Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Cướp ngân hàng ở Trà Vinh: Vietcombank đã mua bảo hiểm

Sáng nay (27/4), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có thông tin sơ bộ về vụ cướp tại một phòng giao dịch ở Trà Vinh.

Cụ thể, vào khoảng 16h25 ngày 26/4/2017, tại phòng giao dịch Duyên Hải thuộc chi nhánh Vietcombank Trà Vinh (khóm 1, phường 1, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đã xảy ra một vụ cướp ngân hàng.

Một đối tượng bịt mặt đã bất ngờ xuất hiện tại phòng giao dịch trên, sử dụng vũ khí (nghi là súng) đe dọa, uy hiếp các nhân viên tại phòng giao dịch và cướp đi một khoản tiền mặt gồm tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ (khoảng 2 tỷ đồng).

Vietcombank cho biết, vụ việc trên không xảy ra tổn thất về người. Đối với tài sản, Vietcombank đã mua bảo hiểm đầy đủ theo quy định nội bộ của ngân hàng nên vụ việc này ngân hàng không bị tổn thất về tài chính.

Hiện tại, Vietcombank chi nhánh Trà Vinh đang phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương để cung cấp thông tin, phục vụ công tác điều tra, truy bắt.

Đọc tiếp »

Tái cơ cấu Sacombank và hai điểm gây chú ý

Ngày 26/4, Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) công bố thông tin về danh sách ứng viên Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021.

Những cái tên mới xuất hiện, trong đó thu hút sự chú ý thị trường là ông Nguyễn Đức Hưởng, người vừa từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Từ LienVietPostBank, một số thông tin bàn luận trên thị trường kết nối đến cái tên công ty Him Lam - một cổ đông lớn của ngân hàng này.

Từ những cái tên trên, có giả thiết đặt ra: liệu có tình huống LienVietPostBank cử người sang để chuẩn bị kế hoạch “thâu tóm” Sacombank hay không, công ty Him Lam - một đại gia bất động sản - cùng tham gia kế hoạch này vì tại Sacombank có nhiều địa chỉ vàng về bất động sản?

Tuy nhiên, đó lại là hai mạch giả thiết song song, tách bạch.

54% và người của Ngân hàng Nhà nước

Trước hết, ngay chữ “nhiệm kỳ” là điểm xuất phát đầu tiên. Sacombank phải tổ chức đại hội đồng cổ đông để bầu ra Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát mới cho nhiệm kỳ mới 2017-2021. Có cơ cấu nhân sự của nhiệm kỳ mới để triển khai các kế hoạch hoạt động, trong đó trọng điểm là đề án tái cơ cấu.

Đây cũng là cơ hội và thời điểm để Ngân hàng Nhà nước cử người vào, từ mà gần đây được dùng đến là “biệt phái”. Cơ quan này có quyền từ việc đại diện gần 54% vốn cổ phần Sacombank, qua đầu mối trực thuộc là Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhận ủy quyền từ nhóm cổ đông lớn khác.

Theo quy định, các nhóm cổ đông hoặc tổ chức được ủy quyền nắm tỷ lệ từ 10% cổ phần đều được quyền đề cử nhân sự để bầu vào hai cơ cấu trên. Việc nắm tới 54% là cũng là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng kiện toàn bộ máy Sacombank, sớm ổn định để đi vào xử lý những việc lớn khi thời gian không chờ đợi. Việc còn lại là chọn người mà thôi.

Ngoài ông Hưởng, trong danh sách đề cử còn có tên của hai người đến từ Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), dù hiện nay Vietcombank không hề sở hữu cổ phần Sacombank, mà được hiểu là do Ngân hàng Nhà nước tăng cường nhân lực.

Nhưng, như trên, có hai cái tên liên quan được chú ý hơn cả chứ không phải Vietcombank, là LienVietPostBank và công ty Him Lam. Tuy nhiên, người đề cử liên quan lại không đến từ cơ cấu sở hữu cổ phần của hai tổ chức đó, mà cũng do Ngân hàng Nhà nước biệt phái. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn là tổ chức có vai trò chính, với những đại diện chính trong đề cử cơ cấu nhân sự.

