lúc giảm 7%, sau khi giảm 8% vào phiên hôm qua. Giá đồng đang ở mức đáy của 4 tháng, sau khi có phiên giảm mạnh nhất 20 tháng vào hôm qua. Giá dầu rớt xuống mức thấp nhất 5 tháng.

Tỷ giá đồng Euro so với đồng USD sáng nay tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng, với 1,09735 USD đổi 1 Euro. Đồng tiền chung châu Âu đang được hỗ trợ bởi dự báo ứng cử viên Emmanuel Macron, một người theo đường phái trung dung, sẽ thắng trong vòng quyết định của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra vào ngày Chủ nhật tuần này.

Đọc tiếp »

Moody’s nâng xếp hạng triển vọng VIB

Moody's vừa nâng xếp hạng triển vọng Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) từ ổn định lên tích cực.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service vừa đưa ra báo cáo khẳng định giữ nguyên mức xếp hạng của VIB và 7 ngân hàng Việt Nam, đồng thời nâng xếp hạng triển vọng tiền gửi nội tệ và phát hành tiền gửi nội tệ và ngoại tệ của VIB từ ổn định lên tích cực.

Theo báo cáo này, VIB tiếp tục nằm trong nhóm ngân hàng có chỉ số xếp hạng tín nhiệm cao nhất trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam.

Năm 2016, VIB đạt lợi nhuận trước thuế 702 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2015 và vượt 4% so với kế hoạch; Tổng tài sản đạt 104,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2015, đạt 116% kế hoạch; Tín dụng đạt gần 70 nghìn tỷ, tăng 25%.

Các chỉ số an toàn như tỷ lệ LDR và tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn lần lượt ở mức 65,6% và 47,1%, đều nằm trong ngưỡng an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Vừa qua ngân hàng đã tổ chức Đại hội cổ đông và chốt phương án chia cổ tức tương đương 44,6% vốn điều lệ, trong đó dự kiến chia cổ tức tiền mặt 5% và cổ phiếu thưởng 39,6%.

Ngân hàng cũng trình Đại hội cổ đông kế hoạch huy động vốn cấp 2 có thời hạn có thể lên đến 10 năm, với khối lượng tối đa 7.000 tỷ nhằm tăng cường hệ số CAR và các chỉ số an toàn khác cho nhu cầu hoạt động kinh doanh.

Đọc tiếp »