Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

“Dùng tiền của dân thì phải công khai”

Tất cả các vấn đề về tài sản Nhà nước, vốn Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước..., khi dùng đồng tiền của dân thì phải công khai.

Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, trong bối cảnh nhiều vấn đề về ngân sách, hiệu quả các dự án đầu tư ngàn tỷ nhưng kém hiệu quả đều chưa được công khai.

Ông Ngân cho rằng, không chỉ các báo cáo về các dự án lãng phí mà các vấn đề về ngân sách cũng cần công khai. Các doanh nghiệp Nhà nước sau này bắt buộc phải công khai báo cáo hàng năm vì sử dụng vốn của Nhà nước, của dân thì phải công khai... Nhưng quan trọng nữa, công khai ở thời điểm nào hợp lý nhất.

“Công khai như hiện nay khá chậm”

Nhiều đại biểu khi thảo luận về kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính, nợ công trung hạn đều phàn nàn về việc các tài liệu được gửi đến chậm, nên không có nhiều thời gian nghiên cứu, nếu cứ thông qua thì không thể yên tâm, ông có cùng nhận xét?

Chính phủ trình số phân bổ ngân sách đầu tư trong 5 năm khoảng 2 triệu tỷ, nhưng đại biểu Quốc hội cũng mới nhận được một chồng hồ sơ, thì làm sao đủ thời gian nghiên cứu hết.

Giá như việc này được công khai, gửi cho đại biểu Quốc hội cách đây vài tháng để có đủ thời gian nghiên cứu, phân tích giữa lợi ích, chi phí và vốn đầu tư ra cũng như tác động lan toả của dự án để đại biểu có đủ thông tin trước khi bấm nút phân bổ vốn.

GDP thời gian qua vốn quyết định 60%, trong thời gian tới dù có đổi mới thì vốn cũng quyết định tới 50%, nhưng vốn này được phân bổ thế nào, đảm bảo tiêu chí hiệu quả về xã hội, đảm bảo ưu tiên cho an ninh quốc phòng... nhưng cũng phải đảm bảo tái đầu tư cho khu vực đang hiệu quả. Cho nên tôi rất quan tâm tới việc phân bổ vốn đầu tư.

Các bạn có nói tại sao sử dụng tiền của dân đầu tư rồi đến khi không hiệu quả thì báo cáo lại đóng dấu mật, câu hỏi rất đúng, đã là vốn của dân thì phải được công khai.

Nhưng như tôi đã nói, công khai như hiện nay khá chậm, đáng lẽ những tài liệu này cần phải được gửi tới đại biểu từ trước. Mỗi đại biểu lại nắm lĩnh vực riêng nên cũng cần có tổ tư vấn phân tích các tài liệu này.

Vì thế nên ông không yên tâm quyết định ngay tại kỳ họp này?

Tôi rất lo ngại trong phân bổ vốn 2 triệu tỷ đồng tới đây, hơn 800.000 tỷ ngân sách địa phương thì để UBND tỉnh, thành phố quyết định, nhưng còn hơn 1,2 triệu tỷ đồng ngân sách Trung ương thì các đại biểu Quốc hội phải quyết, số này sẽ phân bổ làm sao?

Số tiền này sẽ dành một phần cho các cơ quan trung ương, bộ ngành, còn lại 63 tỉnh thành là 435.000 tỷ. Với Tp.HCM có ý kiến là phân bổ số 435.000 tỷ này, sẽ dựa trên tiêu chí gì?

Tỷ lệ dân số tại TPHCM khoảng trên 10%, vậy ít nhất phải là 42.000 tỷ trong khi thực tế chỉ được phân bố 29.000 tỷ.

“Thật sự thấy phân vân”

Trước kỳ họp này cử tri quan tâm rất nhiều đến các dự án ngàn tỷ đang “đắp chiếu”, rồi mức độ an toàn của nợ công... nhưng như ông nói, thông tin công khai khá chậm, vậy đại biểu sẽ trả lời cử tri thế nào?

Tôi nghĩ rằng đối với báo cáo gửi tới Quốc hội thì đại biểu được quyền phát biểu quan điểm của mình trước nghị trường, trên cơ sở đó báo chí vẫn có thể có thông tin.

Đồng thời, qua thảo luận trên nghị trường thì cũng sẽ giúp Quốc hội, Chính phủ cân nhắc hết các ý kiến đại biểu để đưa tới quyết định cuối cùng. Về phía đại biểu cũng phải thể hiện chính kiến của mình để phân bố vốn đầu tư đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, giảm nợ công, nợ Chính phủ.

Nợ công đã sát trần, ở mức cao. Cao so với các nước đang phát triển trong khu vực và cũng cao so với thu nhập bình quân đầu người. Ví dụ Thái Lan nợ công, nợ chính phủ 44% GDP, nhưng thu nhập bình quân đầu người 5.800 USD, còn Việt Nam nợ công, nợ chính phủ trên 50% nhưng thu nhập bình quân chỉ khoảng 2.100 USD.

Đã nhiều lần chuyện kỷ cương tài chính không nghiêm được Quốc hội bàn thảo, lần này Quốc hội cũng sẽ phải quyết những số tiền khổng lồ như tái cơ cấu cần hơn 10 triệu tỷ, đầu tư công trung hạn 2 triệu tỷ... Nhưng cũng chưa làm rõ được địa chỉ chi tiêu ngân sách lãng phí? Khi chưa làm rõ được trách nhiệm nhưng vẫn phải quyết những số tiền lớn, cảm nhận của ông thế nào?

Tôi thật sự thấy phân vân trong phân bổ ngân sách. Chính kiến của tôi sẽ được phát biểu tại phiên thảo luận trên nghị trường tới đây. Nếu không có sự điều chỉnh thì bản thân tôi sẽ không đồng ý thông qua vấn đề này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét