Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Cổ đông Maritime Bank nhất trí đề xuất trả cổ tức 5%

Sáng ngày 26/5/2017, Maritime Bank đã tổ chức đại hội đồng cổ đông tại Khách sạn Melia Hà Nội. Điều đáng chú ý tại đại hội năm nay, Ngân hàng đề xuất trả cổ tức 5% và đạt được sự nhất trí cao của cổ đông.

Năm 2016, Ngân hàng đã hoàn thành các mục tiêu đề ra như tổng tài sản đạt 100% chỉ tiêu với 92.606 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế thu nhập tăng 3% so với kế hoạch, đạt 164 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đạt 99% so với kế hoạch với 54.223 tỷ đồng.

Trong khi đó, tiền gửi khách hàng giảm nhẹ về quy mô, đạt 98% kế hoạch do đang được cấu trúc lại theo hướng tăng tính ổn định và bền vững thông qua việc tăng tỷ trọng tiền gửi huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và tăng tỷ trọng tiền gửi của khách hàng cá nhân. Nhờ đó huy động dân cư tăng 10,5%, nguồn vốn trung dài hạn chiếm tỷ trọng 47,3%, tăng 1,3% so với đầu năm.

Số lượng khách hàng cũng đạt mức tăng trưởng cao với khách hàng cá nhân tăng 23%, đạt trên 1,5 triệu khách hàng; tỷ lệ khách hàng doanh nghiệp thường xuyên sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng tăng 200% so với 2015.

Dù tốc độ tăng trưởng tín dụng liên tục tăng qua các năm nhưng tỷ lệ nợ quá hạn luôn được Ngân hàng kiểm soát tốt. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 2,17% tính tới cuối năm 2016. Hệ số an toàn vốn CAR đạt 23,59% tại thời điểm 31/12/2016, cao hơn rất nhiều so với mức quy định 9% của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Maritime Bank, trên cơ sở kết quả của năm 2016, năm 2017, các chỉ tiêu tài chính cơ bản đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua với tỉ lệ thống nhất cao: Tổng tài sản ở mức 106.640 tỷ đồng tăng 15% so với 2016; Tổng vốn huy động tăng 17%; Dư nợ tín dụng tăng 14%.

Để thực hiện thành công mục tiêu kinh doanh 2017, Maritime Bank sẽ chú trọng đẩy mạnh hơn nữa mảng kinh doanh lõi với cho vay khách hàng cá nhân tăng 31%; cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 90%; huy động khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 34%, trong đó đảm bảo huy động trung và dài hạn chiếm 45% tổng huy động.

Đồng thời, doanh thu từ phí sẽ tiếp tục được chú trọng với mục tiêu tăng 50% trong năm 2017.

Với định hướng về sự phát triển ổn định, bền vững, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2017 bởi việc gia tăng sức mạnh nền tảng chính là một trong những mục tiêu chiến lược hàng đầu của Maritime Bank để nâng cao lợi thế của ngân hàng này trên thị trường. Trong đó, Maritime Bank sẽ tập trung cho việc phát triển hệ thống công nghệ, hệ thống quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển mạng lưới.

Đại hội cũng đã chấp thuận đơn xin rút khỏi Hội đồng Quản trị của bà Dương Hồng Loan do lý do cá nhân, và như vậy Hội đồng quản trị Ngân hàng sẽ còn lại 5 thành viên, việc bầu lại Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới sẽ được tiến hành theo quy định trong năm 2017.

Đọc tiếp »

Lãi suất liên ngân hàng xuống thấp nhất ba tháng qua

Xu hướng sụt giảm của lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng từ đầu tháng 5/2017 đến nay tiếp tục thể hiện, mạnh hơn trong tuần qua.

Cụ thể, trong tuần tính đến 26/5, ngoại trừ kỳ hạn 1 tuần, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm liên tục cả tuần, đặc biệt phiên cuối tuần giảm mạnh từ 0,35-0,46 điểm phần trăm so với phiên trước đó.