Thời gian qua đã có những tổ chức, nhóm nhà đầu tư đặt vấn đề mua cổ phần Sacombank, muốn có đủ tỷ lệ sở hữu quy định để đề cử người vào Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một thay đổi nào mới về tỷ lệ nắm giữ nói trên của Ngân hàng Nhà nước, cũng như không có chuyển nhượng nào sang công ty Him Lam hay LienVietPostBank.

Để thâu tóm một ngân hàng, trước hết phải nắm đủ tỷ lệ sở hữu chi phối. Muốn nắm được tỷ lệ đó thì phải mua. Ở đây, chưa ai mua và ai bán để dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu của cố đông lớn và mới.

54% cổ phần nói trên hiện là tài sản thế chấp vay vốn tại Sacombank. Như quan điểm Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh thời gian qua và áp cho hiện nay, để mua thì nhà đầu tư phải có tiền thật, tiền tươi, xác minh rõ nguồn gốc là không vay mượn. Tất cả các cá nhân, tổ chức đều có quyền vào đàm phán để mua, theo quy định của pháp luật.

Giả sử, đàm phán thành công, mua bán thành công, tiền bán cổ phần được trả nợ cho Sacombank, giải chấp số cổ phần tương ứng. Theo giả thiết đó, tỷ lệ nắm giữ của Ngân hàng Nhà nước giảm xuống, ứng với tỷ lệ sẽ rút bớt người đề cử bầu vào hai cơ cấu trên. Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ lệ 54% đó vẫn nguyên mà chưa có thay đổi để nói đến một sự thâu tóm.

Giả sử nữa, có kế hoạch thâu tóm nào đó, bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng đều được phép mua và sở hữu cổ phần Sacombank theo giới hạn pháp luật quy định. Hai cái tên LienVietPostBank và công ty Him Lam đều bình đẳng với tất cả các nhà đầu tư, miễn sao đảm bảo yêu cầu về giới hạn sở hữu, về nguồn tiền minh bạch và thật, đảm bảo giới hạn chống sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng luật đã quy định.

Trong trường hợp nhà đầu tư bất kỳ và bình đẳng như nhau có đủ tỷ lệ sở hữu quy định để đề cử nhân sự vào Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát, bước tiếp theo là Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát các tiêu chuẩn về chuyên môn, lý lịch… để xét duyệt hay không.

Nếu bước qua được tất cả các quy định trên, bán được cổ phần lấy tiền trả nợ cho Sacombank, Ngân hàng Nhà nước sẽ từng bước giảm tỷ lệ nắm giữ, tiến tới rút hẳn, trả Sacombank lại cho thị trường và các cổ đông (bao gồm các cổ đông mới vào thay thế) tự quyết định theo khung khổ pháp lý quy định mà không can thiệp vào nữa.

Nhưng diễn biến đó đến nay chưa có bất kỳ một sự dịch chuyển tỷ lệ sở hữu hay giao dịch mua bán cổ phần liên quan nào, để định hình đến một khả năng thâu tóm.

“Đất vàng” tại Sacombank hay của Sacombank?

Trả lời VnEconomy mới đây, ông Nguyễn Đức Hưởng nói rằng: nếu đúng hai đại gia Đặng Văn Thành và Dương Công Minh cùng hợp tác xử lý nợ xấu thì “thật có phước cho Sacombank”.

Sau thông tin trên, ông Hưởng bình luận thêm: “Tôi nghĩ ông Dương Công Minh cũng không có ý định khai thác bất động sản ở Sacombank vì các dự án Him Lam hiện có làm cả đời không hết. Vậy nên nếu ai đó làm Chủ tịch Sacombank mời được ông Đặng Văn Thành, ông Dương Công Minh và các đại gia bất động sản khác ở Sài Gòn cùng tham gia khai thác bất động sản để xử lý nợ xấu, thu hồi vốn là điều may mắn cho Sacombank”.

Theo ý trên, thâu tóm ngân hàng và thâu tóm bất động sản là khác nhau, hai mạch song song. Việc mua hoặc thâu tóm bất động sản tại Sacombank là bình thường, độc lập và không liên quan đến thâu tóm ngân hàng ở phương diện là chủ sở hữu lượng lớn cổ phần ngân hàng đó.

Nói đúng hơn, đất vàng ở đây là tại Sacombank chứ không phải của Sacombank. Chúng là của các khách vay vốn thế chấp, các khoản vay đã thành nợ xấu và cần xử lý. Khách vay - chủ sở hữu bất động sản - phối hợp với ngân hàng bán chúng đi, lấy tiền để trả nợ cho Sacombank.

Yêu cầu đang đặt ra cấp bách tại Sacombank là nhanh chóng xử lý nợ xấu. Có nhà đầu tư, hay bất cứ cá nhân nào chứ không riêng hai đại gia trên, đều có thể nhảy vào “thâu tóm” đất vàng đó, miễn là giao dịch đúng pháp luật, đạt được giá cả thỏa thuận với chủ đất, để chủ đất có tiền trả nợ Sacombank. Giao dịch nếu có thành công ở đây thì cũng dứt gọn, Sacombank đạt được mục đích tối ưu là thu hồi được nợ chứ không bị “thâu tóm” bất cứ điều gì.

Vậy nên, càng có nhiều cá nhân, tổ chức “nhảy vào thâu tóm” bất động sản tại Sacombank, ngân hàng này càng có triển vọng xử lý nhanh tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, để đẩy nhanh xử lý nợ xấu và tái cơ cấu. Đó là lợi ích cho Sacombank.

Vấn đề là giả thiết “thâu tóm” thường đi cùng với quan ngại về giá cả, thất thoát tài sản. Nhưng, những giao dịch này phải tuân thủ các quy định pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật, thuận mua vừa bán và quyền lợi những ông chủ đất còn đứng ở đó. Chủ bất động sản bán được giá tốt thì càng có điều kiện trả nợ cho Sacombank, nếu bán thấp hơn thì phải bù thêm vào cho đủ trả khoản nợ.

Thế nên, trong quá trình tái cơ cấu tới đây, những địa chỉ vàng bất động sản đang thế chấp tại Sacombank càng bị “thâu tóm” nhanh, càng giải phóng nhanh được lượng tài sản thế chấp đó, càng có lợi cho ngân hàng trong xử lý nợ xấu và thu hồi nợ. Vì mục đích cuối cùng, ngân hàng thu lại được vốn vay, giảm được nợ xấu để nhẹ bước, thực hiện xong quyền lợi của mình mà có lẽ không cần quan tâm đất vàng đó thuộc về ai.

Đọc tiếp »

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Eximbank tạm rút kế hoạch thoái vốn tại Sacombank

Hôm nay (21/4), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức đại hội đồng cổ đông, sau những lần trì hoãn và tổ chức không thành công trong năm 2016.

Một nội dung được chú ý tại đại hội này là Eximbank bất ngờ rút dự thảo tờ trình công bố vừa qua, về kế hoạch thoái vốn tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Theo đó, kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Eximbank tại Sacombank (tương ứng tỷ lệ 8,76%) không trình tại đại hội đồng cổ đông lần này, và hiện chưa rõ lộ trình dự kiến tiếp theo của kế hoạch vì đây là một phần thực hiện yêu cầu có từ trong năm 2016 của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước.

Trước thềm đại hội trên, Eximbank đã công bố dự thảo tờ trình về việc thoái vốn nói trên, nhằm đảm bảo yêu cầu trong Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, về giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, với quy định: “Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó”.

Ngày 17/2/2017, Hội đồng Quản trị Eximbank cũng đã có nghị quyết về việc thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại Sacombank.

Về việc rút lại tờ trình thoái vốn tại Sacombank, trả lời cổ đông, đại diện Eximbank cho biết kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cũng như đã tiếp xúc với một số nhà đầu tư, tuy nhiên việc thực hiện còn tùy thuộc vào diễn biến của thị trường. Mặt khác, đây là lượng cổ phần lớn nên không dễ để vừa đảm bảo bán được nhanh vừa được giá tốt.

