Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

“Ngân hàng Việt nhanh chóng bắt đà tăng trưởng của thị trường”

© Bản quyền thuộc về VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam

Giấy phép Báo điện tử số 123/GP-BTTTT, cấp ngày 7/4/2014

Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.

Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.

Tổng biên tập: Giáo sư Đào Nguyên Cát

Trụ sở Tòa soạn: 96 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (84-4) 3755 2060 - 3755 2059 / Fax: (84-4) 3755 2046

Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

C50: Hệ thống thanh toán ngân hàng Việt vẫn an toàn

Hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ của các ngân hàng Việt Nam vẫn đảm bảo an toàn. Đối với những vụ việc hy hữu xảy ra, các đối tượng chủ yếu lợi dụng sơ hở phía người sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Đây là đánh giá từ đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, tại hội nghị trực tuyến chuyên đề “Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ” tại 64 điểm cầu trực tuyến trên cả nước, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/9.

Ngoài đại diện C50, hội nghị có sự tham dự của các vụ, cục chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.

Hội nghị này nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ tại Việt Nam và trên thế giới thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo an toàn an ninh.

Trước thềm hội nghị, tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại liên tục ghi nhận loạt sự việc rủi ro, gian lận trong thanh toán điện tử và tài khoản ATM gây quan ngại trong dư luận.

Thực trạng trên được nêu tại hội nghị rằng, trong bối cảnh hiện nay, tấn công mạng đã trở thành vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu và là mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới. Hệ thống tài chính, ngân hàng, trong đó xương sống là hệ thống thanh toán, đã và đang là đích ngắm hàng đầu của các đối tượng phạm tội công nghệ cao trên toàn thế giới, trong đó có cả ở Việt Nam.

Tổng kết hàng năm của các tổ chức thẻ quốc tế đều cho thấy, tình hình gian lận thẻ vẫn là vấn đề nổi cộm với xu hướng phạm tội tiếp tục phát sinh, bất chấp việc áp dụng các giải pháp công nghệ bảo mật mới nhất.

Qua theo dõi, giám sát hoạt động thanh toán điện tử và thanh toán thẻ trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã nhận thấy các sự cố rủi ro và gian lận với phương thức và thủ đoạn mới xuất hiện tại Việt Nam.

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, các vụ việc gian lận phát sinh chủ yếu đối với thẻ quốc tế và đối tượng tội phạm người nước ngoài, thì hiện nay các vụ việc gian lận đã chuyển hướng sang cả đối với thẻ nội địa và hệ thống ATM/POS.

“Tuy nhiên, qua thống kê, đánh giá và so sánh với các nước trên thế giới, có thể thấy rằng hệ thống thanh toán của Việt Nam hiện nay vẫn được đảm bảo an toàn, với số lượng, tỷ lệ sự cố và vụ việc gian lận xảy ra ít, chỉ là hy hữu”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.

Cục C50 cũng khẳng định sẽ thường xuyên phối hợp với các ngân hàng trong việc trao đổi thông tin, phòng, chống tội phạm trong hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán điện tử và thông báo các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên thế giới và tại Việt Nam.

Đọc tiếp »

Công an nhận diện các dạng tội phạm gian lận thanh toán

Nhiều hình thức gian lận, nhiều đối tượng tội phạm từ nước ngoài đã vào Việt Nam để tấn công vào hệ thống thanh toán, tài khoản ATM, giao dịch thẻ của các ngân hàng.

Thông tin này được đại tá Trần Văn Doanh, Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đưa ra chi tiết tại hội nghị trực tuyến chuyên đề “Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ” ngày 8/9.

Can thiệp trực tiếp ATM

Đầu năm 2016, trung tâm tội phạm mạng của tổ chức cảnh sát hình sự Châu Âu (Europol) có thông báo gửi Bộ Công an, báo cáo về một số loại mã độc ATM nổi lên trong thời gian vừa qua, trong đó thông báo những phương thức, cách thức tấn công ATM, các loại malware đã sử dụng và chiến lược của Europol đối phó với các mã độc này

Phương thức hoạt động của loại tội phạm này là tạo lây nhiễm malware vào các máy ATM bằng cách can thiệp vật lý trực tiếp vào máy ATM (từ đĩa CD, cổng USB) hoặc thông qua mạng nội bộ của ngân hàng.

Sau khi được cài đặt, malware làm thay đổi một số tập tin hệ thống của hệ điều hành, hoạt động ẩn dưới nền hệ điều hành hoặc khởi động lại hệ thống để chạy theo chương trình mới. Khi hacker nhập các mã riêng được thiết lập trong chương trình hoặc sử dụng nhận dạng QR code, máy ATM sẽ thực hiện lệnh nhả toàn bộ số tiền trong máy ATM mà không cần sử dụng tài khoản thẻ.

Đại tá Doanh cho biết, tại Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào xảy ra, nhưng loại tội phạm trên đã tấn cộng tại một số nước Đông Âu, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan...

Vụ việc gần đây nhất xảy ra tại ngân hàng First Bank Đài Loan ngày 10/7/2016. Các đối tượng đã sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để kích hoạt hệ thống chiếm đoạt khoảng 70 triệu Đài tệ (2,2 triệu USD). Cảnh sát Đài Loan đã bắt giữ 3 trong 16 đối tượng, đang tiếp tục truy tìm các đối tượng khác.

Tại Thái Lan cũng xảy ra vụ 21 cây ATM bị rút hơn 34.000 USD mà thủ phạm nghi vấn cũng có nguồn gốc Đông Âu.

Làm giả thẻ, rút tiền

Một hình thức mà đại diện Bộ Công an nêu tại hội nghị trực tuyến trên là tội phạm sử dụng thiết bị gắn vào các máy ATM để trộm cắp dữ liệu, làm giả thẻ từ, rút tiền.

Cụ thể, tội phạm sử dụng một bảng nhựa trong đó chứa thiết bị lấy cắp thông tin thẻ (thiết bị skimming) ốp phía ngoài khe quẹt thẻ. Khi chủ thẻ đưa thẻ vào khe cắm thẻ, đầu tiên thẻ sẽ đi qua thiết bị skimming trước rồi mới vào khe cắm thẻ. Bằng hình thức này, tội phạm sẽ lấy được toàn bộ thông tin lưu trữ trên dải từ của thẻ.

Một cách khác là lắp đặt một camera nhỏ, thường được ngụy trang trong một thanh nhựa hoặc bảng quảng cáo ốp ngay phía trên bàn phím của máy ATM để ghi lại toàn bộ hoạt động nhập mã PIN của khách hàng khi rút tiền.

Sau khi lấy được thông tin thẻ ngân hàng và mã PIN, các đối tượng sẽ sử dụng thiết bị làm giả thẻ ngân hàng thông qua phần mềm chuyên dụng và thiết bị đọc và in dữ liệu thẻ từ bán trên mạng internet và rút tiền tại các máy ATM.

Năm 2014 và 2015, Cục C50 của Bộ Công an đã phát hiện, thông báo và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm tra, lắp đặt phần mềm và thiết bị chống skimming tại cây ATM, tuy nhiên loại tội phạm này vẫn tiếp tục hoạt động với những thủ đoạn tinh vi hơn.

Cụ thể, hoạt động của các nhóm đối tượng người nước ngoài chuyên nghiệp hơn, chia thành nhiều nhóm nhỏ, phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng: trong đó có nhóm gắn thiết bị, nhóm lấy thiết bị, thu thập thông tin thẻ sau đó gửi cho nhóm IT để làm thẻ giả, nhóm đi rút tiền.

Tội phạm skimming thường tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Huế, Hội An Quảng Nam, Nha Trang Khánh Hòa, Mũi Né, Phan Thiết Bình Thuận, Ninh Thuận, Vũng Tàu, Tp.HCM…

Cũng theo thông tin từ đại ta Doanh, đối tượng phạm tội chủ yếu là người nước ngoài. Khu vực phía Bắc chủ yếu là đối tượng người Trung Quốc, Indonesia, Malaysia; phía Nam và miền Trung là đối tượng từ các nước Đông Âu như Bungari, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Anh…

“Cục C50 đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai lắp thiết bị và phần mềm chống skimming cho các máy ATM, nhưng vẫn còn nhiều ATM chưa được cài đặt thiết bị chống skimming, hoặc đã lắp thiết bị chống skimming nhưng lại để ở chế độ không chống được việc trộm cắp thông tin thẻ”, đại tá Trần Văn Doanh cho biết.