Chốt tuần, lãi suất qua đêm chào bình quân phổ biến quanh 2,97%, là mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2/2017 đến nay; lãi suất chào bình quân kỳ hạn 1 tuần ở 4,08%; 2 tuần giảm còn 3,3%; 1 tháng giảm còn 3,65%, giảm từ 0,83-1,03 điểm phần trăm so với cuối tuần trước đó.

Diễn biến trên một phần phản ánh trạng thái vốn dồi dào hơn trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Với trạng thái này, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục giảm khối lượng chào thầu trên kênh cầm cố; tuần qua giảm từ 7.000 tỷ đồng tuần trước đó xuống 5.000 tỷ đồng.

Với khối lượng trên, các tổ chức tín dụng chỉ hấp thụ 2.175 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu ở mức 44%). Đặc biệt, phiên cuối tuần không có khối lượng trúng thầu. Khối lượng đáo hạn trong tuần qua ở mức 4.744 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 2.569 tỷ đồng.

Tính đến 26/5, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố đứng ở mức 2.175 tỷ đồng và sẽ đáo hạn toàn bộ trong tuần này.

Trạng thái vốn của các tổ chức tín dụng dồi dào cũng đang tạo điều kiện cho hoạt động đấu thầu trái phiếu diễn ra thuận lợi và sôi động.

Trong tuần qua có hai phiên đấu thầu trái phiếu của Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm và 7 năm lần lượt tại 5,03% và 5,35% - chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 20 năm và 30 năm cũng giảm nhẹ so với tuần trước đó.

Cụ thể, ngày 22/5, Ngân hàng Chính sách Xã hội gọi thầu 1.000 tỷ đồng ở ba kỳ hạn 5 năm (200 tỷ đồng), 10 năm (400 tỷ đồng) và 15 năm (400 tỷ đồng). Kết quả, ngoại trừ kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại, hai kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 6,35% và 7,1% - giảm tương ứng 6 điểm và 5 điểm so phiên đấu thầu trước đó.

Ngày 24/5, Kho bạc Nhà nước huy động được 5.865/6.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (tỷ lệ trúng thầu 90%). Lãi suất trúng thầu đồng loạt giảm ở tất cả các kỳ hạn, lãi suất kỳ hạn 5 năm tại 5,03% (giảm 13 điểm); kỳ hạn 7 năm tại 5,35% (giảm 9 điểm); kỳ hạn 20 năm tại 7% (giảm 9 điểm); kỳ hạn 30 năm tại 7,55% (giảm 8 điểm). Tổng khối lượng dự thầu đạt 23.000 tỷ đồng, gấp 3,5 lần khối lượng cần huy động.

Đọc tiếp »

Nợ xấu Ngân hàng Chính sách Xã hội vượt 1.200 tỷ đồng

Ngân hàng Chính sách Xã hội vừa có báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát quý 1/2017. Theo đó, tính đến 31/7/2017, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 173.341 tỷ đồng, tăng 10.875 tỷ đồng, tương ứng tăng 6,7% so với năm 2016.

Trong đó, vốn nhận từ ngân sách nhà nước là 27.748 tỷ đồng, vốn vay theo chỉ đạo của Chính phủ là 20.979 tỷ đồng, nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng nhà nước là 54.222 tỷ đồng, phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đạt 39.291 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay đạt 7.433 tỷ đồng…

Tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt 163.417 tỷ đồng, tăng 6.045 tỷ so với đầu năm, hoàn thành 51% kế hoạch tăng trưởng được Chính phủ giao.

Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh của Ngân hàng Chính sách Xã hội là 1.255 tỷ đồng, chiếm 0,76% dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn là 642,5 tỷ đồng, nợ khoanh là 612,5 tỷ.

