Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Thêm ngân hàng 100% vốn của Việt Nam lập ở nước ngoài

Ngày 9/9, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) khai trương ngân hàng con 100% vốn tại Campuchia, sau 4 năm hiện diện ở cấp độ chi nhánh.

Đây là Ngân hàng TNHH Một thành viên Sài Gòn - Hà Nội Campuchia (SHB Campuchia), đánh dấu bước mở rộng mới của SHB trong khu vực Đông Dương.

Bốn năm trước, SHB tiếp cận thị trường Campuchia ở cấp độ chi nhánh, với mức vốn đầu tư ban đầu 37 triệu USD.

Đến cuối năm 2015, hoạt động của chi nhánh SHB Campuchia đã ổn định, bền vững với những bước tăng trưởng khá nhanh: tổng tài sản đã đạt gần 240 triệu USD, tăng gấp 6,5 lần so với khi mới thành lập; huy động vốn đạt gần 21 triệu USD; dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 205 triệu USD.

Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động, chi nhánh SHB Campuchia luôn kiểm soát nợ xấu ở mức rất thấp, hiện chỉ ở mức khoảng 0,05%. Lợi nhuận cũng bước đầu đạt kết quả khả quan với trên 2 triệu USD. Mạng lưới hoạt động đã phát triển với 1 chi nhánh cấp 1 và 3 chi nhánh cấp 2.

Mới đây, SHB Campuchia được Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG và Ngân hàng Quốc gia Campuchia bình chọn là “Ngân hàng nước ngoài tiêu biểu Campuchia 2016” và “Ngân hàng SME tiêu biểu Campuchia 2016”.

Những kết quả và nền tảng trên là điều kiện cần thiết để SHB nâng cấp chi nhánh tại thị trường này thành ngân hàng con 100% vốn trực thuộc, với vị thế mới khi được hoạt động và cạnh tranh một cách đầy đủ hơn.

Ngân hàng con này có vốn điều lệ 50 triệu USD, dự kiến sẽ tiếp tục nâng quy mô vốn lên 70 triệu USD đến năm 2018 và mở rộng mạng lưới tại các tỉnh, thành phố của Campuchia.

Đây là ngân hàng con 100% vốn thứ hai của SHB tại thị trường Đông Dương sau Ngân hàng SHB Lào khai trương hồi đầu năm nay.

Cùng với SHB, hoạt động mở rộng kinh doanh ra nước ngoài qua thiết lập ngân hàng con 100% vốn trực thuộc đã có sự tham gia của một số ngân hàng khác như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín và Ngân hàng Quân đội, với hai thị trường chính là Lào và Campuchia.

Đọc tiếp »

Thủ tướng yêu cầu quy định rõ phương án đền bù rủi ro tài khoản

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 7469/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán.

Văn bản trên cho biết, trong thời gian qua, có xảy ra một vài sự cố rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán, với tài khoản của khách hàng tại các ngân hàng.

Để hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng và ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trước ngày 15/10/2016 ban hành quy định mới và cụ thể hơn.

Trong những quy định đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán cần ghi rõ trong các hợp đồng cung ứng dịch vụ nội dung cụ thể về trách nhiệm trong việc tiếp nhận thông tin từ khách hàng, thời gian xử lý, phương án đền bù đối với các trường hợp phát sinh rủi ro, sự cố trong hoạt động thanh toán.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra đảm bảo việc chấp hành các qui định của pháp luật về hoạt động thanh toán.

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước có biện pháp khuyến khích, yêu cầu các ngân hàng đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn, an ninh các dịch vụ thanh toán; tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn cụ thể cho người dân về cách sử dụng các dịch vụ thanh toán an toàn, hạn chế rủi ro và phòng tránh tội phạm.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đấu tranh, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán ảnh hưởng đến an toàn, an ninh của hệ thống thanh toán quốc gia và uy tín của hệ thống ngân hàng.

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

7 ngân hàng Việt Nam được Moody’s xét nâng tín nhiệm

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service ngày 5/9 tuyên bố xem xét nâng hạng tín nhiệm dài hạn cho 7 ngân hàng thương mại Việt Nam.