Thanh toán “khống” qua POS

Một hình thức khác được đại diện Bộ Công an lưu ý là làm giả thẻ ngân hàng, thực hiện thanh toán “khống” hàng hóa dịch vụ qua POS để chiếm đoạt, mà các đối tượng chủ yếu là người Trung Quốc.

“Thời gian gần đây, để đối phó việc điều tra, phát hiện xử lý của lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, móc nối với các đơn vị chấp nhận thẻ làm giả thẻ, thanh toán “khống” qua POS để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của ngân hàng và chủ thẻ”, báo cáo từ Bộ Công an cho biết.

Đó là một nhóm người Trung Quốc có nhiệm vụ chuyên móc nối với người Việt đã học tập, công tác, làm ăn biết tiếng Trung Quốc để thỏa thuận về việc thanh toán “khống” hàng hóa, dịch vụ qua máy POS, hoặc tìm các đối tượng người Việt Nam có quan hệ quen biết từ trước dưới danh nghĩa đầu tư làm ăn tại Việt Nam để yêu cầu thành lập công ty, ký hợp đồng làm đơn vị chấp nhận thẻ với các ngân hàng Việt Nam.

Thông tin thẻ thường là thẻ tín dụng được phát hành bởi các ngân hàng ở Mỹ và Châu Âu được một nhóm hacker ở Trung Quốc lấy cắp từ cơ sở dữ liệu của các trang web bán hàng trực tuyến, các website của trung tâm thương mại lớn ở nước ngoài chuyển qua các mạng xã hội như chat QQ, wechat đến nhóm kỹ thuật ở Việt Nam.

Các đối tượng thường yêu cầu đăng ký sử dụng máy POS không dây để trên xe ôtô hoặc đưa cho đối tượng người Trung Quốc mang sang khu vực chồng lấn sóng viễn thông ở biên giới Việt Nam - Trung Quốc để thực hiện giao dịch bằng thẻ giả.

Có vụ án đối tượng người Trung Quốc yêu cầu đơn vị chấp nhận thẻ chuẩn bị trước tiền mặt và nhận ngay tiền sau khi giao dịch thành công, không chờ báo “có” hoặc rút tiền từ ngân hàng.

Những đối tượng này chuẩn bị sẵn tài khoản để chuyển tiền hoặc chuyển tiền vào các tài khoản của đối tượng đổi tiền tại các “chợ đổi tiền” ở khu vực biên giới để chuyển sang Trung Quốc.

Một số đơn vị chấp nhận thẻ cấu kết với các đối tượng người Trung Quốc soạn sẵn hợp đồng kinh doanh buôn bán một số mặt hàng: đồ mỹ nghệ, trầm hương... sau đó xuất hóa đơn giá trị gia tăng như buôn bán bình thường.

Một số doanh nghiệp kinh doanh khung cửa sắt, cửa kính nhưng vẫn ký hợp đồng đơn vị chấp nhận thẻ của các ngân hàng thương mại, yêu cầu cung cấp POS không dây sau đó chuyển cho nhóm đối tượng người Trung Quốc sử dụng.

Một số đơn vị chấp nhận thẻ tại Hà Nội sau khi ký hợp đồng lắp POS không dây nhưng sau đó đưa cho người quen mượn để thanh toán. Khi có yêu cầu tra soát hoặc khiếu nại không thể xác định được vị trí của POS, sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ gì, đặc biệt có đơn vị chấp nhận thẻ cho người quen trên mạng mượn để thanh toán, sau đó nhận hoa hồng do sử dụng POS hàng trăm triệu đồng.