Hội đồng quản trị của ngân hàng đã ban hành nghị quyết trình Chính phủ về chính sách cho vay nhà ở xã hội năm 2017, đề nghị cấp bổ sung nguồn vốn điều lệ còn thiếu đến năm 2016 và của năm 2017, cân đối nguồn vốn ngân sách cấp cho vay các chương trình tín dụng theo quyết định 33 hay quyết định 29, nghị định 100…

Trong văn bản, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan về việc phê chuẩn, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 2020 cho ngân hàng, bố trí vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, vốn điều lệ và vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho ngân hàng…

Đọc tiếp »

Giá vàng giảm, USD tự do và ngân hàng cùng tăng

Giá vàng thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần, kéo giá vàng miếng trong nước giảm về sát ngưỡng 36,5 triệu đồng/lượng. Giá USD tự do và ngân hàng đồng loạt tăng theo tỷ giá đồng USD trên thị trường quốc tế.

Lúc hơn 11h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,44 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,52 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 10.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 80.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Vàng nhẫn tròn trơn 999,9 của những thương hiệu như Phú Quý, Bảo Tín Minh có giá dao động từ 34,5-34,51 triệu đồng/lượng (mua vào) và 34,85-34,96 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty PNJ báo giá vàng miếng SJC ở mức 36,38 triệu đồng/lượng và 36,57 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Giá vàng miếng bán ra đã lình xình trong vùng 36,5-36,6 triệu đồng/lượng trong hầu hết thời gian của tháng 5 này. Không chỉ biến động chậm hơn giá vàng thế giới, giá vàng trong nước còn ổn định do sự ổn định của tỷ giá USD/VND và nhu cầu vàng ở mức thấp.

“Thị trường hiện nay không có sự chi phối của yếu tố tâm lý, giao dịch diễn ra khá chậm”, một nhà kinh doanh vàng tại Hà Nội nói.

Giao dịch vàng miếng diễn ra ảm đạm khiến các doanh nghiệp kim hoàn lớn tại Hà Nội đưa ra chênh lệch giá mua-bán vàng thấp, phổ biến dưới 100.000 đồng/lượng để khuyến khích mua bán.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ sáng nay cao hơn khoảng 1,8 triệu đồng/lượng. Hồi đầu tháng, khi giá vàng thế giới giảm sâu, có lúc giá vàng trong nước “vênh” thế giới 3 triệu đồng/lượng.

Lúc hơn 11h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại châu Á giảm 1,5 USD/oz so với chốt phiên cuối tuần trước ở New York, còn 1.266,2 USD/oz, tương đương khoảng 34,7 triệu đồng/lượng.

Phiên Mỹ ngày thứ Sáu, giá vàng tăng 11,3 USD/oz, chốt ở mức 1.267,7 USD/oz.

Giá vàng thế giới đang chịu sự chi phối chủ yếu của tỷ giá đồng USD. Theo quy luật, giá vàng thường tăng khi USD giảm giá, và ngược lại, bởi kim loại quý này được định giá bằng USD.

Sau khi chạm mức thấp nhất 6 tháng rưỡi vào tuần trước do những rắc rối bủa vây chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng bạc xanh đã tăng giá nhẹ trong phiên châu Á sáng nay do kỳ vọng gia tăng của giới đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong tháng 6.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,1%, lên mức 97,502 điểm sáng nay. Tuần trước, có lúc chỉ số này giảm còn 96,797 điểm, thấp nhất kể từ ngày 9/11/2016.

Theo hãng tin Reuters, giới đầu tư đang đặt cược khả năng FED tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 13-14/6 là 90%, với mức tăng được dự báo là 0,25 điểm phần trăm. Nếu dự báo này đúng, lãi suất cơ bản đồng USD sẽ được nâng lên mức 1-1,25%.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay được nâng thêm 10 đồng so với cuối tuần, lên mức 22.720 đồng (mua vào) và 22.740 đồng (bán ra). Trong vòng 4 ngày trở lại đây, giá USD tự do đã tăng 35 đồng.