Các ngân hàng nói trên bao gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABB), Ngân hàng Thương mại Á châu (ACB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Ngoài ra, Moody’s cũng xem xét nâng hạng đánh giá tín nhiệm cơ sở (BCA) và đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (CRA) đối với 7 ngân hàng này và hai ngân hàng khác là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Moody’s cho biết động thái này phản ánh kỳ vọng rằng môi trường kinh tế và kinh doanh của các ngân hàng được cải thiện ở Việt Nam sẽ dẫn đến sự cải thiện hồ sơ tín dụng, chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của các ngân hàng, đồng thời đóng góp cho sự ổn định tương đối về nguồn vốn và thanh khoản của các ngân hàng.

Tuyên bố của Moody’s nói rằng sự cải thiện môi trường kinh tế và kinh doanh của các ngân hàng ở Việt Nam đã được thể hiện trong việc tổ chức đánh giá tín nhiệm nay nâng điểm hồ sơ vĩ mô (Macro Profile) của Việt Nam lên “yếu” từ “yếu-“ trước đó. Hồ sơ vĩ mô là điểm đánh giá những rủi ro liên quan đến môi trường kinh tế và kinh doanh của các ngân hàng.

Tuy vậy, Moody’s cho rằng hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn còn thiếu vốn trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nhanh chóng và một tỷ lệ cao những tài sản có vấn đề không phải lúc nào cũng được thể hiện trên bảng cân đối kế toán. Moody’s dự báo những thách thức này sẽ tiếp tục tồn tại trong trung hạn, bất chấp một số cải thiện.

Tổ chức này dự báo GDP thực tế của Việt Nam sẽ tăng 6% mỗi năm trong 2016 và 2017 với sự hỗ trợ của sự phục hồi nhu cầu trong nước và tăng trưởng mạnh của khu vực xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan là một nhân tố tích cực cho các ngân hàng Việt Nam, bởi điều này hỗ trợ cho thanh khoản và vốn của các ngân hàng, đồng thời cải thiện giá trị cho các tài sản xấu.

Theo Moody’s, sức mạnh thể chế của Việt Nam đã cải thiện 3 năm liên tiếp, thể hiện qua một thời gian kéo dài với mức lạm phát thấp, hiệu quả được nâng cao của Chính phủ, các quy định pháp luật và kiểm soát tham nhũng. Những yếu tố này đều đã được phản ánh trong điểm số tốt hơn mà Ngân hàng Thế giới (WB) dành cho Việt Nam trong Chỉ số Quản trị Toàn cầu (WGI), cũng như những tiến bộ gần đây trong cải cách kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và niềm tin kinh doanh được cải thiện đã đóng góp vào sự tăng trưởng tín dụng nhanh chóng ở Việt Nam, dẫn tới những lo ngại về chất lượng của các khoản tín dụng mới được các ngân hàng cấp - theo Moody’s.

Tổ chức này đánh giá rằng sự tăng trưởng tín dụng nhanh chóng là một yếu tố tiêu cực đối với chất lượng tài sản trong tương lai của các ngân hàng. Theo WB, vốn tín dụng cho khu vực tư nhân của Việt Nam do các ngân hàng trong nước cấp đã tăng lên mức 112% so với GDP trong năm 2015, một mức cao so với một quốc gia đang phát triển, từ mức 100% trong năm 2014.

Moody’s dự kiến sẽ hoàn tất việc rà soát đối với các ngân hàng trên trong vòng 90 ngày.

Đánh giá BCA và đánh giá tín nhiệm dài hạn đối với các ngân hàng gồm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank), và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) không bị ảnh hưởng bởi động thái rà soát lần này của Moody’s.

Đọc tiếp »

Quy định mới về thuế ôtô cũ và vàng trang sức

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 122/2016 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, áp dụng từ 1/9/2016.