Tội phạm công nghệ cao

Loại tội phạm sử dụng công nghệ cao trong hoạt động thanh toán trực tuyến được Bộ Công an đặc biệt lưu ý, khi những rủi ro đã xuất hiện tại Việt Nam trong thông tin phản ánh gần đây.

Đó là hình thức lập website, gửi đường link Phishing, giả danh ngân hàng chiếm đoạt tài khoản Internet Banking và chuyển tiền.

Đại tá Doanh nhận định, trong thời gian gần đây hình thức tội phạm này diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng sơ hở của người dùng để chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng.

Các thủ đoạn được nhận diện là tội phạm lập các website trúng thưởng gửi tin nhắn qua facebook, Zalo, Viber... thông báo cho chủ tài khoản đã trúng thưởng tài sản, hiện vật có giá trị lớn, đề nghị truy cập vào các website để đăng ký nhận giải; hoặc lập các website giả mạo website của ngân hàng, gửi đường dẫn thông báo tài khoản của khách hàng có tiền chuyển vào nhưng bị lỗi cần phải cung cấp thông tin để kiểm tra.

Các đối tượng sử dụng các thông tin người bị hại đã cung cấp để thực hiện thanh toán mua mã thẻ điện thoại, thẻ game trên các website bán trực tuyến hoặc chuyển tiền sang các tài khoản trung gian để rút tiền hoặc thuê người rút tiền trong và ngoài nước.

Khi mã xác thực OTP gửi về điện thoại, đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng thông báo đã gửi mã trúng thưởng để xác thực, đề nghị người bị hại cung cấp để hoàn tất thủ tục.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao sử dụng thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài để mua hàng hóa chủ yếu là các thiết bị điện tử đắt tiền như điện thoại di dộng iPhone, Vertu, máy tính bảng... tại các trang web mua bán trực tuyến ở nước ngoài vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hưởng lợi bất chính.

Tội phạm sử dụng thông tin thẻ tín dụng ăn cắp mua vé máy bay trực tuyến trên website của các hãng hàng không như Vietnam Airlines hoặc Jetstar.

Ngoài ra, một dạng gian lận khác nữa là thanh toán Offline. Cơ quan điều tra đã ghi nhận một số đối tượng phát hành thẻ tín dụng tại ngân hàng Việt Nam sau đó báo hủy thẻ. Khi đi máy bay của các hãng hàng không nước ngoài đã dùng thẻ tín dụng trên để thanh toán offline mua mỹ phẩm, rượu trị giá hàng trăm triệu đồng.

Mở tài khoản để bán, cho thuê

Báo cáo từ đầu mối chuyên trách của Bộ Công an cũng lưu ý đến một thực trạng có tại Việt Nam, đối tượng tội phạm mua, thuê người mở tài khoản để nhận, chuyển tiền lừa đảo, cá độ trực tuyến, rửa tiền.

Do hiện nay không qui định một người được mở bao nhiêu tài khoản tại một ngân hàng, nên tình trạng thuê, mua lại các tài khoản ngân hàng để sử dụng vào các mục đích chuyển, nhận tiền do các hành vi lừa đảo, phạm tội mà có ngày càng diễn biến phức tạp.

Cụ thể, các tài khoản này đều được các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan móc nối với các đối tượng trong nước thuê người mở tài khoản với giá từ 1-2 triệu/tài khoản. Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản đưa thẻ ngân hàng, thông tin đăng nhập internetbanking cho các đối tượng Trung Quốc sử dụng để chuyển, nhận tiền.

“Hiện chưa có chế tài xử lý đối với những người mở tài khoản để bán, cho thuê tài khoản để nhận tiền lừa đảo”, đại tá Doanh cho biết.

Nhiều vụ việc các tài khoản được thuê mở, sau đó sử dụng vào việc chuyển, nhận tiền từ việc mua, bán tiền điện tử như Bitcoin, Onecoin, WMZ, hoặc chuyển, nhận tiền cá độ bóng đá, đánh bạc trên mạng. Số tiền này sau khi chuyển vào tài khoản sẽ được rút hết ngay hoặc chuyển tiếp tới nhiều các tài khoản.