Tại các ngân hàng thương mại, giá USD đang hướng về phía mốc 22.800 đồng. So với cách đây 4 ngày, giá USD ngân hàng hiện tăng 40-50 đồng.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.700 đồng (mua vào) và 22.770 đồng (bán ra). Eximbank niêm yết giá ngoại tệ này ở mức tương ứng lần lượt là 22.670 đồng và 22.770 đồng.

Đọc tiếp »

Góc nhìn: 550.000 tỷ đồng nằm im trong “đám cháy nợ xấu”

Năm 2011, “đám cháy nợ xấu” chính thức bùng lên. Đến nay, đã 6 năm trôi qua, một dự thảo nghị quyết có quy mô, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ dập tắt đám cháy thực chất và triệt để mới được thai nghén, và còn nhiều quan điểm trái chiều.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh đến tính cấp bách phải dập được “đám cháy nợ xấu”, bằng định hướng đưa ra nghị quyết trên và có hiệu lực ngay từ 1/7/2017 chứ không chờ độ trễ thời gian áp dụng như các nghị quyết thông thường.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, tuần qua, nội dung dự thảo được mổ xẻ với nhiều ý kiến đóng góp. Trước thềm nghị sự ở diễn đàn này, Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức hội thảo mở rộng, với những ý kiến trái chiều.

Đến thời điểm này, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đã nhiều lần được Chính phủ, Quốc hội xác nhận ở mức 10,08%. Mức độ này cho thấy điểm nghẽn lớn đối với nền kinh tế còn rất lớn, không như mức độ dễ chịu chỉ quanh 2,5% mà các tổ chức tín dụng báo cáo.

Sau năm 2012 quyết liệt đặt ra, một lần nữa yêu cầu xử lý nợ xấu trở thành điểm nóng. Và đến thời điểm này vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về các tháo gỡ pháp lý, hỗ trợ chính sách và xác định đối tượng hỗ trợ.

Cụ thể, về dự thảo nghị quyết trên, còn có ý kiến về hỗ trợ xử lý toàn bộ nợ xấu hoặc tách phần từ 2016 trở về trước, về thời hạn hiệu lực của nghị quyết chỉ khoảng 5 năm hoặc đến khi có khuôn khổ pháp lý thay thế, về đối tượng được áp dụng, về cơ chế thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo…

Với những ý kiến còn khác nhau, tại thời điểm này chưa rõ dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ được chốt lại như thế nào và có được thông qua hay không.

Trong khi đó, với 10,08% nói trên, tổng lượng tài sản không sinh lời trong nền kinh tế vào khoảng hơn 550.000 tỷ đồng (tính theo tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống) vẫn nằm đó.

Và sau 6 năm đặt ra, tại những diễn đàn trên, việc tranh luận về nguyên nhân gây ra nợ xấu vẫn chưa dừng lại, câu chuyện tìm trách nhiệm hoặc nỗi sợ để lọt trách nhiệm vẫn chưa dừng lại.

Việc tìm nguyên nhân và trách nhiệm gây ra nợ xấu là đương nhiên. Nhưng điều này độc lập với yêu cầu vào cuộc xử lý nhanh, thực chất nợ xấu.

Đám cháy bùng lên đã lâu, nhưng đến nay, sau 6 năm, cơ chế và quan điểm vẫn cứ loay hoay tranh luận lửa từ đâu, ai gây ra, dùng nguồn nước nào để chữa, nên dùng vòi lớn hay xô chậu, nên phân loại chỗ cần dập hay dập cả, nên phân loại tài sản trong ngôi nhà bao nhiêu để xem xét bê ra trước, nếu bê tài sản ra khỏi đám cháy thì có chạy tội cho người gây cháy không và tài sản đó gắn với lợi ích đối tượng nào, khi dập nếu trực tiếp hoặc gián tiếp đụng đến nguồn nước chung thì ai chịu trách nhiệm và có được phép không…

Đó là những phân tích, tranh luận và xem xét cần làm hoặc không bỏ qua. Nhưng nó độc lập với yêu cầu có hành động dập lửa ngay, thực chất và triệt để. Và trong những ý kiến tập trung cho dự thảo vừa qua, điểm lại, có một “bình gas” khá lớn nằm trong đám cháy là vấn đề lãi dự thu của hệ thống lại ít được đề cập đến.