Kế hoạch chuyển nhượng cổ phần Sacombank là một trong bốn nội dung Eximbank rút khỏi nội dung trình đại hội đồng cổ đông sáng nay, cùng với việc rút tờ trình về việc xử lý thù lao của hội đồng quản trị và ban kiểm soát các năm 2013, 2014 và 2015; rút tờ trình xin chủ trương chuyển địa điểm trụ sở chính; miễn nhiệm chức danh thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Cao Xuân Ninh.

Đọc tiếp »

Đại hội cổ đông Sacombank bị hoãn đến cuối tháng 5

Chiều 21/4, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có thông báo về nghị quyết của Hội đồng Quản trị, tạm hoãn tổ chức đại hội đồng cổ đông như lịch dự kiến vừa qua.

Cụ thể, ngày 13/3/2017, Sacombank đã có thông báo về thời gian dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2015 và 2016 vào ngày 28/4/2017.

Tuy nhiên, với lý do công tác chuẩn bị về nhân sự Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2010 và một số nội dung tài liệu phục vụ đại hội chưa hoàn tất, nên tại phiên họp ngày 20/4 vừa qua, Hội đồng Quản trị Sacombank đã thống nhất tạm hoãn thời gian đại hội.

Sacombank cho biết sẽ tích cực hoàn thành các công việc liên quan để tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông nói trên, dự kiến diễn ra vào ngày 26/5/2017.

Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 21/4, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức đại hội đồng cổ đông, sau những lần trì hoãn và tổ chức không thành công trong năm 2016.

Một nội dung được chú ý tại đại hội này là Eximbank bất ngờ rút dự thảo tờ trình công bố vừa qua, về kế hoạch thoái vốn tại Sacombank.

Theo đó, kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Eximbank tại Sacombank (tương ứng tỷ lệ 8,76%) không trình tại đại hội đồng cổ đông lần này, và hiện chưa rõ lộ trình dự kiến tiếp theo của kế hoạch vì đây là một phần thực hiện yêu cầu có từ trong năm 2016 của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước.

Đọc tiếp »

Góc nhìn: “Lần đầu tiên” của Eximbank sau hai năm xáo trộn

Đến khoảng 14h30 chiều 21/4, phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) kết thúc. Sau hai năm, đích đến đầu tiên đã có.

Đó có phải là phiên đại hội thành công hay không?

Với những ai chờ đợi một sự chộn rộn, hay lộn xộn như lần tổ chức không thành năm ngoái thì hẳn đã hụt hẫng. Đại hội diễn ra trong trật tự, không khí có phần chùng xuống.

Với một số cổ đông và nhà đầu tư, trên cơ sở lợi ích và yêu cầu của riêng họ, có thể chưa hài lòng và thỏa mãn về giải đáp một số điểm thắc mắc về tài chính, các dự án hay kế hoạch lớn, cũng như thất vọng với trước mắt tiếp tục không có cổ tức.

Nhưng, xét về lợi ích chung của ngân hàng và rộng hơn là cả hệ thống ngân hàng, đây là một đại hội thành công. Bởi lẽ, sau hai năm, Eximbank đã đạt đích đến đầu tiên của dự án “Eximbank Mới”: đó là sự đồng thuận.

Sau hai năm thất bại trong việc tổ chức đại hội đồng cổ đông, tất cả các cổ đông, các nhóm cổ đông Eximbank lần đầu tiên đã tìm được tiếng nói chung để cùng ngồi với nhau để nhìn về một hướng là thông qua kế hoạch, định hướng kinh doanh, dù quan điểm giữa các nhóm cổ đông có thể khác nhau.

Những năm gần đây, Eximbank có nhiều xáo trộn về cơ cấu thượng tầng, xuất phát từ đan xen giữa các nhóm cổ đông lớn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến ngân hàng khó ổn định để củng cố hoạt động kinh doanh, khó khăn càng thêm khó khăn.

Nay, như trên, tất cả đã tìm được tiếng nói chung để đồng thuận, thông qua kế hoạch, định hướng kinh doanh, tức là cùng vì lợi ích chung của ngân hàng. Và cập nhật tại đại hội, lượng tiền gửi vào Eximbank trong quý 1/2017 tăng rất mạnh đang là chỗ dựa cho sự đồng thuận đó.

Đặt ngược lại, nếu các nhóm cổ đông lớn tiếp tục không dung hòa được tiếng nói, tiếp tục có xáo trộn và đại hội tiếp tục bất thành, Eximbank sẽ càng mất uy tín với cổ đông và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh trên thị trường. Khó khăn càng thêm khó, và một thành viên có quy mô tổng tài sản khoảng 130.000 tỷ nếu càng lung lay sẽ càng ảnh hưởng đến hệ thống các ngân hàng nói chung.

Cùng với sự đồng thuận trên, điểm chốt lại qua đại hội là cơ cấu Hội đồng Quản trị tiếp tục giữ ổn định mà không có xáo trộn lớn, ngoài thay đổi người từ đối tác chiến lược nước ngoài. Ổn định này cần thiết cho một Eximbank đang tìm hướng trở lại, nhưng không có nghĩa loại trừ quyền lợi của những nhóm cổ đông nào đó, vì theo quy định và điều lệ họ hoàn toàn có thể đề xuất và ứng cử, qua đại hội bất thường, miễn là đảm bảo theo yêu cầu xét duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng có thể có cổ đông hụt hẫng và chưa hài lòng, vì các kế hoạch lớn bất ngờ bị rút tại đại hội. Eximbank rút tờ trình kế hoạch thoái vốn tại Sacombank, rút tờ trình xin chủ trương chuyển địa điểm trụ sở chính…

Đó là những kế hoạch lớn, nhưng lại linh hoạt được trong quy trình.

Kế hoạch thoái vốn tại Sacombank nằm trong sự chủ động của Eximbank, hoàn toàn có thể thông qua tại đại hội bất thường hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản… Và việc rút tờ trình này cũng không quá quan trọng, do kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, nhưng lại tùy thuộc vào yếu tố thị trường, tình hình hoạt động và giá cổ phiếu Sacombank, và đây là giao dịch lô lớn, nên thời điểm và quyết định càng phải cân nhắc.

Tương tự, dự án trụ sở chính có quy mô tổng đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng, càng cần được đánh giá, chuẩn bị và tính toán kỹ lưỡng hơn, cũng như có thể nhanh chóng xin ý kiến cổ đông khi đã sẵn sàng.

Như trên, qua đại hội này, đích đến lớn nhất là các nhóm cổ đông đã ngồi lại với nhau, cùng đồng thuận và thông qua kế hoạch, định hướng hoạt động của ngân hàng. Cơ cấu nhân sự trước mắt có sự ổn định thay vì tiếp tục những xáo trộn như những năm qua.

Con thuyền Eximbank theo đó bớt lộn xộn tay chèo, có đồng thuận như trên để bớt chòng chành, mà đây là lợi ích chung của ngân hàng - điều đã bị tổn thương rõ những năm gần đây.

Đọc tiếp »

HDBank tăng trưởng vượt bậc sau 5 năm

Ngày 21/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank) tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 - năm cuối của nhiệm kỳ vừa qua.

2016 cũng là năm lợi nhuận HDBank bứt phá mạnh nhất từ trước tới nay: lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.148 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2015, trong đó HDBank riêng lẻ đạt 830 tỷ đồng.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm ngoái, HDBank gây chú ý khi là một trong số ít ngân hàng thương mại trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Năm nay, trước kế hoạch tăng vốn điều lệ để mở rộng hoạt động kinh doanh, HDBank thống nhất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7%, chia cổ phiếu thưởng 2% nâng tổng số cổ phiếu phát hành cho cổ đông là 9%.

“Tại đại hội, cổ đông của HDBank vui vẻ, phấn khởi, đồng thuận với phương án chia cổ tức của ngân hàng”, thông cáo về kết quả đại hội trên cho biết.

Bên cạnh lợi nhuận tăng trưởng mạnh, các chỉ tiêu chính khác của HDBank năm 2016 cũng đạt kết quả ấn tượng: tổng tài sản đạt 150.294 tỷ đồng; tổng vốn huy động 134.189 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2015; tổng dư nợ tín dụng hợp nhất 90.121 tỷ đồng, tăng 34%, trong đó HDBank riêng lẻ đạt 82.104 tỷ đồng tăng 30% so với năm 2015, HDSAISON đạt 8.055 tỷ đồng, tăng 72% so với 2015.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của HDBank đến cuối 2016 ở mức 1,6%, trong đó HDBank riêng lẻ kiểm soát ở 1,26%; tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất 12,53%; ROA 0,71%; ROE 9,24 %. Mạng lưới đã có 221 điểm giao dịch, 7.500 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.

2016 cũng là năm kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của Hội đồng Quản trị gắn với những bước tiến vượt bậc của HDBank. Cụ thể, so với năm 2011, tổng tài sản của ngân hàng đã tăng hơn 3 lần; vốn chủ sở hữu tăng gần 3 lần; tổng huy động tăng hơn 4 lần; tổng cho vay tăng 5 lần; lợi nhuận trước thuế tăng hơn 2 lần; mạng lưới hoạt động tăng thêm hơn 100 chi nhánh và 7.500 điểm giao dịch, số lượng nhân sự tăng thêm gần 9.000 cán bộ nhân viên.

Tại đại hội trên, HDBank đã bầu Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2017 - 2022, gồm 9 thành viên: bà Lê Thị Băng Tâm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Lưu Đức Khánh, ông Lim Peng Khoon, ông Chu Việt Cường, ông Nguyễn Hữu Đặng, ông Nguyễn Thành Đô, bà Nguyễn Thị Tâm và ông Lý Vinh Quang.

Năm 2017, HDBank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 178.800, tăng 19% so với năm 2016; huy động thị trường 1 đạt 124.000 đồng, tăng 20%; tổng dư nợ tín dụng 107.760 tỷ đồng, tăng 20%; nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 3%; lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng; ROA 0,6% và ROE: 9,3%.

Đọc tiếp »

Ngân hàng và những đồng vốn đột ngột “chết”

Cuối tuần rồi, phóng viên VnEconomy có cuộc trao đổi với lãnh đạo một ngân hàng thương mại đang tái cơ cấu. Câu chuyện xoay quanh kết quả kinh doanh quý 1/2017.

“Mọi cái dường như ổn định, nhưng hãy nhìn lại quý vừa qua, hệ thống ngân hàng đón nhận rất nhiều thông tin bất lợi và nhạy cảm. Chúng ta cứ nói nhạy cảm chung chung rồi gật đầu. Còn với ngân hàng thì tái cả mặt, vì nhạy cảm đo được bằng tiền”, vị lãnh đạo trên nhìn lại.

Đó là nhiều vụ án chưa khép, nối tiếp thông tin mở ra những vụ án mới trong hệ thống ngân hàng; nợ xấu, tái cơ cấu, “ngân hàng 0 đồng”, phá sản ngân hàng là những chủ đề nóng; loạt đại dự án hàng chục nghìn tỷ đồng gắn với các tập đoàn, tổng công ty, rồi liên quan đến một số ngân hàng thương mại…

Tâm lý người gửi tiền đón nhận những thông tin đó.

Đại diện một nhà đầu tư lớn nói với VnEconomy rằng, họ đang tìm hiểu hoạt động một ngân hàng thương mại để xem xét xin tham gia tái cơ cấu. Đến một số chi nhánh trọng điểm, cán bộ ở đây cho biết: hễ có thông tin xấu xuất hiện trên thị trường, nhiều khách đến rút tiền ngay, nhưng có thông tin tích cực thì tiền gửi lại trở lại.

“Đồng tiền liền khúc ruột. Tâm lý người gửi tiền rất nhạy cảm và dễ bị tác động”, đại diện nhà đầu tư trên nhận xét.

Trở lại câu chuyện với vị lãnh đạo ngân hàng đang tái cơ cấu nói trên, sự nhạy cảm được đo đếm bằng tiền, mà ông gọi là “những đồng tiền chết”.

“Là nguyên tắc, mỗi khi xuất hiện thông tin xấu, hoặc có những mũi nhọn thông tin nào đó hướng về ngân hàng, chúng tôi buộc phải dồn ngay vốn phòng thủ để đảm bảo tối đa cho thanh khoản, đáp ứng nhu cầu rút tiền bất chợt. Bởi vì một khi không chuẩn bị, không đáp ứng được nhu cầu rút tiền trước hạn, tâm lý người gửi tiền càng loang rộng, rồi nếu vỡ thanh khoản thì không thể tự cứu nổi”, lãnh đạo ngân hàng trên cho biết.

Quý 1/2017, ngân hàng trên có lãi suất khá ổn định, tín dụng vẫn tăng đều, nhưng lợi nhuận bị ảnh hưởng rõ vì chi phí đội lên. Trong kỳ, trước những thông tin nhạy cảm xuất hiện, họ đã phải phanh các dòng vốn, dồn về che đỡ thanh khoản. Đó là “những đồng vốn chết”.

Hoạt động ngân hàng, dòng vốn luôn luân chuyển, vận động để tìm cách sinh lời. Khi bị dồn cục để phòng ngừa như trên, nhiệm vụ sinh lời của chúng bị cắt bỏ, phập phồng nằm im trước khả năng người gửi tiền có phản ứng tiêu cực.

Vốn nằm im, chi phí tăng lên, chưa nói có thể còn phải nâng lãi suất huy động để thuyết phục người gửi; tác động của tin xấu càng dài, chi phí càng lớn. Nói ngân hàng tái mặt trước những thông tin nhạy cảm là vậy.

Trong dự thảo đề án luật tái cơ cấu và xử lý nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai, đảm bảo tối đa an toàn tiền gửi, lợi ích của người gửi tiền là thông điệp được nhấn mạnh. Trong đó, yêu cầu đảm bảo đặt cả tình huống vay tiền để trả người gửi nếu cho phá sản ngân hàng…

Trong các sự cố tiêu cực hoặc thông tin nhạy cảm tại một ngân hàng thương mại nào đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thường nhanh chóng có thông điệp bảo đảm tiền gửi người dân.

Chung quy, những dẫn giải trên đều với thực tế tại Việt Nam: sức mạnh của tiền gửi và tâm lý người gửi tiền có ảnh hưởng quá lớn.

Trước hết, Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế nặng nợ. Lượng vốn tín dụng suốt những năm qua luôn duy trì ở mức cao, tới 110-120% GDP. Nâng đỡ cho đòn bẩy vốn nay chủ yếu là nguồn lực tiền gửi.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối 2016, tổng dư nợ cho nền kinh tế đã lên tới quy mô 5,5 triệu tỷ đồng, trong khi đó tổng nguồn vốn tự có của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ có 639.661 tỷ đồng. Theo đó, phần lớn còn lại chủ yếu dựa vào nguồn lực tiền gửi.

Như trên, trước các thông tin nhạy cảm, nguồn lực tiền gửi bị tác động. Trong tình huống có tác động mạnh, mất thanh khoản, hệ lụy đối với nền kinh tế nhanh chóng lan sang tín dụng, lãi suất, chi phí của nền kinh tế và xáo trộn xã hội…

Hay như ở ví dụ ngân hàng tái cơ cấu nói trên, chỉ riêng phản ứng phòng thủ thanh khoản trước những thông tin nhạy cảm xuất hiện, “những đồng vốn chết” đột ngột dồn lại phòng thủ cho thanh khoản cũng đã khiến chi phí đội lên, hiệu quả kinh doanh sụt xuống và vốn cho vay ra tắc nghẽn. Nếu phản ứng này mở rộng, không chỉ hệ thống ngân hàng, mà hệ quả sau đó thì cả nền kinh tế chịu.

Đọc tiếp »