Vàng chịu thuế suất 0%

Theo biểu thuế mới, mặt hàng đồ trang sức và các bộ phận rời của đồ trang sức bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.13), đồ kỹ nghệ và các bộ phận rời của đồ kỹ nghệ bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.14) và các sản phẩm khác bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.15) được áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% nếu đáp ứng đủ các điều kiện:

Ngoài hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định chung, phải có phiếu kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng dưới 95% do tổ chức thử nghiệm được cấp phép xác định hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ cấp (xuất trình 1 bản chính để đối chiếu, nộp 1 bản chụp cho cơ quan hải quan).

Trường hợp các mặt hàng là đồ trang sức và các bộ phận rời của đồ trang sức bằng vàng (nhóm hàng 71.13), đồ kỹ nghệ và các bộ phận rời của đồ kỹ nghệ bằng vàng (nhóm hàng 71.14) và các sản phẩm khác bằng vàng (nhóm hàng 71.15) xuất khẩu theo hình thức gia công xuất khẩu hoặc có đủ điều kiện xác định là được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu, xuất khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu thì khi làm thủ tục hải quan thực hiện theo quy định hiện hành, không phải xuất trình Phiếu kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng.

Đối với trường hợp xuất khẩu theo hình thức sản xuất xuất khẩu thì khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp phải xuất trình giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước theo quy định.

Thuế nhập khẩu xe ôtô cũ

Nghị định quy định, xe ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh dưới 1.500 cc thuộc nhóm hàng 87.03 và xe ôtô chở người từ 10 đến 15 chỗ ngồi (kể cả lái xe) thuộc nhóm hàng 87.02 áp dụng mức thuế tuyệt đối.

Xe ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh từ 1.500 cc trở lên thuộc nhóm hàng 87.03 áp dụng mức thuế hỗn hợp.

Sản phẩm hóa dầu áp thuế suất theo lộ trình

Nghị định hướng dẫn, các mặt hàng hóa dầu gồm Benzen thuộc mã hàng 2707.10.00 và mã hàng 2902.20.00; Xylen thuộc mã hàng 2707.30.00, P-xylen thuộc mã hàng 2902.43.00 và Polypropylen thuộc mã hàng 3902.10.30 và mã hàng 3902.10.90 (không bao gồm mặt hàng Polypropylen dạng nguyên sinh thuộc nhóm 98.37) áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo lộ trình.

Cụ thể, từ ngày 1/9/2016 đến ngày 31/12/2016 áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 1%.

Từ ngày 1/1/2017 trở đi, các mặt hàng này áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 3%.

Đọc tiếp »

Việt Nam vay gần 5 tỷ USD của nước ngoài trong 8 tháng

Sáng 6/9, Bộ Tài chính đã phát đi thông cáo về tình hình thu, chi ngân sách và trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2016.

Cụ thể, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước thực hiện trong 8 tháng ước đạt 649,46 nghìn tỷ đồng, bằng 64% dự toán năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó thu nội địa ước đạt 523,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ năm 2015. Thu từ dầu thô đạt 27 nghìn tỷ đồng, giảm 43,2% so cùng kỳ năm 2015.

Riêng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 173 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ thì thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt chỉ còn 96,5 nghìn tỷ đồng.

Về chi ngân sách Nhà nước, trong 8 tháng qua đã chi 770,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, chi đầu tư phát triển là 120,85 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ và viện trợ đạt 104,2 nghìn tỷ đồng, chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính khoảng 540,5 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, bội chi ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm 2016 là 121,27 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 47,7% dự toán năm.

Cũng theo báo cáo, tình hình huy động vốn cho ngân sách nhà nước 8 tháng thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước đạt 239.284,5 tỷ đồng, bằng 95,7% kế hoạch năm.

Còn huy động vốn nước ngoài, tính đến hết tháng 8/2016 Việt Nam đã đàm phán, ký kết 28 Hiệp định vay với tổng trị giá quy đổi khoảng 4.816,03 triệu USD, trong đó chủ yếu vay từ các nhà tài trợ lớn như World Bank, ADB và Nhật Bản và đã giải ngân khoảng 2.244 triệu USD.

Trong báo cáo còn ghi rõ, tính đến 25/8/2016, tổng giá trị chi trả nợ là 162.992 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước là 132.433 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 30.559 tỷ đồng.

Đọc tiếp »

Đã có khác biệt trong xử lý tài khoản “bỗng nhiên” mất tiền

Chiều 6/9, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã nhanh chóng đưa ra hướng xử lý cho một trường hợp tại Tp.HCM, chỉ ít ngày sau khi khách hàng báo mất tiền trong tài khoản.

Sau loạt vụ việc được phản ánh trong tháng 8 vừa qua, đầu tháng 9 này lại xuất hiện các trường hợp báo mất tiền trong tài khoản dù không giao dịch. Và phía ngân hàng đã có hướng xử lý tích cực hơn.

Như trường hợp trên tại Vietcombank, chủ tài khoản có thẻ ghi nợ quốc tế Visa debit, liên kết với tài khoản ATM với số dư hơn 240 triệu đồng. Khách hàng khẳng định vẫn giữ thẻ, không để lộ thông tin cá nhân về tài khoản và mã giao dịch…, không truy cập các trang web giả mạo, nhưng đầu tháng này liên tiếp nhận được tin nhắn báo số dư tài khoản mất hơn 22 triệu đồng.

Sau khi xác minh, Vietcombank đã trực tiếp làm việc với khách hàng, ứng trước khoản tiền bị mất trước khi có kết quả tra soát và xác minh cụ thể.

Sự việc trên được xử lý khá nhanh, về quy trình thủ tục cũng như yêu cầu bảo đảm lợi ích khách hàng. Đã có khác biệt so với nhiều trường hợp xẩy ra trước đây.

Trước Vietcombank, vừa qua tại Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank), sự việc khách hàng báo mất 120 triệu trong tài khoản ATM cũng được xử lý khá nhanh. Sau một tháng tiếp nhận, rà soát và kiểm tra lại các giao dịch, HDBank cam kết hoàn trả toàn bộ số tiền cho khách hàng.

Về hướng xử lý trên, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, nguyên tắc đầu tiên là ngân hàng phải bảo vệ niềm tin và quyền lợi của khách hàng một cách nhanh nhất.

“Họ gửi tiền vào mình, họ tin thì mới gửi, nên phải nhanh chóng xử lý để giữ niềm tin của họ”, ông Trung nói.

Tất nhiên, Phó tổng HDBank cho biết, ngân hàng cần một thời gian nhất định để xác định rủi ro do đâu, từ ngân hàng hay khách hàng. Nếu khách hàng không có lỗi, nguyên tắc là phải bồi hoàn.

Trong trường hợp trên, tại HDBank cũng như ở Vietcombank, việc xử lý đã nhanh hơn nhiều so với quy trình thông thường.

Cụ thể, với trường hợp rủi ro mất tiền trong tài khoản liên quan đến các đầu mối thanh toán ngoài hệ thống, với các tổ chức thẻ quốc tế, đặc biệt là các giao dịch gian lận xẩy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam…, quá trình xử lý thường mất 45-60 ngày để tra soát, truy xuất và đối chứng thông tin, đến kết luận cuối cùng, rồi mới thực hiện bồi hoàn hay không.

Trường hợp chuyển sang cơ quan điều tra, thời gian chờ đợi có thể phải kéo dài hơn nữa.

Tuy nhiên, với nghiệp vụ ngân hàng, nhiều trường hợp sớm được nhận diện lỗi thuộc về khách hàng hay không để xác định hướng xử lý.

Lãnh đạo chuyên trách một ngân hàng thương mại cũng cho biết, trong trường hợp đánh giá sơ bộ cho thấy chủ thẻ không thực hiện giao dịch, rủi ro khách quan và nhận thấy sẽ thu hồi được tiền từ các đơn vị liên quan, ngân hàng sẽ chủ động hơn trong việc bồi hoàn.

“Nhưng đây là việc điều chỉnh chính sách vì lợi ích khách hàng, ngân hàng thực hiện bồi hoàn hoặc ứng trước nhanh chóng. Còn theo quy trình trước đây, việc hoàn trả số tiền bị mất, trong trường hợp khách hàng không có lỗi, phải chờ đến khi có kết luận và xác nhận cuối cùng”, lãnh đạo ngân hàng trên cho biết.

Như vậy, sau loạt sự việc tài khoản “bỗng nhiên” mất tiền xẩy ra gần đây, phía ngân hàng bắt đầu có điều chỉnh chính sách khi xử lý, theo hướng bảo đảm tốt hơn lợi ích và thời gian cho khách hàng.

Còn với trường hợp có dấu hiệu lỗi từ khách hàng, vô tình hoặc cố ý, khách quan hay chủ quan, ngân hàng sẽ phải chờ có kết luận cuối cùng, xác định mức độ cụ thể để xử lý.

Đọc tiếp »

Giá vàng bất ngờ tăng mạnh, USD "nằm im"

Phiên tăng hơn 20 USD/oz vào đêm qua của giá vàng quốc tế kéo giá vàng miếng trong nước sáng nay (7/9) tăng lên mức cao nhất trong nửa tháng. Giá USD tự do và ngân hàng tiếp tục ổn định.

Lúc gần 10h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,47 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,55 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ giao dịch ngày hôm qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 220.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 230.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,36 triệu đồng/lượng và 36,62 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Biểu đồ giá vàng của DOJI cho thấy vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này đang có mức giá đắt nhất kể từ ngày 24/8.

Kể từ kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tới nay, giá vàng tăng khá mạnh, đến nay đã tăng khoảng 400.000 đồng/lượng so với đầu tháng. Sự tăng giá này đảo ngược xu hướng giảm giá nhỏ giọt và liên tục của vàng miếng trong tháng 8.

Giá vàng trong nước đang nhận được lực hỗ trợ của giá vàng quốc tế. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 22,7 USD/oz, tương đương tăng hơn 1,7%, chốt ở mức 1.350,4 USD/oz.

Trong phiên sáng nay tại thị trường châu Á, giá vàng giảm nhẹ. Lúc gần 10h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay hạ 0,7 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, còn 1.349,7 USD/oz.

Theo hãng tin Reuters, những số liệu kinh tế Mỹ mới nhất không khả quan như dự kiến, làm giảm triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9.

Điều này gây sức ép giảm giá cho đồng USD, theo đó làm lợi cho giá vàng - tài sản định giá bằng USD. Ngoài ra, do vàng là một tài sản không sinh lãi, giá vàng cũng được hỗ trợ trong môi trường lãi suất thấp.

Thống kê công bố hôm qua cho thấy hoạt động của khu vực dịch vụ Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 6 năm rưỡi trong tháng 8. Số đơn đặt hàng mới mà khu vực phi sản xuất của Mỹ nhận được trong tháng 8 rớt xuống đáy kể từ tháng 12/2013. Ngoài ra, chỉ số thị trường lao động của FED cũng suy giảm trong tháng 8.

Những số liệu này đã đẩy giá vàng thế giới lên mức cao nhất 2 tuần. Giá vàng quốc tế quy đổi hiện tương đương khoảng 36,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ khoảng 300.000 đồng/lượng. Mấy ngày qua, giá vàng trong nước tăng chậm so với giá vàng thế giới, khiến khoảng cách chênh lệch giá bị rút ngắn.

Sau một thời gian bán ròng, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đang mạnh tay gom vàng trở lại. Trong phiên hôm qua, quỹ này tăng khối lượng nắm giữ thêm hơn 1,5%, lên hơn 952 tấn, từ mức gần 938 tấn hôm thứ Sáu tuần trước.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn đang đặt cược khá cao vào khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 12. Bởi vậy, bất kỳ đợt tăng giá nào của vàng trong thời gian từ nay đến cuối năm cũng có thể bị hạn chế.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 22.290 đồng (mua vào) và 22.305 đồng (bán ra), không thay đổi so với đầu tuần. Ngân hàng Vietcombank giữ nguyên giá USD ở mức 22.260 đồng và 22.330 đồng, tương ứng giá mua và bán.

Đọc tiếp »