Hơn 550.000 tỷ đồng lượng tài sản có nguy cơ trong đám cháy đó, tưởng như chỉ gắn với người vay, chủ nợ, gắn với trách nhiệm của riêng một bộ phận trong nền kinh tế. Nhưng, hệ lụy của đám cháy cả nền kinh tế đang phải chịu thiệt hại chung.

Nhiều năm qua và cho đến nay, những nhà không bị cháy vẫn phải bỏ chi phí ra để hàng ngày nuôi lượng lớn tài sản không sinh lời đó, qua lãi suất đi vay phải tra.

Một nguồn lực lớn vẫn nằm đó, với nhiều tranh luận về cơ chế, mà chưa có được giải pháp lớn để đẩy nhanh tái tạo, đưa trở lại phục vụ nền kinh tế.

Đọc tiếp »

Chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới còn 1,7 triệu đồng/lượng

Giá vàng thế giới duy trì đà tăng nhẹ, lên gần mức cao nhất trong 1 tháng, trong khi giá vàng miếng trong nước vẫn lình xình quanh ngưỡng 36,5 triệu đồng/lượng. Giá USD tự do và ngân hàng đồng loạt giảm sau mấy ngày tăng liên tiếp.

Lúc gần 11h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,41 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,49 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 10.000 đồng/lượng.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,32 triệu đồng/lượng và 36,52 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Mấy ngày gần đây, giá vàng thế giới liên tục tăng nhẹ nhưng giá vàng trong nước hầu như không tăng, khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế được rút ngắn.

Sáng nay, giá vàng miếng SJC bán lẻ chênh cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 1,7 triệu đồng/lượng, so với mức 1,8 triệu đồng/lượng vào sáng qua và mức trên 3 triệu đồng/lượng vào đầu tháng.

Lúc đóng cửa phiên ngày 29/5 tại New York, giá vàng giao ngay tăng 0,1 USD/oz, chốt ở 1.267,8 USD/oz. Phiên sáng nay tại châu Á, lúc gần 11h theo giờ Việt Nam, giá vàng tăng thêm 2,5 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, lên 1.270,3 USD/oz.

Mức giá này của vàng thế giới tương đương khoảng 34,8 triệu đồng/lượng và rất gần với mức giá cao nhất trong 1 tháng qua thiết lập hồi giữa tháng.

Giá vàng tăng khi giới đầu tư lo ngại về một số bất ổn chính trị ở khu vực châu Âu.

Hy Lạp có thể sẽ không thanh toán khoản nợ tiếp theo trong gói giải cứu mà các chủ nợ quốc tế dành cho nước này trừ phi các chủ nợ đạt một thỏa thuận về giảm nợ cho Athens. Tại Italy, Thủ tướng Mateo Renzi nói cuộc bầu cử tiếp theo của Italy nên được tổ chức cùng thời điểm với cuộc bầu cử ở Đức vào tháng 9 năm nay.

Ngoài ra, Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo bà sẵn sàng rút khỏi cuộc đàm phán Brexit với Liên minh châu Âu (EU) và đưa Anh ra khỏi khối này mà không cần thỏa thuận nào nếu bà buộc phải làm như vậy. Trong khi đó, đối thủ bà May trong cuộc bầu cử vào tuần tới là ông Jeremy Corbyn, thủ lĩnh Công Đảng, tuyên bố sẽ đạt thỏa thuận với EU nếu ông lên nắm quyền.

Kể từ sau vụ khủng bố Manchester, khoảng cách dẫn trước của Đảng Bảo thủ cầm quyền so với Công Đảng liên tục rút ngắn, chỉ còn 6 điểm phần trăm trong cuộc thăm dò dư luận mới nhất.

Tuy nhiên, xu hướng tăng của giá vàng đang gặp trở ngại từ sự phục hồi và vững giá của đồng USD và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền mạnh khác tăng 0,2% trong phiên sáng nay, lên mức 97,659 điểm. Tuần trước, chỉ số này có lúc giảm dưới 97 điểm, thấp nhất trong 6 tháng rưỡi.

Trong nước, giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay giảm 15 đồng so với hôm qua, còn 22.705 đồng (mua vào) và 22.725 đồng (bán ra).

Ngân hàng Vietcombank giảm giá USD niêm yết 10 đồng so với sáng qua, còn 22.690 đồng và 22.760 đồng. Eximbank hạ giá USD niêm yết 20 đồng, còn 22.650 đồng và 22.750 đồng, tương ứng giá mua và bán.

Đọc tiếp »

Giá vàng miếng rẻ nhất từ đầu năm, giá USD giảm

Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên đêm qua và sáng nay (31/5), kéo giá vàng miếng trong nước xuống dưới mốc 35,4 triệu đồng/lượng. Giá USD ngân hàng và tự do cùng tiếp tục xu hướng giảm của ngày hôm qua.

Lúc gần 10h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,28 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,36 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 40.000 đồng/lượng.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,19 triệu đồng/lượng và 36,39 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Theo biểu đồ giá vàng của DOJI, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này đang ở mức rẻ nhất kể từ ngày 2/1/2017.

Thời gian gần đây, giá vàng biến động chậm, lình xình trong vùng 36,5-36,6 triệu đồng/lượng trong hầu hết thời gian của tháng 5, nên chỉ cần vài ngày giá giảm liên tục là lại có một mức đáy được thiết lập.

Từ cuối tuần trước đến nay, giá vàng miếng đã giảm khoảng 250.000 đồng/lượng. Nếu so với thời điểm đầu tháng, vàng miếng đã rẻ đi nửa triệu đồng mỗi lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước đang chênh cao hơn khoảng 1,9 triệu đồng/lượng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/5 tại New York, giá vàng giao ngay giảm 4 USD/oz, còn 1.263,8 USD/oz. Lúc hơn 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á hạ 2,9 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, còn 1.260,9 USD/oz.

Giá vàng quay đầu giảm sau khi chạm mốc cao nhất 1 tháng trên 1.270 USD/oz vào hôm qua. Giá kim loại quý này đang đương đầu áp lực giảm từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong cuộc họp vào trung tuần tháng 6.

Trong khi đó, đồng USD giảm giá nhẹ trong phiên sáng nay. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng bạc xanh giảm xuống dưới mức 97,4 điểm, từ mức trên 97,4 điểm vào phiên hôm qua.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay giảm thêm 5 đồng so với hôm qua, nâng tổng mức giảm trong 2 ngày lên 20 đồng. Lúc đầu giờ, một số điểm giao dịch ngoại tệ tự do báo giá USD ở mức 22.700 đồng (mua vào) và 22.720 đồng (bán ra).

Tại một số ngân hàng thương mại, giá USD sáng nay cũng nối tiếp đà giảm của hôm qua. Vietcombank báo giá USD ở mức 22.670 đồng (mua vào) và 22.740 đồng, giảm 20 đồng mỗi USD. Trong khi đó, Eximbank niêm yết giá ngoại tệ này ở mức 22.650 đồng và 22.750 đồng, không thay đổi so với hôm qua.

Đọc tiếp »

Ba phiên liền ngân hàng không cần “vay nóng”

Ngày 30/5, thị trường liên ngân hàng và ở nghiệp vụ thị trường mở tiếp tục phản ánh trạng thái vốn thuận lợi của hệ thống thời gian gần đây.