Cũng theo thông tin từ đại tá Doanh, một số đối tượng người gốc Phi làm quen với phụ nữ người Việt Nam qua mạng xã hội, đặt vấn đề yêu đương lâu dài sau đó thông báo có gửi quà tặng, hiện vật có giá từ nước ngoài về Việt Nam, yêu cầu khi nhận phải ứng trước một khoản tiền chuyển vào tài khoản có trước để chiếm đoạt.

Một số đối tượng người gốc Phi tấn công dò mật khẩu e-mail phòng kinh doanh của các công ty có mối quan hệ làm ăn với nước ngoài để lấy các thông tin về hợp đồng điện tử, thay đổi tên miền giao dịch hoặc tạo các lý do để thay đổi tài khoản thụ hưởng bằng tài khoản khác đã được mở tại ngân hàng Việt Nam ngay sau đó rút hết tiền tại quầy giao dịch hoặc rút tiền ở nước ngoài.

Đọc tiếp »

Cần cả “núi tiền” để ngăn gian lận thẻ, thanh toán trực tuyến

Bài toán chi phí không được đặt ra cụ thể tại hội nghị trực tuyến chuyên đề “Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ” ngày 8/9. Nhưng để đáp ứng các yêu cầu đặt ra, chắc chắn các ngân hàng sẽ phải dùng nguồn tiền đầu tư lớn.

Tại hội nghị trên, các đầu mối chức năng đều khẳng định hệ thống thanh toán và giao dịch thẻ của ngân hàng Việt Nam đảm bảo an toàn, những sự việc nổi lên vừa qua chỉ là hạn hữu.

Trên bản đồ rủi ro thế giới ở lĩnh vực này, Việt Nam cũng đứng ở vị trí khá tốt. Báo cáo của Cục Công nghệ tin học ngân hàng cho hay, tỷ lệ rủi ro qua thẻ thanh toán tại Việt Nam khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với số trung bình trên toàn thế giới.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương (VietinBank) cũng đánh giá: với số lượng giao dịch khổng lồ hiện nay, thì tỷ lệ các giao dịch bị gian lận gây thất thoát chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Nhưng, trước loạt sự việc rủi ro xảy ra gần đây, cùng các hình thức gian lận ngày càng tinh vi hơn, các ngân hàng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đầu tư hơn nữa cho các biện pháp phòng vệ.

Cần cả “núi tiền”

Tại hội nghị trên, đại diện Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai lắp đặt thiết bị và phần mềm, phòng chống tội phạm đánh cắp thông tin khách hàng và tấn công máy ATM, vì hiện nay còn nhiều máy chưa có.

Thứ nữa là khuyến nghị các ngân hàng thương mại trang bị POS không dây có tính năng định vị qua GPS và phối hợp với các công ty viễn thông để xác định vị trí khi thực hiện các giao dịch qua POS không dây.

Với trên 17.330 ATM và hơn 240.660 POS được lắp đặt, việc đảm bảo 100% hai yêu cầu trên chắc chắn sẽ đòi hỏi nguồn tiền đầu tư lớn.

Chưa hết, một yêu cầu đã và đang được đặt ra, thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, tất cả thẻ từ hiện nay bắt buộc phải chuyển sang thẻ chip để đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn quốc tế.

Số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, tính đến tháng 7/2016, Việt Nam đã có trên 107 triệu thẻ các loại được phát hành. Nguồn tiền để chuyển đổi lượng thẻ từ chiếm chủ yếu trong đó rất lớn, và càng lớn hơn nữa khi cũng phải đầu tư cho hệ thống ATM đọc được thẻ chip.

Và theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, hiện đã xuất hiện một số công nghệ tiên tiến như xác thực sinh trắc học qua vân tay, qua ánh mắt, qua giọng nói… Các ngân hàng Việt Nam cần tiếp cận tìm hiểu những công nghệ mới này để tăng cường an toàn bảo mật thêm cho khách hàng.

Nếu ứng dụng những công nghệ mới trên, hệ thống càng đòi hỏi nguồn tiền lớn hơn nữa cho đầu tư phần cứng, phần mềm…

Không có con số cụ thể để đo “núi tiền” cần cho yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn trong giao dịch thẻ, thanh toán trực tuyến, nhưng với loạt yêu cầu cơ bản như trên, chắc chắn sẽ rất lớn.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam có đáp ứng, đầu tư được không?

Cách thứ nhất là giãn ra. Các ngân hàng cần có lộ trình để từng bước triển khai, tránh dồn yêu cầu đầu tư cùng lúc dẫn tới chi phí gia tăng, mà cuối cùng rồi cũng đẩy sang phía khách hàng (qua phí dịch vụ). Như với việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, lộ trình được giãn ra trong 5 năm (đến 2020).

Cách thứ hai, như trên, nguồn thu từ khách hàng, qua phí sử dụng. Tuy nhiên, nguồn này trải ra trong quá trình sử dụng dịch vụ, chứ không dồn được ngay cho yêu cầu đầu tư. Mặt khác, điểm nhạy cảm trong dư luận những năm qua là chính sách phí dịch vụ liên quan này.

Phó tổng giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân cũng cho rằng, đầu tư cho bảo mật đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí, giảm lợi nhuận. Do đó, để bảo đảm về lợi nhuận, các ngân hàng đang buộc phải thu phí khách hàng cho các tính năng tăng cường bảo mật, trong khi bản thân khách hàng lại không hiểu rõ về giá trị của các tính năng này.

Tránh thiệt hại niềm tin

Dù áp lực chi phí lớn như trên, nhưng nhìn ở chiều ngược lại, việc đầu tư tăng cường bảo đảm an toàn dịch vụ của các ngân hàng cũng “đáng đồng tiền bát gạo”.

Số liệu từ Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hệ thống ngân hàng đang đón nhận sự bùng nổ của nhu cầu sử dụng các dịch vụ liên quan. Đơn cử như, 6 tháng đầu năm 2016, số lượng giao dịch qua internet đạt tới gần 58 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, số lượng giao dịch qua điện thoại di động đạt trên 43 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 123 nghìn tỷ đồng…

Lượng khách hàng và tiềm năng sử dụng dịch vụ cũng liên tục gia tăng. Tính đến cuối tháng 7/2016, toàn hệ thống đã có trên 65 triệu tài khoản cá nhân (so với mức 16,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2010). Hiện không có con số cống bố cụ thể, nhưng chắc chắn lượng tiền gửi thanh toán, là nguồn vốn quan trọng để khai thác, của 65 triệu tài khoản đó cũng rất lớn.

Trong mối quan hệ đầu tư và khai thác này, dĩ nhiên có đi có lại. Nếu dịch vụ đảm bảo an toàn, tiện ích, và ngân hàng minh bạch, giải thích hợp lý những yêu cầu đầu tư nói trên, hẳn họ sẽ tìm được sự đồng thuận dễ chịu hơn từ chính sách phí với khách hàng.

Và lớn hơn nữa, như ông Lân đặt ra trong tham luận tại hội nghị, giá trị lớn nhất ở đây là niềm tin đối với hệ thống.

Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng: “Với những sự việc vừa qua, ngân hàng hoàn toàn bù đắp được giá trị tài sản thiệt hại và các chi phí. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần thấy bề ngầm của tảng băng, đó là các thiệt hại không thể đo lường được về lòng tin của khách hàng về kênh thanh toán online”.

Vị lãnh đạo ngân hàng này nhìn nhận, các sự kiện gần đây tạo ra một làn sóng hoài nghi về sự an toàn của hệ thống ngân hàng và khách hàng e sợ hơn khi thực hiện thanh toán trực tuyến.

“Thất thoát về tiền bạc thì không hề lớn, tuy nhiên thất thoát về niềm tin là vô cùng lớn. Do vậy, toàn hệ thống ngân hàng cần có những hành động thiết thực để củng cố lại niềm tin của khách hàng”, ông Lân nói.

Dĩ nhiên, trong những yêu cầu này, bên cạnh việc đáp ứng của các ngân hàng thương mại, còn cần sự hợp tác cùng bảo vệ, tự bảo vệ của mỗi khách hàng. Vì, theo đánh giá tại hội nghị trên, nhiều trường hợp rủi ro xẩy ra có phần do khách hàng để lộ thông tin, hoặc chưa cẩn trọng trong giao dịch.

Đọc tiếp »

Thêm ngân hàng 100% vốn của Việt Nam lập ở nước ngoài

Ngày 9/9, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) khai trương ngân hàng con 100% vốn tại Campuchia, sau 4 năm hiện diện ở cấp độ chi nhánh.

Đây là Ngân hàng TNHH Một thành viên Sài Gòn - Hà Nội Campuchia (SHB Campuchia), đánh dấu bước mở rộng mới của SHB trong khu vực Đông Dương.

Bốn năm trước, SHB tiếp cận thị trường Campuchia ở cấp độ chi nhánh, với mức vốn đầu tư ban đầu 37 triệu USD.

Đến cuối năm 2015, hoạt động của chi nhánh SHB Campuchia đã ổn định, bền vững với những bước tăng trưởng khá nhanh: tổng tài sản đã đạt gần 240 triệu USD, tăng gấp 6,5 lần so với khi mới thành lập; huy động vốn đạt gần 21 triệu USD; dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 205 triệu USD.

Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động, chi nhánh SHB Campuchia luôn kiểm soát nợ xấu ở mức rất thấp, hiện chỉ ở mức khoảng 0,05%. Lợi nhuận cũng bước đầu đạt kết quả khả quan với trên 2 triệu USD. Mạng lưới hoạt động đã phát triển với 1 chi nhánh cấp 1 và 3 chi nhánh cấp 2.

Mới đây, SHB Campuchia được Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG và Ngân hàng Quốc gia Campuchia bình chọn là “Ngân hàng nước ngoài tiêu biểu Campuchia 2016” và “Ngân hàng SME tiêu biểu Campuchia 2016”.

Những kết quả và nền tảng trên là điều kiện cần thiết để SHB nâng cấp chi nhánh tại thị trường này thành ngân hàng con 100% vốn trực thuộc, với vị thế mới khi được hoạt động và cạnh tranh một cách đầy đủ hơn.

Ngân hàng con này có vốn điều lệ 50 triệu USD, dự kiến sẽ tiếp tục nâng quy mô vốn lên 70 triệu USD đến năm 2018 và mở rộng mạng lưới tại các tỉnh, thành phố của Campuchia.

Đây là ngân hàng con 100% vốn thứ hai của SHB tại thị trường Đông Dương sau Ngân hàng SHB Lào khai trương hồi đầu năm nay.

Cùng với SHB, hoạt động mở rộng kinh doanh ra nước ngoài qua thiết lập ngân hàng con 100% vốn trực thuộc đã có sự tham gia của một số ngân hàng khác như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín và Ngân hàng Quân đội, với hai thị trường chính là Lào và Campuchia.

Đọc tiếp »

Thủ tướng yêu cầu quy định rõ phương án đền bù rủi ro tài khoản

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 7469/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán.

Văn bản trên cho biết, trong thời gian qua, có xảy ra một vài sự cố rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán, với tài khoản của khách hàng tại các ngân hàng.

Để hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng và ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trước ngày 15/10/2016 ban hành quy định mới và cụ thể hơn.

Trong những quy định đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán cần ghi rõ trong các hợp đồng cung ứng dịch vụ nội dung cụ thể về trách nhiệm trong việc tiếp nhận thông tin từ khách hàng, thời gian xử lý, phương án đền bù đối với các trường hợp phát sinh rủi ro, sự cố trong hoạt động thanh toán.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra đảm bảo việc chấp hành các qui định của pháp luật về hoạt động thanh toán.

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước có biện pháp khuyến khích, yêu cầu các ngân hàng đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn, an ninh các dịch vụ thanh toán; tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn cụ thể cho người dân về cách sử dụng các dịch vụ thanh toán an toàn, hạn chế rủi ro và phòng tránh tội phạm.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đấu tranh, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán ảnh hưởng đến an toàn, an ninh của hệ thống thanh toán quốc gia và uy tín của hệ thống ngân hàng.

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

7 ngân hàng Việt Nam được Moody’s xét nâng tín nhiệm

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service ngày 5/9 tuyên bố xem xét nâng hạng tín nhiệm dài hạn cho 7 ngân hàng thương mại Việt Nam.

Các ngân hàng nói trên bao gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABB), Ngân hàng Thương mại Á châu (ACB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Ngoài ra, Moody’s cũng xem xét nâng hạng đánh giá tín nhiệm cơ sở (BCA) và đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (CRA) đối với 7 ngân hàng này và hai ngân hàng khác là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Moody’s cho biết động thái này phản ánh kỳ vọng rằng môi trường kinh tế và kinh doanh của các ngân hàng được cải thiện ở Việt Nam sẽ dẫn đến sự cải thiện hồ sơ tín dụng, chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của các ngân hàng, đồng thời đóng góp cho sự ổn định tương đối về nguồn vốn và thanh khoản của các ngân hàng.

Tuyên bố của Moody’s nói rằng sự cải thiện môi trường kinh tế và kinh doanh của các ngân hàng ở Việt Nam đã được thể hiện trong việc tổ chức đánh giá tín nhiệm nay nâng điểm hồ sơ vĩ mô (Macro Profile) của Việt Nam lên “yếu” từ “yếu-“ trước đó. Hồ sơ vĩ mô là điểm đánh giá những rủi ro liên quan đến môi trường kinh tế và kinh doanh của các ngân hàng.

Tuy vậy, Moody’s cho rằng hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn còn thiếu vốn trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nhanh chóng và một tỷ lệ cao những tài sản có vấn đề không phải lúc nào cũng được thể hiện trên bảng cân đối kế toán. Moody’s dự báo những thách thức này sẽ tiếp tục tồn tại trong trung hạn, bất chấp một số cải thiện.

Tổ chức này dự báo GDP thực tế của Việt Nam sẽ tăng 6% mỗi năm trong 2016 và 2017 với sự hỗ trợ của sự phục hồi nhu cầu trong nước và tăng trưởng mạnh của khu vực xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan là một nhân tố tích cực cho các ngân hàng Việt Nam, bởi điều này hỗ trợ cho thanh khoản và vốn của các ngân hàng, đồng thời cải thiện giá trị cho các tài sản xấu.

Theo Moody’s, sức mạnh thể chế của Việt Nam đã cải thiện 3 năm liên tiếp, thể hiện qua một thời gian kéo dài với mức lạm phát thấp, hiệu quả được nâng cao của Chính phủ, các quy định pháp luật và kiểm soát tham nhũng. Những yếu tố này đều đã được phản ánh trong điểm số tốt hơn mà Ngân hàng Thế giới (WB) dành cho Việt Nam trong Chỉ số Quản trị Toàn cầu (WGI), cũng như những tiến bộ gần đây trong cải cách kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và niềm tin kinh doanh được cải thiện đã đóng góp vào sự tăng trưởng tín dụng nhanh chóng ở Việt Nam, dẫn tới những lo ngại về chất lượng của các khoản tín dụng mới được các ngân hàng cấp - theo Moody’s.

Tổ chức này đánh giá rằng sự tăng trưởng tín dụng nhanh chóng là một yếu tố tiêu cực đối với chất lượng tài sản trong tương lai của các ngân hàng. Theo WB, vốn tín dụng cho khu vực tư nhân của Việt Nam do các ngân hàng trong nước cấp đã tăng lên mức 112% so với GDP trong năm 2015, một mức cao so với một quốc gia đang phát triển, từ mức 100% trong năm 2014.

Moody’s dự kiến sẽ hoàn tất việc rà soát đối với các ngân hàng trên trong vòng 90 ngày.

Đánh giá BCA và đánh giá tín nhiệm dài hạn đối với các ngân hàng gồm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank), và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) không bị ảnh hưởng bởi động thái rà soát lần này của Moody’s.

Đọc tiếp »