Nối tiếp xu hướng thể hiện rõ trong một tháng qua, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm khá mạnh và về mức thấp.

Theo tổng hợp từ Khối nghiên cứu Maritime Bank, ngày 30/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục giảm 0,08 - 0,32 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn, riêng kỳ hạn 1 tuần vẫn không thay đổi phiên thứ 10 liên tiếp.

Cụ thể, lãi suất qua đêm tiếp tục giảm xuống còn 2,42%, chỉ còn bằng phần nửa so với “mặt bằng” quanh 5%/năm cuối quý 1 đầu quý 2 vừa qua; kỳ hạn 1 tuần giữ ở 4,08%/năm; 2 tuần 3,06% và 1 tháng 3,52%.

Cùng với xu hướng giảm mạnh của lãi suất trên liên ngân hàng thời gian gần đây, ở nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước gần như đã không còn phải bơm vốn điều tiết hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống - hoạt động kéo dài với quy mô lớn sau Tết Nguyên đán.

Hôm qua (30/5) đánh dấu phiên thứ 3 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày và không có khối lượng trúng thầu.

Trong ngày, có 796 tỷ đồng đáo hạn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 796 tỷ đồng, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức chỉ còn 379 tỷ đồng.

Đọc tiếp »

Sacombank lên kế hoạch xử lý dứt điểm nợ xấu trong 5 năm

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 và 2016 vừa được Sacombank công bố sau hai năm sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Trong đó, đáng chú ý là khoản nợ xấu hơn 15.000 tỷ đồng sẽ được khoanh lại và phân bổ dự phòng rủi ro trong 10 năm.

Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối năm 2016, nợ xấu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là 13.166 tỷ đồng, chiếm 6,8%, trong khi con số trước kiểm toán là 5,5%. Đó là chưa kể khoản 37.300 tỷ đồng đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC).

Giải thích về chênh lệch tỷ lệ nợ xấu trong báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán, ông Nguyễn Miên Tuấn - Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, cho biết: “Trong đánh giá nợ thường có 2 phần là định lượng và định tính. Theo tính toán ban đầu của Sacombank thì nợ xấu ở mức 5,5%. Tuy nhiên theo tinh thần của Ngân hàng Nhà nước trong tái cơ cấu là muốn xử lý nợ phải đánh giá lại thực chất các khoản nợ, rà soát triệt để tiềm ẩn của các khoản vay, nên sau kiểm toán con số này tăng lên 6,8%”.

Cũng theo ông Tuấn, khoản nợ xấu này phần lớn đến từ Ngân hàng Phương Nam và đều có tài sản đảm bảo tương đối đầy đủ. Tuy nhiên thời gian qua việc xử lý bị vướng do cơ chế và do ảnh hưởng từ việc thị trường bất động sản bị đóng băng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã thông qua đề án tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập, đồng ý cho Sacombank thời hạn 10 năm (2015-2025) để xử lý dứt điểm nợ xấu.

“Lộ trình 10 năm là do Sacombank đề ra trên cơ sở thận trọng. Chúng tôi mong muốn có thể đẩy nhanh hơn tiến độ này. Cụ thể, trong 3 năm xử lý được 70% nợ xấu và nếu cơ chế vĩ mô cùng hoạt động ngành ổn định, thuận lợi thì trong vòng 5 năm sẽ xử lý dứt điểm, đưa Sacombank trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đây, giảm nợ xấu xuống dưới 3%”, ông Tuấn khẳng định.

Cũng theo đề án, các khoản dự thu của ngân hàng Phương Nam từ năm 2015 trở về trước được “khoanh lại” và phân bổ dần qua các năm theo năng lực tài chính. Từ năm 2016, Sacombank không đưa khoản này vào thu nhập lãi thuần nữa, đồng thời các hoạt động lõi của Sacombank (huy động, cho vay, dịch vụ) vẫn duy trì và tăng trưởng ổn định, có lãi để bù đắp.

Được biết, trong năm 2016 vừa qua, huy động vốn của Sacombank tăng trưởng 11,7%, đạt 291.654 tỷ đồng; trong đó 87% là huy động từ dân cư và từ tổ chức kinh tế là 13%. Dư nợ tín dụng của Sacombank đạt 237.918 tỷ đồng, tăng 18,3%. Và điểm sáng trong tăng trưởng hoạt động lõi của Sacombank là thu dịch vụ, tăng 22% với khoản lãi 1.430 tỷ đồng, chủ yếu tăng ở mảng khách hàng cá nhân, ngân hàng điện tử, và thẻ.

Ngân hàng cho biết đã giám sát chặt việc cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, giảm dần tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoán.

Đọc tiếp »

Giá vàng miếng thoát đáy, giá USD đi xuống

Giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong 1 tháng, đưa giá vàng miếng trong nước thoát khỏi mức đáy của 5 tháng thiết lập vào hôm qua. Giá USD tự do và ngân hàng cùng giảm ngày thứ ba liên tiếp.

Lúc gần 11h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,32 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,4 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 30.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn 999,9 của các thương hiệu như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý… tại thị trường Hà Nội dao động từ 34,5-34,52 triệu đồng/lượng (mua vào) và 34,85-34,97 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty PNJ báo giá vàng miếng SJC ở mức 36,23 triệu đồng/lượng và 36,43 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Hôm qua, giá vàng miếng SJC bán ra tại thị trường Hà Nội có lúc giảm về sát ngưỡng 36,3 triệu đồng/lượng, thấp nhất kể từ đầu tháng 1. Có một nghịch lý đang diễn ra là giá vàng thế giới đang cao nhất trong 1 tháng, nhưng giá vàng trong nước lại lập đáy.

Lý giải về điều này, một nhà kinh doanh vàng tại Hà Nội nói rằng đó là do giá vàng trong nước đã “lình xình” ở vùng hẹp trong thời gian khá dài, nên chỉ cần giảm vài trăm nghìn đồng mỗi lượng trong vài phiên là có thể lập một mức đáy. Trong khi đó, giá vàng thế giới gần đây tương đối chững trong khoảng 1.250-1.270 USD/oz nên cũng không cần tăng nhiều để lập đỉnh.

Ngoài ra, nhu cầu vàng trong nước hiện nay đang trầm lắng, nên giá vàng trong nước biến động chậm chạp hơn so với giá thế giới.

So với giá vàng quốc tế quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ hiện đang chênh cao hơn khoảng 1,7 triệu đồng/lượng.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 22.690 đồng (mua vào) và 22.710 đồng (bán ra), giảm 10 đồng so với hôm qua. Trong 3 ngày giảm liên tiếp trở lại đây, giá USD tự do hạ 30 đồng.

Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.660 đồng (mua vào) và 22.730 đồng (bán ra), giảm 10 đồng so với hôm qua. Eximbank niêm yết giá ngoại tệ này ở các mức tương ứng lần lượt là 22.640 đồng và 22.740 đồng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tại châu Á lúc gần 11h trưa nay theo giờ Việt Nam tăng 0,2 USD/oz so với chốt phiên Mỹ hôm qua, đứng ở 1.269,8 USD/oz. Mức giá này tương đương khoảng 34,7 triệu đồng/lượng.

Phiên New York, giá vàng tăng 5,8 USD/oz, tương đương tăng gần 0,5%, đạt mức 1.269,6 USD/oz. Trong phiên, có lúc giá vàng lên 1.275 USD/oz, cao nhất kể từ đầu tháng 5.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đã sụt xuống dưới mức 97 điểm, từ mức gần 97,4 điểm vào hôm qua.

Giới phân tích dự báo tỷ giá đồng USD và giá vàng sẽ ít biến động trong thời gian từ nay đến cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào ngày 13-14/6.

Đọc tiếp »